Hành trang lữ khách

Du lịch homestay ở Gò Cỏ (Quảng Ngãi)

Cập nhật: 22/04/2020 14:36:22
Số lần đọc: 1293
Ngày mới bắt đầu, Gò Cỏ - một ngôi làng ở cực Nam của tỉnh thuộc thôn Long Thạnh, phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ) hiện ra thật lung linh với những gam màu cổ kính.

Khung cảnh thanh bình ở làng chài Gò Cỏ.

Trở về ký ức tuổi thơ

Mặt trời vừa hé dạng, làng cổ Gò Cỏ nằm trên đỉnh đồi, một bên là biển xanh, một bên là cánh đồng bậc thang trong mùa lúa chín. Men theo con đường bê tông từ đầu Quốc lộ 1 vào Gò Cỏ chừng 2km, du khách sẽ bắt gặp một cảnh thanh bình đến lạ. Từ những ngôi nhà cổ xưa thâm thấp, bờ đá, con đường đá xếp chồng lên nhau ôm lấy làng cổ. Trên những bờ đá là những hàng rào vẩy ốc, điểm tô những chùm hoa giấy trên nền lá xanh trông thật nên thơ. 

Cuộc sống của người dân ở Gò Cỏ cứ chậm trôi theo lớp lang của công việc hằng ngày như đối lập hoàn toàn với cuộc sống hối hả phía ngoài. Đàn ông thong thả ra đồng, ra khơi, phụ nữ xuống biển bắt ốc, hái rong, kiếm cá...

Thấy đoàn khách, bà Nguyễn Thị Thiệt nở nụ cười thật tươi, đon đả chào hỏi. Lời chào chao ôi thật thân thiện như đón người thân trở về: Các con cứ dạo chơi, trưa đến đây cơm nước nhé... Nhìn quanh, ở đây không có quán, đoàn khách gật đầu ra chiều cảm ơn.

Có nơi dừng chân để lót dạ, đoàn khách theo bước chân những ngư dân trong làng ra gành đánh bắt cá. Men theo con đường đá được xếp bậc dưới những tán dừa, tán cọ kéo dài ra biển. Phong cảnh nơi đây đẹp đến nao lòng. Bãi biển được ôm trọn theo vòng cung của núi. Phía bắc là những tảng đá nhấp nhô tạo thành những vách đứng, phía nam đá như bàn tay mẹ chìa ra tận biển nâng đỡ những chiếc ghe nhỏ ra gành đánh bắt. Đưa tay chỉ ra biển, ông Trần Văn Hai bảo: Cũng nhờ địa hình của núi chãi dài ra biển đã tạo nên những rạn san hô cho các loại cua, tôm, mực, ốc, cá trú ngụ sinh sôi quanh năm.

Trước đây, làng chưa có khách du lịch, người dân đánh bắt để làm thức ăn trong bữa cơm gia đình. Giờ làng làm du lịch homestay, con cá, con tôm có giá hơn, nhưng không ai dùng thuốc nổ hay châm chích điện để đánh bắt cá. Vẫn phương tiện thô sơ, với những tay lưới, tay chèo giăng thả cá. Du khách về đây, chứng kiến ngư dân đánh bắt, gỡ những con cá nục, cá đục, mực, tôm tươi rói như bắt gặp ở đâu đó phương thức đánh bắt của thời cổ xưa.

Nắng lên cao, bãi biển óng ánh bởi cát vàng là lúc những chú còng đào sâu trong lòng cát để làm ổ. Những phụ nữ phía bờ xoắn tay đào hang bắt còng để làm món đãi khách. Họ cười nói râm ran. Nhiều khách tò mò, cô Thiệt, cô Vân bảo: Bắt còng có nhiều cách. Cứ thế, cô hướng dẫn cho khách cách bắt còng. Cán bộ phụ trách Văn hóa phường Phổ Thạnh Lê Văn Hùng cho hay: Về đây như được sống lại với tuổi thơ chính mình. Nào là bắt còng, chạy sóng, rồi được sống với con người chân chất, mộc mạc không phải hối hả, xô bồ. Vì thế, mỗi lần có khách về tham quan, nghiên cứu Gò Cỏ là mình nhiệt tình hướng dẫn... 

Du khách tham quan làng Gò Cỏ.

Bữa cơm khó quên 

Sáng nào cũng vậy, người làng Gò Cỏ ra biển như mẹ quê đến chợ trong mỗi sáng mai. Chốc lát trong mỗi tay xách của các mẹ, các chị nào là tôm, ốc, cá tươi xanh. Bà Nguyễn Thị Thiệt giãi bày: Ở biển này không có cá lớn, nhưng rất tươi. Mỗi lần có khách là mình đãi các món chế biến dân dã ở quê mình, khách nào cũng tấm tắc khen ngon. Vì vậy, khi làng mở du lịch homestay, nhà tôi mạnh dạn đăng ký làm du lịch. Qua hai năm làm du lịch, khách về đây khá nhiều, nhưng nhớ nhất vẫn là tiếp đoàn khách người nước ngoài. 

Lúc đầu, nhận thông tin tiếp đoàn khách nước ngoài, tôi gật đầu mà lo lắm. Bởi không biết những tập quán ăn ở, sinh hoạt ở làng Gò Cỏ có phù hợp với du khách không?! Chưa kịp chuẩn bị tâm thế thì khách đã vào đầu ngõ. Chị em lóng ngóng chuẩn bị những công đoạn để chế biến món ăn cho bữa cơm trưa, thì không ngờ lại làm du khách thích thú và tìm hiểu. Người vào bếp lặt lá giang, xem cách nấu canh cá, chế biến món rong mơ, mực xào, còng rang... Bữa cơm đầy vị biển được bày ra giữa nhà, mọi người vây quanh, vừa ăn, vừa trò chuyện thật gần gũi. Từ đó, chúng tôi biết thế nào là làm du lịch homestay. 

Về Gò Cỏ, du khách không chỉ được sống với tình người trong trẻo, được ăn bữa cơm được chế biến từ nguyên liệu lấy từ biển kết hợp với núi, được nghe hát bài chòi, hát hố, sắc bùa, mà còn được sống trong không gian thanh bình, cổ kính. Từ những dấu tích xưa của những con đường đá, hàng rào đá, những giếng Chăm, đền thờ, miếu mạo, bia ký Chăm, những danh thắng còn nguyên vẹn, du khách sẽ hiểu hơn những giá trị trên tuyến trình tìm hiểu di sản ở Công viên địa chất Lý Sơn  - Sa Huỳnh./.

Nguồn: Báo Quảng Ngãi

Cùng chuyên mục