Hành trang lữ khách

Đến xứ Thanh trải nghiệm hành trình “Ngược xuôi sông Mã”

Cập nhật: 11/09/2020 09:25:15
Số lần đọc: 1139
Sông Mã gắn liền với xứ Thanh ví như sự tồn tại của mỗi con người đều có bóng dáng của hai từ quê hương vậy. Có gần gũi và ăm ắp yêu thương, nhưng cũng đầy bão giông và muôn nỗi nhọc nhằn. Duy có điều, mối liên hệ máu thịt giữa mảnh đất và dòng sông, thì biết mấy đời nay vẫn vậy. Bởi dọc đôi bờ sông Mã không chỉ có sự sống sinh sôi từng ngày; mà còn lắng đọng vô vàn trầm tích văn hóa, đã định hình nên diện mạo đất và người xứ Thanh.


Biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách trải nghiệm tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã”.

Khởi nguồn từ mạch núi cao chót vót vùng Tây Bắc, sông Mã vắt mình qua nước Lào mải miết “rong chơi” trước khi đổ vào Mường Lát. Chảy qua một dải đồi núi trập trùng, sông Mã xuôi về đồng bằng rồi nhanh chóng hòa mình vào lòng biển. Hẳn là do phải bươn chải qua không ít nhọc nhằn nơi thượng nguồn mà sông Mã có độ dốc lòng sông lớn, lắm thác ghềnh, lại chảy len lỏi quấn lấy chân núi rồi trườn qua thung lũng với sức lực của con ngựa bất kham mùa nước lũ. Ấy thế nhưng khi xuôi về đồng bằng, sông Mã thoắt trở nên hiền hòa, để mạch nước dồi dào tưới tắm cho một vùng lưu vực rộng lớn gần 9.000 km2. Với 89 phụ lưu, sông Mã là con sông lớn nhất của Thanh Hóa và được ví như nguồn năng lượng sự sống của mảnh đất này.

Từ non cao rừng thẳm âm u và hùng vĩ, đến những xóm làng miên man và bình yên; thật ít có nơi nào dòng sông chảy qua lại không lưu lại ít nhiều vết dấu. Bởi vậy mà, sông Mã ví là món quà thiên nhiên ban tặng cho xứ Thanh; cũng đồng thời là chứng nhân cho muôn sự đổi thay cùng vận mệnh của mảnh đất này. Nằm cạnh dòng chảy nghìn năm ấy là biết mấy vỉa tầng văn hóa hằn trên mỗi tên đất, tên làng, nơi cây đa - giếng nước - sân đình và trong nếp sống, nếp sinh hoạt, phong tục tập quán, tín ngưỡng, câu hò, điệu hát, diễn xướng dân gian... Đặc biệt là những nền văn hóa cổ mà dấu ấn của nó còn phản ánh trong hàng trăm di chỉ khảo cổ, di tích giàu giá trị và nhiều danh thắng đẹp, mà nổi bật hơn cả là vùng thắng tích Hàm Rồng, với làng cổ Đông Sơn, cầu Hàm Rồng huyền thoại.

Trên hành trình khai phá vùng đất của những cư dân đầu tiên thời tiền, sơ sử, tổ tiên ta đã nương vào dòng sông cổ này để sinh tồn và phát triển. Để rồi, cái khả năng “sản sinh văn hóa” kỳ diệu của sông Mã, suy cho cùng cũng chính là tấm gương phản chiếu về sức lao động của lớp lớp người đã đổ xuống mà gây dựng nên. Dẫu rằng sông Mã không thơ mộng được như sông Hương xứ Huế, càng không náo nhiệt như sông Hàn Đà Nẵng. Thế nhưng với những người sinh ra từ mảnh đất này và hơn một lần được tắm mình trên dòng nước ấy, thì sông Mã luôn đẹp một vẻ vừa quê kiểng gần gũi, vừa sâu lắng trữ tình. Với vẻ đẹp và giá trị riêng có ấy mà từ nhiều năm nay, Thanh Hóa đã đầu tư và đưa vào khai thác tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã”. Đây cũng ví như một cách để thức dậy tiềm năng du lịch vốn bị quên lãng của sông Mã; đồng thời, mang đến cho du khách một trải nghiệm thú vị khi về với Thanh Hóa.

Dọc đôi bờ con sông, hiện đang đưa vào khai thác nhiều đoạn tuyến, bao gồm: đoạn tuyến từ Cửa Hới tới thắng cảnh động Tiên Sơn, Kim Sơn (huyện Vĩnh Lộc), có chiều dài khoảng 42 km; đoạn tuyến từ Đền Đồng Cổ (huyện Yên Định) đến Bến Ngự (huyện Vĩnh Lộc), có chiều dài khoảng 7 km; đoạn tuyến từ thị trấn Cẩm Thủy đến Khu du lịch suối cá Cẩm Lương, có chiều dài tuyến khoảng 16 km. Trên mỗi đoạn tuyến này, các điểm dừng chân được lựa chọn là các di tích, danh thắng nổi tiếng. Qua 5 năm, sản phẩm du lịch “Ngược xuôi sông Mã”, do Trung tâm phát triển du lịch Sông Mã, thuộc Công ty CP Quản lý đường thủy nội địa và Xây dựng giao thông Thanh Hóa, đầu tư và khai thác, đã dần có được chỗ đứng nhất định. Đồng thời, có nhiều doanh nghiệp, hãng lữ hành đã đến khảo sát, trải nghiệm để đưa vào chương trình bán cho khách. Đây cũng là cơ sở để hàng năm đơn vị được giao quản lý, khai thác tiếp tục đầu tư thêm các tàu du lịch và nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Hiện nay, với 3 tàu có khả năng phục vụ cao điểm gần 300 khách/tour. Có thể nói, tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã” đã góp phần mang đến cho du lịch Thanh Hóa một “làn gió mới”.

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục