Non nước Việt Nam

Độc đáo những làng nghề truyền thống ở xứ Thanh

Cập nhật: 24/07/2020 07:50:24
Số lần đọc: 1104
Thanh Hóa được biết đến với những làng nghề truyền thống nổi danh hàng trăm năm tuổi. Mỗi làng nghề không chỉ là niềm tự hào mà còn là câu chuyện về tinh thần lao động, sáng tạo của con người xứ Thanh.

 

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, những sản phẩm mỹ nghệ làm từ cây cói vẫn được người dân Nga Sơn giữ gìn và phát triển.

Từ bao đời nay, tên tuổi của các làng nghề như: làng mộc Đạt Tài, chiếu cói Nga Sơn, bánh gai Tứ Trụ, nước mắm Ba Làng, đúc đồng Trà Đông... đã đi khắp mọi miền của Tổ quốc. Theo thống kê, hiện Thanh Hóa có 36 nghề với 118 làng nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), 75 làng nghề, làng có nghề truyền thống đã được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận làng nghề. Trong đó, có 2 nhóm làng nghề hoạt động tốt gồm: Nhóm làng nghề chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm (TP Thanh Hóa, Thọ Xuân, Tĩnh Gia, Hậu Lộc...); nhóm làng nghề sản xuất TTCN (Nga Sơn, Hoằng Hóa, Cẩm Thủy, Thiệu Hóa...). Đây được xem là một trong những nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm nét văn hóa đặc trưng, đồng thời cũng là nguồn sinh kế cho bà con nơi đây.

Khi nhắc đến sự tinh xảo của nghề thủ công truyền thống, chúng ta nghĩ ngay đến những sản phẩm của làng đúc đồng Trà Đông, xã Thiệu Trung (huyện Thiệu Hóa) với nhiều sản phẩm tinh xảo như trống đồng, chiêng đồng, đồ thờ, lư hương, con giống... được làm bởi những nghệ nhân tài hoa, yêu nghề và cần cù lao động. Trải qua biết bao thăng trầm, biến cố, nghề đúc đồng làng Trà Đông vẫn giữ được nét độc đáo, đặc trưng mà không nơi nào sánh được.

Theo các cụ cao niên, nghề đúc đồng gắn với truyền thuyết về Thánh Sư Không Lộ Nguyễn Minh Không - vị tổ sư của nghề đúc đồng ở nước ta (thời Lý). Sau khi từ phương Bắc trở về, ngài cùng hai đồ đệ họ Vũ chu du khắp cả nước tìm đất tốt làm khuôn đúc đồng. Khi đến vùng đất Trà Sơn Trang (làng Trà Đông ngày nay) thì tìm được đất làm khuôn ưng ý, đem về Lam Trúc Sơn (Hà Nội) để đúc bộ tứ khí. Nhận thấy Trà Đông là vùng đất tốt, hai học trò họ Vũ của Thánh Sư Không Lộ đã quay trở lại đây mở lò đúc đồng, truyền dạy nghề cho người dân.

Theo những nghệ nhân làm nghề đúc đồng Trà Đông, nghề đúc đồng tưởng dễ mà khó vô cùng. Bởi ngoài nguyên liệu gồm các loại đồng (đồng thau, đồng chuông, đồng máy, đồng nát...) còn có đất sét để làm khuôn đúc (đất già, đất vừa, đất non)... và kỹ thuật đúc đồng chính là yếu tố quyết định đến thành công của sản phẩm. Với người làm nghề đúc đồng Trà Đông, đúc đồng không chỉ là nghề nặng nhọc mà còn đòi hỏi kỹ thuật, kỹ năng. Từ nấu đồng, thổi bễ, dập bễ, rót đồng vào khuôn, giữ ngọn nước đồng... tất cả đều phải thực sự điêu luyện, không thể làm bừa. Vậy nhưng, kinh nghiệm làm nghề lại chỉ được truyền miệng từ đời này sang đời khác và người làm nghề chỉ thành công khi thực sự “thuộc” nghề, trải nghề. Bởi vậy, với bất cứ nghề nào cũng có thể “học mót”, nhưng với riêng đúc đồng, nếu không được truyền nghề thì rất khó để làm ra sản phẩm tốt. Vì vậy, ở Thiệu Trung ngày nay dù có nhiều thôn, làng song vẫn chỉ có duy nhất người dân làng Trà Đông làm và sống được với nghề.

Với sự độc đáo, lắng đọng những giá trị trao truyền, năm 2018, nghề đúc đồng cổ truyền làng Trà Đông đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là niềm vui, tự hào song có lẽ cũng là trách nhiệm đặt ra với việc phát triển nghề truyền thống cha ông của người làm nghề hôm nay.

Cũng như những ngành nghề khác, nghề mộc truyền thống Đạt Tài, huyện Hoằng Hóa được nhiều người biết đến với những sản phẩm mộc mang đường nét hoa văn đặc sắc, mềm mại, sinh động.

Được biết nghề mộc có mặt ở làng từ thế kỷ thứ XVI đến nay là khoảng 500 năm, những bậc cao niên trong làng cũng không nhớ ai là người đã truyền lại nghề cho dân làng. Chỉ biết rằng từ xa xưa, thợ mộc Đạt Tài, với việc làm nhà được nhiều nơi ca ngợi. Chỉ cần nhìn các đường lắp, đường tâm, cái kẻ cùng với những nét chạm khắc hoa văn tinh xảo trên các đầu xà, cánh cửa và các đồ như tủ, sập, kiệu, đồ thờ... có thể nhận ra ngay là thợ mộc Đạt Tài. Nghề thợ mộc nơi đây không chỉ giỏi và nổi tiếng làm nhà, làm đình, chùa... ở trong tỉnh, mà còn vươn ra các tỉnh lân cận. Thợ mộc Đạt Tài chạm cửa vòng, hoành phi, câu đối giỏi, còn điêu khắc được các bức Long - Ly - Quy - Phượng, ngư tiều canh mục, mã đáo thành công; còn giỏi cả đóng tủ, giường, bàn ghế cao cấp, đồ dân dụng. Ngoài ra còn làm được cả hương án, tạc tượng thần, tượng phật. Đi qua thời gian, đến nay, những người thợ mộc Đạt Tài, bằng sự tài hoa tâm huyết đời nối đời vẫn cứ miệt mài khẳng định thương hiệu của làng mộc nổi tiếng bậc nhất xứ Thanh.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, mặc dù nghề làm nón không còn hưng thịnh nhưng qua bàn tay khéo léo, sự tỉ mỉ, chau chuốt trong từng công đoạn, những người thợ ở làng nghề nón lá Trường Giang (huyện Nông Cống) vẫn đang âm thầm “giữ hồn” cho từng chiếc nón Việt.

Những người thợ ở làng nghề nón lá Trường Giang (huyện Nông Cống) vẫn đang âm thầm “giữ hồn” cho từng chiếc nón Việt.

Là một làng nghề truyền thống nổi tiếng của xứ Thanh, nón lá Trường Giang được làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau nhưng tất cả những vật liệu để có thể làm ra nón lá đều phải nhập từ nơi khác. Lá được lấy từ cây buông ở các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai..., còn vành tạo hình dáng lấy từ cây vàu, cây nứa trên các huyện miền núi Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước. Thế nhưng, bằng niềm yêu nghề cũng như sự chăm chỉ của người dân, làng nghề đã tồn tại hàng trăm năm nay. Năm 2014, làng nghề nón lá Trường Giang đã được công nhận làng nghề truyền thống; năm 2015, sản phẩm nón lá Trường Giang vinh dự lọt top 100 thương hiệu nổi tiếng cả nước; năm 2016 sản phẩm cũng đã được chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể và từ đó Hiệp hội nón lá Trường Giang được thành lập... Trải qua bao thăng trầm, biến cố của thời gian nhưng làng nghề nón lá Trường Giang vẫn đứng vững và ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Khác với những nghề truyền thống khác, không cần đến những kỹ thuật tinh xảo, tỉ mỉ nhưng món bánh gai Tứ Trụ trên vùng đất “hai vua” luôn nức tiếng xa gần bởi sự ngọt bùi, thơm ngậy được bắt nguồn từ vùng đất Tứ Trụ, thứ đặc sản của người làng Mía, thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Bánh gai Tứ Trụ là thứ quà quê dân dã không thể thiếu khi về với xứ Thanh.

Cách thị trấn Thọ Xuân khoảng 9 km về phía Tây, nằm cạnh Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, làng Mía nằm bên bờ sông Chu vốn màu mỡ, trù phú. Ngôi làng cổ này xưa và nay nổi tiếng với nghề bánh gai, hơn 600 năm trải qua bao thăng trầm, nay làng nghề vẫn “giữ lửa” với hơn nửa số hộ vẫn theo nghề. Theo tìm hiểu, trước những năm 40 của thế kỷ 20, bánh gai làng Mía được bày bán ở phố Tứ Trụ thuộc tổng Diên Hào (nay thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân) người mua thường gọi là bánh gai Tứ Trụ, lâu rồi thành quen. Đến nay, bánh gai Tứ Trụ đã trở thành thứ đặc sản nổi tiếng khắp xứ Thanh.

Trải qua hàng trăm năm ra đời, tồn tại và phát triển, những làng nghề truyền thống xứ Thanh chẳng phải khi nào cũng phát triển rực rỡ. Đó còn là cả thăng trầm mà chỉ người làm nghề mới thấu hết. Từ thuở xưa, người dân Nga Sơn những tưởng đành phải bất lực mưu sinh nơi vùng đất phù sa nhiễm mặn một dải ven biển thì tạo hóa đã hào phóng ban tặng cho họ thứ cây đặc biệt là cây cói. Những cánh đồng cói xanh mướt một dải một thời từng là niềm kiêu hãnh của người dân nơi đây. Thậm chí, chiếu cói Nga Sơn từng được xem như vật phẩm tiến cống dưới thời nhà Nguyễn. Vậy nhưng cây cói - nghề làm cói vốn niềm tự hào, được xem như báu vật trời ban cho vùng đất này rốt cuộc cũng không tránh khỏi sự trầm lặng, tưởng chừng muốn đứt gãy.

Khi mất thị trường truyền thống, thị hiếu tiêu dùng của người dân thay đổi... khiến cho sản phẩm từ cói mất chỗ trên thị trường khiến người trồng cói tưởng chừng buông bỏ. Nhưng bằng tình yêu, sự day dứt về nghề đã khiến người dân nơi đây quyết không để cói chết, nghề mất. Hiện nay, bên cạnh chiếu cói Nga Sơn truyền thống thì đã có không ít các sản phẩm mỹ nghệ từ cói khiến du khách thích thú. Các sản phẩm mỹ nghệ từ cói (thảm ngồi, làn cói...) không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, có cảm giác, đi qua thăng trầm bể dâu thì nghề cói ở Nga Sơn không chỉ phát triển hơn mà còn từng bước chinh phục con đường nghề bền vững.

Kể sao cho hết những vẻ đẹp độc đáo cũng như những thăng trầm của những làng nghề truyền thống đã phải trải qua. Nhưng tất cả như thước phim quay chậm thể hiện vẻ đẹp tài hoa, trí óc và đôi bàn tay khéo léo của con người xứ Thanh... khó nơi nào sánh được.

Bài và ảnh: Hoài Thu

 

 

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT