Non nước Việt Nam

Địa đạo giữa hai dòng sông

Cập nhật: 08/06/2022 10:33:28
Số lần đọc: 723
Cách TP. Đà Nẵng chừng 35 km về phía tây nam là địa đạo Phú An - Phú Xuân thuộc xã Lộc Quý, nay là xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam được hình thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.


Đây là vùng đất nằm giữa hai con sông Thu Bồn, Vu Gia nên đậm màu phù sa, làng quê trù phú, cây cối tốt tươi. Trong kháng chiến, những cán bộ, du kích, an ninh, bộ đội và những người dân kiên quyết bám đất, chiến đấu giữ làng. Với địa bàn chiến lược này, Đặc khu ủy Quảng Đà đã chỉ đạo cho Huyện ủy Đại Lộc huy động tổng hợp lực lượng bí mật đào địa đạo để tránh trú, phục vụ chiến đấu lâu dài.

Miệng cửa chính xuống địa đạo.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Huyện ủy Phan Thanh Thủ, quân dân xã Lộc Quý đêm ngày không quản ngại đạn bom đào địa đạo. Để đảm bảo yếu tố bí mật, hầu hết việc đào hầm đều được triển khai vào ban đêm. Đất đào được đựng trong các chiếc sọt đưa lên khỏi mặt đất rồi chuyển ra đổ xuống sông, hố bom địch vừa ném nổ, đất còn tươi mới. Tại các cửa miệng địa đạo tuyệt đối không được giẫm đạp nát cỏ, không để lại dấu chân, lối mòn khi vận chuyển đất đi nơi khác. Từ các chiến sĩ du kích, an ninh đến các bác, các mẹ, các chị, các cháu thiếu niên cùng tham gia đào địa đạo. Từng tổ gồm 15 người được giao nhiệm vụ cụ thể như trực tiếp đào, đưa đất từ dưới lên trên, chuyển đi nơi khác đổ để xóa dấu vết, canh phòng địch phục kích, máy bay địch trinh sát… Với phương pháp này, từ tháng 3/1965 đến tháng 4/1967, quân dân xã Lộc Quý đã đào được 2.300 m địa đạo, trong đó có 21 đoạn hầm đường ngách, rộng, hẹp, sâu, cạn khác nhau, bao gồm các hầm cứu thương, chứa lương thực, trú quân, hội họp, chỉ huy. Địa đạo xuyên ngoằn ngoèo trong lòng đất, bờ tre, làng mạc các thôn Phú An, Phú Xuân, Phú Bình, Phú Long của xã Lộc Quý. Từ lúc đào cho đến khi hoàn thành địa đạo, tuy các căn cứ An Hòa, Đức Dục, Ái Nghĩa của địch nằm ở sát nách nhưng chúng không hề phát hiện, mặc cho mạng lưới mật báo viên, cộng tác viên của chúng rải khắp nơi dưới vỏ bọc nhiều dạng khác nhau. Điều này đã minh chứng việc giữ gìn bí mật khi đào địa đạo luôn được đặt ở mức cao nhất.

Địa đạo Phú An - Phú Xuân là nơi trú ẩn, làm việc của Huyện ủy Đại Lộc, Đặc khu ủy Quảng Đà, địa điểm tiếp nhận nguồn cán bộ, bộ đội miền Bắc chi viện cho chiến trường đất Quảng, nơi trú quân an toàn trước giờ nổ súng tấn công vào các chi khu và bộ máy đàn áp của địch ở các địa điểm lân cận. Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Bí thư Khu ủy khu 5 Võ Chí Công (sau này là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước), các ông Chu Huy Mân, Đoàn Khuê (về sau là Đại tướng Bộ Quốc phòng) cùng nhiều lãnh đạo, tướng lĩnh cấp cao khác nhiều lần đã ở trong lòng địa đạo Phú An - Phú Xuân bàn bạc, chỉ huy chiến trường Đặc khu Quảng Đà và cả Khu 5. Tuy địch mở nhiều đợt càn vào xóm làng Lộc Quý tìm kiếm nhưng chúng không thể phát hiện được các cửa miệng của địa đạo.

Nhà trưng bày địa đạo Phú An - Phú Xuân.

Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, địa đạo Phú An - Phú Xuân không còn sử dụng nữa và bắt đầu xuống cấp, hư hỏng trầm trọng. Ngày 30/12/2002, địa đạo được xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Năm 2011, UBND tỉnh Quảng Nam đã đầu tư 3,2 tỷ đồng tôn tạo địa đạo, đến năm 2013 hoàn thành. Việc bảo tồn này cũng chỉ dừng lại để mang tính gìn giữ biểu tượng của di tích vì địa đạo quanh co hơn 2.000 m nhưng có nhiều đoạn đã bị sập, bít kín lối, chỉ sửa chữa được 145 m bằng cách đổ bê tông cốt thép hình vòm nhằm chống sạt lở, gia vách địa đạo trát vữa giả đất cùng với 3 miệng hầm lộ thiên, trong đó có 1 miệng hầm có các bậc lên xuống và một số hạng mục khác.

Do đường sá đi lại dễ dàng nên du khách các nơi tìm về địa đạo Phú An - Phú Xuân không mấy khó khăn. Mỗi người đến đây đều cảm nhận được lòng yêu nước và khát vọng độc lập, tự do của nhân dân ta…

Thái Mỹ

 

Nguồn: Báo Đăk Lăk - baodaklak.vn - Ngày đăng 08/6/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT