Non nước Việt Nam

Giữ gìn "linh hồn” dân tộc Pa Dí

Cập nhật: 24/03/2020 09:03:42
Số lần đọc: 1168
“Dân tôi chỉ có hai ngàn người/Như cái cây hai ngàn chiếc lá”… những lời thơ đã phổ thành nhạc của nhà thơ Pờ Sảo Mìn thôi thúc tôi đến Mường Khương ngày đầu năm để gặp những người ngày đêm trăn trở, giữ “linh hồn” văn hóa cho dân tộc Pa Dí nơi biên cương Tổ quốc.


Cây đàn tròn là một trong những nhạc cụ làm nên “linh hồn” dân tộc Pa Dí.

Đến Mường Khương vào mỗi phiên chợ hay mùa lễ hội, tôi đặc biệt để ý những thiếu nữ người Pa Dí với áo chàm xanh và chiếc mũ hình mái nhà duyên dáng. Không chỉ trang phục đặc biệt này, mà cây đàn tròn cùng làn điệu dân ca chính là “linh hồn” văn hóa của nhóm dân tộc thuộc hệ ngôn ngữ Tày - Thái hiện chỉ còn khoảng 2.000 người sinh sống ở huyện Mường Khương. Những nét văn hóa ấy giờ đây đang đứng trước nguy cơ mai một, nhưng vẫn có những người đang dày công gìn giữ, bảo tồn.

Nói đến giữ “linh hồn” người dân tộc Pa Dí ở Mường Khương, hiện có lẽ không ai hiểu và nhiệt huyết hơn nghệ nhân Pờ Chin Dín, sinh năm 1957, thôn Chúng Chải B, thị trấn Mường Khương. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về văn hóa của người Pa Dí, bà Dín mừng như “bắt được vàng”, bởi bà mong người ta biết đến văn hóa dân tộc Pa Dí nhiều hơn, để Nhà nước quan tâm, giúp người Pa Dí bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc trước nguy cơ mai một. Vừa lúi húi kê lại bàn ghế, rót nước mời khách, bà Dín vừa chia sẻ: “Phòng khách này vừa là “sân khấu” tập luyện của câu lạc bộ dân ca, vừa là nơi truyền dạy cho thế hệ trẻ cách cắt may, làm trang phục của người Pa Dí. Vì vậy bàn ghế, đồ đạc phải dẹp hết sang một bên, lấy không gian tập luyện”.

Nói rồi, bà Dín lấy ra cây đàn tròn, bắt đầu câu chuyện: “Đàn tròn là nhạc cụ biểu diễn dân ca của người Pa Dí. Phần đầu của cây đàn tròn mang hình đầu rồng, biểu tượng cho sức mạnh của sự sống, cho sự tốt đẹp, may mắn và thịnh vượng, có ý nghĩa tượng trưng cho những gì cao quý, tốt đẹp nhất trong đời sống con người. Cây đàn này gần giống với đàn tính của người Tày, nhưng thùng đàn to hơn gấp 2, 3 lần, tất cả đều làm bằng gỗ, nhưng khác đàn tính là cán đàn ngắn và có 4 dây. Cũng nhờ cây đàn này mà gợi cho bà Dín niềm say mê với dân ca của dân tộc mình từ khi 12 tuổi đến tận ngày nay.

Ngày bé, bà Dín thường theo anh chị đi xem biểu diễn dân ca những ngày lễ, Tết. Mỗi khi tiếng đàn vang lên những âm thanh lúc khoan, lúc nhặt, lúc tha thiết, khi dồn dập, tâm tình… làm bà cảm thấy da diết. Những lúc các anh chị nghỉ giải lao, bà lại “lén” mượn đàn để tập. Càng tập càng thích, lại càng say mê, bà Dín phải bớt tiền mua quần áo, nhịn ăn để sắm cho riêng mình cây đàn tròn khi 15 tuổi và cũng là lúc bà biết hát thành thạo, thuộc nhiều bài dân ca Pa Dí.

Theo bà Dín, dân ca Pa Dí có những làn điệu ngợi ca tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm gia đình hay tình yêu nam nữ. Đặc biệt, dân ca Pa Dí có nhiều bài hát về các mùa, các tháng trong năm hay hát về 12 con giáp, hát tạ ơn cây trồng… Đặc biệt, mỗi dịp tết đến hoặc những lúc nông nhàn, trai gái Pa Dí sẽ hát lên khúc nhạc giao duyên, đó là những “tiếng lòng” của đôi lứa yêu nhau. Dân ca là “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong cuộc sống của người Pa Dí.

Năm 2019, bà còn tự sáng tác một ca khúc dân ca Pa Dí ca ngợi chương trình xây dựng nông thôn mới ở Chúng Chải B, trong đó có đoạn viết: “Thôn Chúng Chải B đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới/Đến nay đã có đường bê tông để đi, đường làng ngõ xóm sạch đẹp/Nhờ nông thôn mới, bản làng ta năm nay đổi mới rồi”. Những lời ca tuy mộc mạc nhưng ẩn chứa trong đó là niềm vui khi quê hương đổi thay, niềm tự hào và yêu tha thiết làn điệu dân ca của người con Pa Dí.

Không chỉ biết đàn, biết hát dân ca Pa Dí, bà Dín còn là một trong số ít người trong cộng đồng Pa Dí ở Mường Khương thông thạo nghề làm trang phục truyền thống của dân tộc mình. Trang phục của dân tộc Pa Dí được làm thủ công bằng vải nhuộm chàm với rất nhiều chi tiết khác nhau, như tay áo, thân áo, chân váy, yếm, hoa văn trang trí trên trang phục... Đặc biệt nhất trong bộ trang phục này là chiếc mũ hình mái nhà. Mũ của người Pa Dí được làm rất cầu kỳ với chi tiết khác nhau. Các công đoạn đều được bà Dín thực hiện rất tỉ mỉ, khéo léo. Để góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc Pa Dí, bà Dín luôn trăn trở làm sao có thể truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ, vì bà hiểu tri thức làm trang phục và hát dân ca đều là nghệ thuật truyền miệng, nếu không giữ thì sẽ mai một.

Chị Pờ Thị Sen, thôn Chúng Chải B tâm sự: nhờ bà Dín chỉ bảo tận tình, đến nay tôi và một số chị em trong thôn đã thành thạo hát, múa. Thỉnh thoảng chúng tôi được cùng bà Dín đi biểu diễn, giao lưu hát dân ca ở trong và ngoài tỉnh. Năm ngoái, 10 chị em cùng bà Dín được châu Hồng Hà (Vân Nam, Trung Quốc) mời sang biểu diễn, giao lưu. Câu lạc bộ dân ca Pa Dí đã xuất sắc giành giải B ngay trên đất nước bạn. Đó là niềm vinh dự, tự hào của những người yêu dân ca Pa Dí ở Mường Khương.

Chia sẻ về mong muốn gìn giữ “linh hồn văn hóa” của dân tộc Pa Dí, bà Dín tâm sự: do bà con ở đây chủ yếu làm nông nghiệp, nên đời sống còn khó khăn. Việc truyền dạy các tri thức văn hóa hoàn toàn tự nguyện, không có kinh phí hỗ trợ. Nếu được Nhà nước quan tâm, giúp bảo tồn những giá trị văn hóa này cho cộng đồng Pa Dí thì tôi mới yên tâm được. Chẳng may khi tôi không còn nữa, lớp trẻ lại không chịu học và giữ gìn nét văn hóa của dân tộc mình thì tôi không biết phải làm sao”.

Rời Mường Khương trong tiếng tình tang tha thiết của cây đàn tròn, trong lòng tôi trào dâng lên nhiều xúc cảm và mong muốn người Pa Dí luôn bảo tồn, giữ được “linh hồn văn hóa” của dân tộc mình.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT