Hành trang lữ khách

Du lịch làng nghề tại Quảng Yên

Cập nhật: 09/03/2020 13:55:42
Số lần đọc: 909
Quảng Yên – vùng đất cổ hơn 600 năm với những trầm tích văn hóa lịch sử, với cảnh quan thiên nhiên đẹp và đặc biệt có 2 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống, đó là làng nghề đan ngư cụ Hưng Học và làng nghề đóng tàu thuyền vỏ gỗ Cống Mương. Bảo tồn làng nghề gắn với phát triển du lịch đang là hướng phát triển bền vững trong những năm gần đây tại 2 làng nghề này.


Làng nghề đóng tàu vỏ gỗ Cống Mương (phường Phong Hải, TX Quảng Yên)

Tiềm năng lớn và khác biệt

Nghề đóng thuyền gỗ ở làng Phong Lưu xưa, nay là Cống Mương, phường Phong Hải đã được hình thành từ hơn 400 năm trước. Tại đây, rất nhiều loại tàu thuyền vươn khơi bám biển đã ra đời, nhưng nổi tiếng nhất là loại thuyền ba vát chạy buồm cánh dơi với ưu điểm có thể chạy được ngược nước, ngược gió. Vào năm Thành Thái thứ 8, nhà vua đã có sắc phong ngợi ca tay thợ tài hoa của làng đóng thuyền Phong Lưu. Làng nghề này cũng được công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2015.

Đến với làng nghề Cống Mương, du khách sẽ được tham quan quy trình đóng tàu thuyền vỏ gỗ, đồng thời được trải nghiệm quá trình tạo nên những mô hình thuyền ba vát mỹ nghệ. Đây cũng là một mô hình kinh doanh mới tại đây.

Còn tại làng nghề đan ngư cụ Hưng Học (phường Nam Hòa) – một làng nghề được hình thành từ giữa thế kỷ 15, mang đặc trưng sông nước của vùng đảo Hà Nam, du khách sẽ được tìm hiểu về quy trình tạo nên những ngư cụ như những chiếc lờ, chiếc đó để đánh bắt hải sản, hay những chiếc thuyền nan chuyên chở hàng hóa trên sông. Tương truyền, nghề truyền thống của làng do cụ Đặng Văn Tuân, quê ở Chí Linh - Hải Dương ra vùng cửa sông Bạch Đằng quai đê lấn biển, sáng tạo nên và truyền lại cho con cháu. Cuối tháng 11/2014, làng nghề Hưng Học đã được công nhận là làng nghề truyền thống. Các nghệ nhân tại làng nghề cũng đã thổi hồn vào những sản phẩm thuyền nan để trở thành những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo được công nhận là sản phẩm OCOP của Quảng Ninh.

Đánh giá về tiềm năng du lịch làng nghề tại Quảng Yên, ông Trịnh Văn Thái, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch khám phá cho rằng: Thị xã Quảng Yên có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch làng nghề, lại gần TP Hạ Long, TP Uông Bí, có thể kết nối thành một tam giác du lịch rất hấp dẫn. Mặt khác, các làng nghề này đều có lịch sử phát triển rực rỡ trong quá khứ và còn lưu giữ được những nét văn hóa độc đáo, đặc trưng của một vùng đất cổ. Đó sẽ là những điều khiến du khách rất thích thú khám phá.

Đánh thức tiềm năng


Mô hình thuyền ba vát chạy ngược nước, ngược gió - sản phẩm mỹ nghệ dành cho khách du lịch

Giai đoạn trước đây, mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng du lịch làng nghề tại Quảng Yên chưa thực sự tạo được sức hút lớn. Từ cuối năm 2013, các hãng lữ hành cũng đã dẫn tour khách Âu về các làng nghề nhưng lượng khách còn khiêm tốn và chưa đều đặn, trung bình mỗi năm chỉ từ 20 – 30 đoàn khách. Vì vậy, tỉnh đã khảo sát đánh giá lại và trên cơ sở đó có những cơ chế, chính sách thúc đẩy du lịch làng nghề phát triển.

Xây dựng mô hình làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch cũng là đề tài khoa học cấp tỉnh do trường Đại học Hạ Long chủ trì thực hiện trong hai năm 2018, 2019. Tiến sĩ Vũ Văn Viện, Trưởng khoa Du lịch Trường Đại học Hạ Long - chủ nhiệm đề tài khoa học cho biết: Trong suốt hơn 2 năm thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã đi nhiều làng nghề trong phạm vi cả nước để có những bài học kinh nghiệm triển khai mô hình tại Quảng Ninh. Ngoài ra, chúng tôi còn làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước để xây dựng mô hình du lịch làng nghề tại Quảng Yên và phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành để hút khách tới các làng nghề.

Ông Ngô Đình Dũng, Phó Phòng Văn hóa thông tin TX Quảng Yên chia sẻ: Thời gian qua, thị xã rất tích cực khuyến khích mời gọi các doanh nghiệp trong tỉnh tiếp tục đến nghiên cứu, xây dựng thành các tour du lịch hấp dẫn để đón khách. Hy vọng thời gian tới, du lịch làng nghề Quảng Yên sẽ phát triển xứng tầm tiềm năng.

Với sự quan tâm của địa phương và của tỉnh, hiện nay, một số cơ sở sản xuất tại các làng nghề Quảng Yên bước đầu đã được hỗ trợ nhãn mác, bao bì, túi xách, tờ rơi, logo sản phẩm. Mặt khác, việc đa dạng trải nghiệm trong tour du lịch làng nghề Quảng Yên cũng là giải pháp hiệu quả để hút khách. Bên cạnh tham quan các làng nghề, du khách còn được trải nghiệm chèo thuyền dọc bờ sông đình Cốc, tham quan đình Cốc và dâng hương tại đình, đồng thời được trải nghiệm làm bánh gio cùng những người dân bản địa và thưởng thức những đặc sản của địa phương.

Tuy nhiên, có một thực tế là người dân tại các làng nghề cơ bản vẫn làm nông nghiệp là chính, còn việc làm thuyền và phục vụ phát triển du lịch vẫn chỉ theo thời vụ. Mua bán sản phẩm đang dưới hình thức truyền miệng, biết tiếng đến mua chứ chưa có cơ sở, doanh nghiệp nào đứng lên thu mua, bao tiêu sản phẩm. Thêm nữa, du khách đa phần chỉ dừng chân tại các làng nghề để tham quan, tìm hiểu về nghề, còn tại đây chưa có khu vực bày bán sản phẩm, hoặc chuỗi dịch vụ đi kèm để quảng bá các sản phẩm của làng nghề, vì vậy doanh thu từ du lịch chưa lớn.

Ông Trịnh Đăng Thanh, Phó giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho rằng: Cách làm của bà con hiện nay chưa có sự hướng dẫn bài bản, kể cả về mặt du lịch và thương mại. Người dân làm ra cứ trông chờ khách đến mua. Chúng ta phải quảng bá rộng rãi để sản phẩm tiếp cận được đa dạng đối tượng, thậm chí phải mở rộng thị trường bày bán sản phẩm ra các trung tâm thành phố lân cận. Khi sản phẩm của làng nghề được nhiều người biết đến thì sức hút của làng nghề cũng sẽ tăng lên.

Vai trò của du lịch làng nghề có ý nghĩa rất đặc biệt trong việc gìn giữ văn hóa và phát triển kinh tế địa phương. Từ những tiềm năng sẵn có cùng với những định hướng của thị xã, của tỉnh, du lịch làng nghề tại Quảng Yên đang được hoàn thiện theo thời gian để trở thành một sản phẩm du lịch không thể bỏ qua khi du khách đến với vùng đất này./.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục