Non nước Việt Nam

Độc đáo lễ mở cửa rừng

Cập nhật: 02/03/2020 09:16:03
Số lần đọc: 1039
Lễ mở cửa rừng là sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng truyền thống của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng và người Sán Dìu… thuộc xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang (Bắc Giang). Đây là tín ngưỡng gắn với tục thờ Mẹ rừng, bà Mẹ xứ sở hay vị Nữ Thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Đó là Thánh Mẫu thượng ngàn (Mẫu Nhạc phủ) đã có công ban phát sản vật và chở che cho nhân dân từ bao đời nay.

Đình Cẩy, xã Hương Sơn, nơi diễn ra nghi lễ mở cửa rừng

Tại thôn Chí Mìu có ngôi đền thờ Cô bé Thượng Ngàn còn gọi là đền Chí Mìu. Theo các bản văn chầu, Cô bé Thượng Ngàn nằm trong bộ nàng trên tòa Sơn Trang, hầu Mẫu Thượng Ngàn. Có thể thấy ở nhiều vùng rừng núi có đền thờ Cô bé Thượng Ngàn. Tương truyền đền Cô bé Chí Mìu rất anh linh, xưa điểm thờ này chỉ là một ngôi miếu nhỏ nhưng bên trong đã có một bát hương cổ gốm vàng nâu thời Nguyễn (thế kỷ XIX) và thờ duy nhất Cô bé Thượng Ngàn. 

Điều đó chứng tỏ điểm thờ tín ngưỡng này đã có từ lâu đời. Đến năm 2010, điểm thờ được tu bổ mở rộng thành ngôi đền khang trang tố hảo. Trong đền phối thờ thêm các nhân vật có công với dân, với nước theo tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Ngoài cung chính thờ Cô bé Thượng Ngàn còn có cung Công đồng, cung Sơn Trang, cung thờ đức Thánh Trần và cung cấm thờ Tam Tòa Thánh Mẫu.

Trong tâm thức của đồng bào các dân tộc xã Hương Sơn, lễ mở cửa rừng có từ lâu đời và thường diễn ra vào dịp đầu xuân. Ngày nay nghi lễ này vẫn được đồng bào các dân tộc thôn Cẩy duy trì. Đây cũng là ngày hội lệ truyền thống ở địa phương nên thu hút nhiều người tham gia. 

Lễ mở cửa rừng vừa là dịp để dân làng gặp gỡ, giao lưu vui vẻ, vừa để cầu mong cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, thể hiện ước nguyện, khát vọng về cuộc sống ấm no, sung túc về vật chất, tinh thần cũng như sự tuần hoàn của quy luật để vạn vật sinh sôi, nảy nở.

Theo lệ truyền thống, ban đầu, dân bản làm lễ cúng Thành Hoàng tại đình Cẩy, sau đó đồng bào cử đại diện già bản và người có uy tín trong đồng bào các dân tộc cùng nhân dân dâng mâm lễ cúng Thần rừng. Mâm lễ cúng của đồng bào có một con gà luộc, đĩa xôi và rất nhiều loại bánh như bánh Boong, bánh Nghé, bánh gù… Thực hành nghi lễ này, già bản làm động tác phát rừng tượng trưng để báo hiệu lễ mở cửa rừng bắt đầu của một năm mới.

Tại ngôi đền Chí Mìu, người dân cùng nhà đền làm lễ khai xuân, dâng mâm lễ, sản vật cúng và đặc biệt là nghi lễ dâng văn Cô bé Thượng Ngàn không thể thiếu trong ngày sự lệ này.

Ngoài các nghi lễ bắt buộc, lễ mở cửa rừng ở Hương Sơn còn có nhiều tiết mục văn nghệ quần chúng, diễn xướng các trò chơi dân gian như: Đấu vật, chọi gà, hát dân ca của đồng bào dân tộc tại thôn Cẩy, giao hữu bóng chuyền, đi cầu kiều, đánh cờ tướng… Ngoài ra còn có các gian hàng bày bán đặc sản, nông sản của địa phương như mật ong, khoai, sắn, măng rừng…

Các nghi lễ cúng Thần rừng, lễ dâng văn Cô bé Thượng Ngàn tại đền Chí Mìu là một hình thái sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng đặc biệt với tổng hòa các yếu tố văn hóa và nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo. Nó có vai trò quan trọng trong tích lũy, kế thừa và củng cố các giá trị về tính cố kết cộng đồng. 

Trong đó, nghi lễ cúng Thần rừng là quan trọng nhất và mang tính cộng đồng rõ nét. Nghi lễ này không chỉ để tạ ơn Bà mẹ rừng đã mang nguồn nước, sản vật cho dân bản mà còn có ý nghĩa giáo dục cho thế hệ trẻ về việc bảo vệ rừng. Đây cũng là tín hiệu khởi đầu cho một mùa làm ăn, lao động gặp nhiều may mắn, đem lại những kết quả tốt đẹp cho đồng bào các dân tộc ở xã Hương Sơn./

Nguồn: baobacgiang.com.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT