Đakrông (Quảng Trị) - vùng đất đậm đà bản sắc văn hóa
Chủ tịch UBND huyện Đakrông Lê Đắc Quỳ cho biết, địa phương có ba dân tộc anh em cùng định cư lâu đời gồm Vân Kiều, Pa Kô và Kinh. Trải qua quá trình chung sống và đấu tranh với thiên nhiên, giặc ngoại xâm, xây dựng quê hương đất nước, người dân Đakrông luôn đoàn kết, trở thành một khối thống nhất, một bộ phận quan trọng không thể thiếu của cộng đồng cư dân Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng, cùng nhau xây dựng phát triển huyện Đakrông ngày càng đậm đà bản sắc văn hóa.
Mỗi dân tộc đều có quá trình lịch sử hình thành và phát triển khác nhau, qua đó, họ sáng tạo ra nền văn hóa và giá trị văn hóa của mình. Các giá trị văn hóa được lưu truyền trong xã hội qua các thời kì lịch sử và trở thành các giá trị văn hóa truyền thống. Việc người dân Đakrông cùng nhau giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đã góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao dân trí, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của huyện.
Thời gian qua việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô (chiếm gần 80% dân số của huyện) ở huyện miền núi Đakrông được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể chú trọng quan tâm, đạt được những kết quả quan trọng góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Theo đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn được thể hiện qua việc đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng Nhà văn hóa truyền thống dân tộc Vân Kiều, Pa Kô phục vụ cho việc giới thiệu, trưng bày hiện vật; xây dựng nhà dài truyền thống của đồng bào dân tộc Pa Kô tại xã A Ngo; khôi phục 16 ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Vân Kiều tại xã Đakrông. Toàn huyện có 32 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, 30% số xã có nhà văn hóa, 70% làng, bản được đầu tư thiết bị phục vụ sinh hoạt văn hóa, hơn 80% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng.
Nhiều lễ hội truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô được phục dựng, bảo tồn như: Lễ hội A Riêu Ping (bốc mã), A Da (mừng lúa mới), Prúc bor (cầu mùa)… Các loại nhạc cụ truyền thống như cồng, chiêng, trống, khèn; các làn điệu dân ca như Oát, Xa nớt, Cà lơi - Cha chấp, Xiêng… được coi trọng và bảo tồn. Hệ thống chữ viết Bru-Vân Kiều được đào tạo rộng rãi cho mọi đối tượng. Cùng với việc bảo tồn các giá trị văn hóa trong cộng đồng, chính quyền địa phương đã có nhiều chủ trương kêu gọi các tổ chức hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo giáo viên dạy tiếng Bru-Vân Kiều, nghệ nhân về nhạc cụ truyền thống, nghệ nhân cồng chiêng, nghề dệt thổ cẩm… để gìn giữ cũng như lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống cho các thế hệ sau.
Theo UBND huyện Đakrông, thực hiện các cuộc điều tra, khảo sát, toàn huyện hiện có hàng trăm chiếc cồng, chiêng được lưu giữ tại các hộ gia đình, với 11 lễ hội truyền thống, 20 loại nhạc cụ và trên 6 làn điệu dân ca đặc sắc được đưa vào hạng mục bảo tồn và phát triển. Hiện nay trên địa bàn huyện duy trì được bốn đội cồng chiêng nhiều lần tham gia Hội thi cồng chiêng quốc tế tại Tây Nguyên, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam và các hoạt động văn hóa lớn của tỉnh, huyện được đánh giá cao.
Song song với việc khôi phục các lễ hội truyền thống, huyện Đakrông đã tổ chức thành công các hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống như Lễ hội Văn hóa-Thể thao-Du lịch các dân tộc huyện lần I và II để khôi phục các loại hình nghệ thuật quần chúng, thể thao truyền thống các dân tộc và quảng bá về mảnh đất và con người huyện Đakrông. Qua các lần tổ chức, lễ hội đã thu hút đông đảo cán bộ và nhân dân trong toàn huyện tham gia, hưởng ứng tích cực, tuyên truyền, quảng bá rộng rãi, kịp thời những nét đặc sắc về văn hóa truyền thống của các đồng bào dân tộc, tiềm năng phát triển kinh tế du lịch trên địa bàn.
Lễ hội phản ánh sự đoàn kết, đồng lòng của các dân tộc anh em, để lại ấn tượng tốt và sâu sắc đối với đại biểu khách mời trong tỉnh. Đó cũng chính là sân chơi văn hóa tinh thần lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng bộ và chính quyền huyện đến đời sống tinh thần đối với cán bộ công chức, viên chức và nhân dân trong công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Các lần lễ hội là dịp để huyện Đakrông tôn vinh truyền thống lịch sử, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng nền văn hóa, con người tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Chủ tịch UBND huyện Đakrông Lê Đắc Quỳ đánh giá, trong những năm qua huyện Đakrông đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện. Việc làm này đóng vai trò quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cũng như vật chất cho nhân dân, đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Với đặc trưng văn hóa của mình, cộng đồng người dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô của huyện Đakrông đã góp phần làm đa dạng nền văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Vì vậy bảo tồn và giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô là một việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi không chỉ lưu giữ được những giá trị truyền thống, tránh nguy cơ thất truyền, mà quan trọng hơn là những giá trị ấy thấm đẫm vào các thế hệ tiếp nối để kế thừa và phát huy./.