Hành trang lữ khách

Địa đạo Gò Thì Thùng (Phú Yên) xưa và nay

Cập nhật: 11/08/2023 10:30:17
Số lần đọc: 893
Địa đạo Gò Thì Thùng (xã An Xuân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) là vị trí quân sự có tầm chiến lược, cơ sở vững chắc cho bộ đội và dân quân du kích địa phương đánh tan nhiều cuộc tấn công của quân đội Mỹ, làm nên những chiến công vang dội. Ngày nay, di tích lịch sử này là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn du khách, là niềm tự hào của người dân Phú Yên nói chung và Tuy An nói riêng.


Phòng trưng bày tái hiện lịch sử chống Mỹ cứu nước tại địa đạo Gò Thì Thùng. Ảnh: Phạm Thùy

Căn cứ địa cách mạng

Tháng 9/1961, xã An Xuân được giải phóng và từng bước củng cố, ổn định về mọi mặt, là căn cứ cách mạng vững chắc, liên hoàn với khu căn cứ kháng chiến của tỉnh nằm trên địa bàn ba xã Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân (huyện Sơn Hòa). Thế nhưng, địch vẫn luôn tìm cách tiến hành các cuộc càn quét ác liệt với sự hỗ trợ của những phương tiện chiến tranh hiện đại.

Trước tình hình đó, ngày 22/4/1964, Tỉnh ủy và Huyện ủy Tuy An tổ chức cuộc họp bất thường để bàn biện pháp giữ vững vùng căn cứ cách mạng và quyết định đào địa đạo ở gò Thì Thùng. Ngày 10/5/1964, công trình Địa đạo Gò Thì Thùng được khởi công. Để tránh địch phát hiện, ta tiến hành đào địa đạo vào ban đêm. Huyện đội Tuy An và Tỉnh đội trực tiếp chỉ huy cho dân quân các xã An Xuân, An Định, An Nghiệp đào địa đạo. Sau 15 tháng ròng rã với bao mồ hôi, công sức, đến tháng 8/1965, công trình hoàn thành. Địa đạo Gò Thì Thùng có độ cao khoảng 400m so với mực nước biển, có đường hầm dài 1.948m, sâu 4,5m, rộng 0,8m và có 486 giếng đào cùng với các hệ thống hầm chỉ huy, hầm chứa lương thực, vũ khí, nước uống dự trữ... có thể chống được đạn pháo và bom loại nhỏ.

Ngoài đường hầm chính và những đường nhánh dưới mặt đất, xung quanh địa đạo Gò Thì Thùng có nhiều lớp chiến hào chằng chịt thông với nhau và thông với địa đạo; dọc theo chiến hào được bố trí nhiều công sự chiến đấu. Giữa những lớp giao thông hào ở phía trước và phía sau địa đạo ta cắm những bãi chông thấp chống bộ binh hành quân và cọc cao chống máy bay hạ cánh đổ quân. Ngoài ra, địa đạo được che phủ bởi một rừng hoa sim mọc tự nhiên, bên trên là tán rừng rợp mát. Màu xanh cây rừng đã giữ bí mật cho căn cứ địa đạo, để quân và dân ta làm nên những chiến công oanh liệt.

Những chiến công từ địa đạo

Ngày 10/4/1966, Mỹ dùng một tiểu đoàn của Lữ đoàn 1, Sư đoàn 101 đổ bộ bằng máy bay trực thăng xuống An Xuân, An Lĩnh càn quét và khảo sát địa hình, chuẩn bị đóng quân đánh phá vùng căn cứ của ta. Sáng 14/4/1966, địch dùng nhiều tốp máy bay ném bom và dùng pháo bắn tấp nập vào trận địa. Từ các công sự, lực lượng của ta nhanh chóng cơ động ra chiến hào quyết chiến với địch. Trong trận này ta đã tiêu diệt 120 tên, bắn rơi 4 máy bay trực thăng.

Sáng 23/6/1966, được sự chi viện của pháo binh và không quân, địch dùng 40 máy bay trực thăng ồ ạt đổ quân xuống nhiều nơi ở các xã An Nghiệp, An Xuân, An Lĩnh. Tại khu vực gò Sống Trâu (vùng 1, An Xuân), ta kịp thời vận động tiến công đánh phủ đầu vào bãi trực thăng địch đang đổ quân, diệt 40 tên.

7 giờ ngày 24/6/1966, một tiểu đoàn lính Mỹ từ gò Sống Trâu chia làm nhiều cánh tiến lên gò Thì Thùng. Tiểu đoàn 11 Trung đoàn Ngô Quyền và Tiểu đoàn 7 Trung đoàn Trần Hưng Đạo bố trí trận địa tại gò Thì Thùng chặn đánh quyết liệt các cánh quân Mỹ, diệt hàng chục tên. Quân Mỹ dùng 3 trận địa pháo Phú Tân, Xuân Phước, Chí Thạnh bắn dồn dập và ném bom hạng nặng xuống địa đạo làm một số đoạn bị sập. Cứ mỗi đợt địch tập trung hỏa lực đánh vào, ta rút xuống địa đạo chờ địch tiến tới gần rồi bất ngờ xông lên đồng loạt nổ súng, địch chết nhiều phải rút chạy ra xa. Đến 14 giờ, địch đổ bộ thêm 34 lượt máy bay trực thăng xuống gò Dũng, cách gò Thì Thùng 500m về phía đông bắc, hình thành một mũi tấn công mới vào trận địa ta. Một đại đội của Tiểu đoàn 7 Trung đoàn Trần Hưng Đạo bố trí ở gò Dũng liền đánh phủ đầu khi máy bay trực thăng vừa hạ cánh đổ quân, diệt hàng chục tên. Đêm 24/6/1966, được lệnh dứt chiến, bộ đội chủ lực chủ động rút quân khỏi địa đạo về nơi quy định một cách an toàn.

Chiến công trong trận đánh ngày 24/6/1966 cũng là chiến công lớn nhất của quân và dân ta gắn với địa đạo Gò Thì Thùng. Trong trận này, công trình địa đạo đã phát huy cao nhất công năng sử dụng, vừa là nơi bảo vệ chỉ huy sở, bảo vệ lực lượng chiến đấu, bảo vệ thương binh trong suốt thời gian diễn ra chiến sự. Sau trận này, địa đạo Gò Thì Thùng được giao lại cho lực lượng du kích xã An Xuân tiếp tục quản lý, sử dụng cho đến khi tỉnh nhà hoàn toàn giải phóng.

Lễ hội đua ngựa Gò Thì Thùng thu hút đông đảo du khách. Ảnh: CTV

Địa điểm du lịch hấp dẫn

Tuy An là vùng đất có tiềm năng rất lớn về du lịch. Hệ thống cảnh quan tự nhiên đa dạng, đặc sắc với đầy đủ các dạng, kết cấu, thành phần địa hình khác nhau. Lịch sử vùng đất được bồi đắp qua nhiều thế kỷ, những khu vực cư dân lâu đời, những làng nghề, lễ hội tạo ra giá trị nhân văn và văn hóa đặc sắc.

Hiện Tuy An là địa phương có mật độ di tích lớn của tỉnh với hơn 50 di tích các loại. Trong đó có 9 di tích cấp quốc gia, chiếm gần một nửa số lượng di tích quốc gia toàn tỉnh. Địa đạo Gò Thì Thùng nằm ở vị trí cao, được bao bọc bởi nhiều cây xanh, khí hậu ở đây quanh năm mát mẻ. Năm 2009, địa đạo Gò Thì Thùng được Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia và là một trong ba địa đạo lớn của nước ta bên cạnh địa đạo Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) và địa đạo Vịnh Mốc (Quảng Trị).

Di tích này cách TP Tuy Hòa 46km và cách thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An) 16km đường bộ. Từ TP Tuy Hòa theo quốc lộ 1 đi về phía bắc 30km đến thị trấn Chí Thạnh rồi rẽ trái theo tuyến ĐT641 ngược lên phía tây bắc 4km, tiếp tục rẽ trái theo ĐT650 về phía tây 12km là đến địa đạo Gò Thì Thùng.

Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Tuy An Bùi Viết Huy, địa đạo Gò Thì Thùng hội tụ nhiều yếu tố tạo nên sự hấp dẫn cho du khách mà không phải địa phương nào cũng có. Ngoài việc tham quan khu di tích để hiểu thêm về lịch sử hào hùng của quân và dân ta trong chiến tranh với một hệ thống hầm địa đạo tầm cỡ quốc gia, du khách còn có dịp tham gia ngày hội đua ngựa truyền thống được tổ chức vào mùng 9 tháng Giêng âm lịch hàng năm; được tận hưởng cảm giác mát lành của khí hậu vùng cao và thưởng thức nhiều món dân dã như canh chua lá dít, các loại rau rừng… Đặc biệt, đường về địa đạo Gò Thì Thùng đã được trải nhựa thông thoáng và nối dài từ xã An Xuân đến Nhà thờ Bác Hồ tại xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), hợp thành tuyến du lịch tham quan về vùng sơn cước hấp dẫn.

Phạm Thùy
Nguồn: Báo Phú Yên - baophuyen.vn - Đăng ngày 04/8/2023

Cùng chuyên mục