Non nước Việt Nam

Đền Yên Thành (Hà Nội)

Cập nhật: 12/07/2022 10:03:37
Số lần đọc: 858
Vào thời Lê, Yên Thành là một trong 8 ngôi làng cổ của Thăng Long - Hà Nội, thuộc tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận. 8 ngôi làng này đều có tên được bắt đầu bằng chữ “Yên”, gồm Yên Thuận, Yên Ninh, Yên Thành, Yên Viên, Yên Canh, Yên Diên, Yên Định, Yên Quang. Đền Yên Thành là ngôi đền cổ thuộc làng Yên Thành xưa, nay có địa chỉ tại số 28 phố Phan Huy Ích (phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình).


Tại Hà Nội, ngoài đền Yên Thành còn có đình Giao Tự (xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm) là hai nơi thờ vua bà cuối cùng của vương triều Lý là Lý Chiêu Hoàng, hay Chiêu thánh Hoàng hậu (1218-1278) - vị hoàng đế thứ 9 và cũng là cuối cùng của triều đại nhà Lý (1009-1225). Bà lên ngôi Hoàng đế khi mới 8 tuổi (năm 1224) và trị vì đến năm 1225. Sau đó, theo sự sắp đặt của Thái sư Trần Thủ Độ, bà nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (1218-1277). Vương triều Lý chính thức kết thúc sau 216 năm tồn tại, đồng thời cũng là lúc bắt đầu của vương triều Trần, kéo 175 năm (1225-1400) với 13 đời hoàng đế.

Đền Yên Thành được hình thành từ khá sớm, đến nỗi không ai còn nhớ chính xác niên đại khởi dựng, nhưng ngôi đền vẫn giữ lối kiến trúc truyền thống kiểu chữ “đinh”, gồm nhà tiền tế và hậu cung. Nhà tiền tế quay mặt ra phố Phan Huy Ích, gồm 3 gian 2 chái, được xây kiểu tường hồi bít đốc. Mái lợp ngói ta, chia kiểu “thượng tam - hạ tứ”, đặt trên hệ thống 6 hàng chân cột gỗ đứng trên các chân tảng đá xanh hình tròn. Diềm mái được chạm hình hổ phù, hoa lá, chữ triện... Hệ thống mái được đỡ bằng các vì kèo kiểu “thượng giá chiêng, hạ kẻ bẩy hiên”. Nền nhà lát gạch Bát Tràng.

Nghệ thuật trang trí trên kiến trúc của đền Yên Thành được thể hiện rõ nét trên các bức chạm nổi hình rồng; kẻ, xà ngang, đấu kẻ đều được chạm hình lá đề, vân xoắn. Hậu cung gồm 3 gian chạy dọc về phía sau, nối với tiền tế tạo thành hình chữ “đinh”. Hậu cung được chia làm hai phần, gian ngoài đặt ban thờ 8 vị vua triều Lý, hai gian cung cấm thờ Lý Chiêu Hoàng - nơi đặt tượng vua bà ngồi trên long ngai, trong khám gỗ chạm rồng tinh xảo. Đây là pho tượng quý, có giá trị nghệ thuật đặc sắc.

Đến nay, trong đền Yên Thành còn lưu giữ nhiều di vật, hiện vật có giá trị như hương án, sập thờ, cửa võng, kiệu rước, thần tích, câu đối, bia đá, chuông đồng, khánh đá... đặc biệt là 5 đạo sắc phong thần của các triều đại phong tặng vua bà Lý Chiêu Hoàng cùng 21 pho tượng tròn mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX - XX.

Với những giá trị đặc sắc về văn hóa, lịch sử, năm 2005, đền Yên Thành đã được xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.

Quỳnh Ngọc

 

Nguồn: Báo Hà Nội mới - hanoimoi.vn - Ngày đăng 12/7/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT