Non nước Việt Nam

Độc đáo Lễ Cấp sắc người Dao đỏ huyện Hoàng Su Phì

Cập nhật: 08/03/2021 14:00:49
Số lần đọc: 911
Người Dao ở huyện Hoàng Su Phì chiếm 19,86%, dân số tập trung ở các xã Nậm Ty, Thông Nguyên, Hồ Thầu… Người Dao không chỉ có đức tính cần cù, chịu khó mà họ còn giữ gìn được nguyên vẹn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Một trong những giá trị văn hóa độc đáo đó chính là Lễ Cấp sắc, một nghi lễ không thể thiếu trong đời sống của người Dao.


Nghi lễ Cấp sắc.

Trong văn hóa tâm linh của người Dao, Lễ Cấp sắc chứng minh một người đàn ông đã trưởng thành, trở thành một thành viên trong xã hội. Người đàn ông cao tuổi mà chưa trải qua Lễ Cấp sắc thì cũng coi như chưa trưởng thành. Ngược lại, dù còn ít tuổi nhưng đã trải qua Lễ Cấp sắc thì người đó được phép tham dự bàn bạc những công việc của làng, xóm, dòng họ. Lễ Cấp sắc thường được tổ chức vào tháng 11, 12 hoặc tháng Giêng hàng năm, vì đây là thời điểm nông nhàn. 

Để chuẩn bị cho Lễ Cấp sắc, các gia đình thường phải chuẩn bị các lễ vật như: Gà, lợn, trâu, bò… và mời họ hàng đến tham dự buổi lễ. Buổi lễ phải có 6 người thầy cúng: Khòi déo, Diền déo, Trềnh mềnh, Sầu píu, Khòi tàn, Sám phát đảm nhiệm các nhiệm vụ và các nghi lễ lớn, nhỏ khác nhau trong buổi lễ. Buổi lễ được chuẩn bị 5 đàn cúng bao gồm các lễ vật: Gà luộc, lợn, trâu, bò, hương, giấy bản... Trang phục, dụng cụ hành lễ của các thầy cúng gồm: 1 chiếc áo dài màu đỏ có hoa văn màu trắng, mũ chóp nhọn màu đỏ có dây tua màu đỏ, chiếc cháo bằng sừng trâu dài 8 cm rộng 3 cm để xin âm dương, chuông nhạc (Mà lình), chiêng (lò), tù và (trong) bằng sừng trâu. Đối với người Dao, người cúng thứ nhất Khòi déo là người điều hành buổi lễ và tổ chức các trò chơi, điệu múa dân gian, nghi lễ.

Để buổi Lễ Cấp sắc được diễn ra suôn sẻ, gia đình mổ trước 1 con lợn để làm đồ lễ và thầy cúng thứ 5 (Khòi tàn) mời tổ tiên về và thông báo mục đích buổi cúng tế. Đến 21h đêm của tối đầu tiên, thầy thứ nhất cúng mời tổ tiên của người Dao xuống hạ giới để dự lễ. Thầy cúng Khòi tàn vừa cúng, vừa múa điệu cúng nghi lễ (Lệ miên) vừa nhắc lại nội dung của buổi lễ. Sau đó, cả 4 thầy cúng Khòi déo, Diền déo, Chềnh mềnh, Sầu píu cúng lại bài cúng  đã cúng nhưng chi tiết hơn và phân công nhiệm vụ cho các ma để làm thủ tục cấp sắc cho con cháu. Và quan trọng nhất thầy cúng Khòi tàn thổi 7 hồi tù và mời vua trời xuống chứng kiến buổi lễ sau đó công bố tiểu sử 3 đời của những người cấp sắc và ghi vào gia phả, đồng thời viết thành 2 tờ phiếu trong khi những người được cấp sắc (cả vợ và chồng) quỳ xung quanh, trước mặt có tấm khăn thêu màu đỏ đặt lên đùi. Khi cúng xong, thầy Khòi tàn ném một tờ lên đùi người được cấp sắc, tờ còn lại đốt để báo với tổ tiên. Kết thúc buổi lễ, thầy cúng Khòi tàn cúng cơm mời tổ tiên và hoá vàng. Buổi lễ kết thúc, sau đó tổ chức ăn uống.

Một nét riêng biệt trong Lễ Cấp sắc của người Dao đỏ là bài cúng của thầy cúng đã tạo nên giá trị lịch sử rất lớn. Mỗi lần Lễ Cấp sắc được tổ chức là một dịp những người trẻ, du khách thập phương được nghe về nguồn gốc xuất xứ của dân tộc mình, và trong bài cúng sẽ có những điều răn dạy phải tôn trọng người thầy, biết ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ… Những điều này còn được ghi lại vào hai tờ giấy, một tờ được đốt tại Lễ Cấp sắc, một tờ được giao cho người được cấp sắc để lưu giữ suốt đời. Trong Lễ Cấp sắc còn có rất nhiều điệu múa và đến nay, đã có những điệu múa được cải biên, biểu diễn tại các hội nghị, cuộc thi tìm hiểu văn hóa truyền thống.

Lễ Cấp sắc của người Dao là cả một kho tàng văn hóa truyền thống mang tính giáo dục rất lớn và giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Đây chính là nét văn hóa điển hình trong đời sống tinh thần của người Dao, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. 

Bài, ảnh: NGUYỄN NGÂN

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT