Tin tức - Sự kiện

Đưa Khu di tích Hoàng thành Thăng Long trở thành công viên di sản

Cập nhật: 24/02/2021 08:03:12
Số lần đọc: 828
Các đại biểu cũng nhất trí cao với ý kiến của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, đặc biệt là tầm nhìn đưa Khu di tích Hoàng thành Thăng Long trở thành công viên di sản của Thủ đô, vừa bảo tồn, vừa phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử, du lịch và Dự án phục dựng điện Kính Thiên.


Quang cảnh buổi làm việc.

Chiều 23/2, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội và các sở, ngành liên quan của Thành phố về việc quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản và tiến độ triển khai các dự án do Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội thực hiện.

Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội hiện đang quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị 2 khu di tích gồm: Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội và Khu di tích Cổ Loa.

Để phát huy giá trị di sản, thu hút khách tham quan, hằng năm, thông qua kết quả nghiên cứu, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù như: Thể nghiệm các nghi lễ truyền thống; Tổ chức các hoạt động tâm linh; Mở rộng quan hệ hợp tác với các chuyên gia trong nước và quốc tế trong công tác đào tạo, tư vấn, hợp tác trao đổi kinh nghiệm; Duy trì hoạt động của Hội đồng tư vấn khoa học thành phố để tư vấn trong công tác quản lý và bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị khu di sản…

Năm 2020, Trung tâm đã thực hiện các dự án cải tạo, sửa chữa xuống cấp bằng nguồn kinh phí thường xuyên để phục vụ khách tham quan tại Hoàng thành Thăng Long và khu di tích Cổ Loa; tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại số 18 Hoàng Diệu theo quy hoạch tổng thể mặt bằng đã được phê duyệt.

Trung tâm đã và đang thực hiện đầu tư và chuẩn bị đầu tư 5 dự án. Trong số này có Dự án bảo tồn, tôn tạo tường thành cung phía Tây, khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (hoàn thành năm 2017); Dự án bảo tồn nhà Cục Tác chiến và từng bước hoàn trả không gian điện Kính Thiên; Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (dự án tổng thể), Dự án lập quy hoạch chi tiết 1/500 Khu di tích Thành Cổ Loa...

Ngoài ra việc thực hiện cam kết của Chính phủ với Ủy ban Di sản Thế giới về nhất thể hóa quản lý khu di sản vẫn chưa được thực hiện đầy đủ dẫn đến việc nghiên cứu, thực hiện dự án và công tác phát huy giá trị di sản gặp nhiều khó khăn. Lượng khách tham quan và nguồn thu hàng năm chưa tương xứng, sản phẩm du lịch, hoạt động văn hóa phi vật thể chưa phong phú…

Tại buổi làm việc, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội đề xuất TP Hà Nội 3 vấn đề. Trong đó, đối với việc thực hiện chuẩn bị đầu tư các dự án, đề nghị thành phố triển khai các dự án thành phần của Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long-Hà Nội theo quy hoạch 1/500 đã được phê duyệt; Đồng ý chủ trương lập dự án đầu tư phục dựng Điện Kính thiên trên cơ sở hồ sơ khảo cổ học, các công trình tương tự và ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia, cộng đồng xã hội; Đồng ý cho phép triển khai các dự án bảo tồn tôn tạo Khu di tích Thành Cổ Loa tỷ lệ 1/2000, khi triển khai dự án thành phần sẽ lập Quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 cho từng dự án…

Tại buổi làm việc, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan, làm rõ, đề xuất những phương án, giải pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong triển khai, thực hiện các dự án bảo tồn 2 di sản quan trọng nêu trên. Các đại biểu cũng nhất trí cao với ý kiến của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, đặc biệt là tầm nhìn đưa Khu di tích Hoàng thành Thăng Long trở thành công viên di sản của Thủ đô, vừa bảo tồn, vừa phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử, du lịch và Dự án phục dựng điện Kính Thiên.

Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu cho rằng, vấn đề thống nhất quản lý là quan tâm số 1 của UNESCO cũng như của chúng ta, do vậy Hà Nội cần tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan để đẩy nhanh tiến độ bàn giao phần diện tích còn lại (1,729ha) và bàn giao các di vật khảo cổ học. Về các dự án ưu tiên, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu mong muốn Hà Nội cần tập trung 2 dự án ưu tiên, đó là khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu và phục dựng điện Kính Thiên...

Kết luận hội nghị, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định: Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di sản văn hóa thế giới đã được công nhận hơn 10 năm qua; Khu di tích Cổ Loa là di tích cấp quốc gia đặc biệt. Đây là những tài sản rất quý giá của Hà Nội. Tuy nhiên, kết quả công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa thời gian qua đạt được chưa tương xứng với tiềm năng. Việc triển khai thực hiện các dự án rất chậm, dàn trải, chưa đáp ứng được sự mong đợi của người dân, của Trung ương, thành phố và UNESCO…

Nhấn mạnh một số yêu cầu, nhiệm vụ thời gian tới, Bí thư Vương Đình Huệ chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa chủ trương, quan điểm lớn của Đảng, Nhà nước ta đối với việc bảo tồn, phát huy các di sản thế giới và di sản quốc gia; nhận thức rõ hơn những giá trị to lớn của Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa; từ đó quyết tâm, trách nhiệm, không chỉ thực hiện bằng năng lực, trình độ, mà bằng cả tâm huyết; phân tích, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế cần tháo gỡ...

Về giải pháp, đối với việc bàn giao để thống nhất quản lý Hoàng thành Thăng Long, Bí thư Vương Đình Huệ đề nghị Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm xây dựng cơ sở mới tại quận Nam Từ Liêm để di dời Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam; đồng thời bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, theo tiến độ, yêu cầu để thực hiện bàn giao, tiếp nhận các khu vực còn lại; khẩn trương sửa chữa công trình, mua sắm thiết bị để bảo quản các di vật khảo cổ sau khi tiếp nhận.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ giao Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ, đề xuất chủ trương trình phê duyệt các dự án, trong đó tập trung làm nhanh đối với dự án tại khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu và phục dựng điện Kính Thiên, bổ sung vào danh mục dự án ưu tiên, sớm triển khai đầu tư của thành phố. Thường trực Thành ủy xác định, tinh thần chỉ đạo quyết liệt. Nếu không quyết tâm thì 10 năm, 20 năm cũng không làm được.

Đề cập 4 dự án tu bổ, tôn tạo, chỉnh trang liên quan đến Hoàng thành Thăng Long, đồng chí Vương Đình Huệ cho rằng, theo đề xuất của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội thì thời hạn hoàn thành còn quá xa, nên rút ngắn lại. Đối với Khu di tích Cổ Loa, cho phép triển khai các dự án bảo tồn, tôn tạo theo Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa tỷ lệ 1/2.000 đã được phê duyệt; khi triển khai thực hiện dự án thành phần sẽ lập Quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 cho từng dự án.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội nghiên cứu thêm một dự án huấn luyện đào tạo nhân sự, truyền thông nhằm phát huy giá trị di sản theo gợi ý của đại diện UNESCO. Đồng thời thành lập ngay Ban Chỉ đạo các dự án liên quan đến Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa, do Chủ tịch UBND TP đứng đầu; đồng thời tiếp tục kiện toàn Hội đồng tư vấn khoa học; tăng cường năng lực cho Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội…/.

Nguồn: ĐCSVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT