Hoạt động của ngành

Đắk Lắk: Sẵn sàng để mở cửa du lịch

Cập nhật: 23/02/2022 05:30:30
Số lần đọc: 748
Theo dự kiến, tháng 3/2022 sẽ đánh dấu mốc tái hồi phục của ngành du lịch Việt Nam khi mọi cửa đi lại đều mở, sự chuẩn bị cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch sẽ được tổ chức tốt.  


Tại Đắk Lắk, dù đến nay chưa có kịch bản cụ thể về phương án hồi phục du lịch sau khi đã có chủ trương chung từ Trung ương, nhưng ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã chủ động một số động thái mang tính thí điểm để đón bắt cơ hội.

Đi từng bước, khoanh từng dịch vụ

Tinh thần chỉ đạo chính của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là thực hiện “đi từng bước, khoanh từng dịch vụ” để vừa bảo đảm các yêu cầu chống dịch hiệu quả, vừa nắm chắc các cơ hội có được khi xu hướng chung định hình mở cửa tái hồi phục được thiết lập.

Theo đó, bắt đầu từ tháng 3/2022, qua rà soát chọn lọc, ngành quản lý sẽ vận động và tạo điều kiện cho những đơn vị, cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ có liên quan quay lại hoạt động, mở cửa cung ứng, đón khách du lịch. Các cơ sở này buộc phải hội tụ đủ những yêu cầu, điều kiện về cách ly an toàn, phương án tổ chức phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, nhất là “tập trung nhưng không đông đúc”. Các phương án hoạt động, đón khách sẽ được đăng ký và kiểm soát.

Người dân TP. Buôn Ma Thuột giới thiệu về món ăn truyền thống của dân tộc Êđê. Ảnh: Ánh Ngọc

Có ba yêu cầu được đề cập theo hướng sẽ thí điểm đi từng bước này.

Thứ nhất, các đơn vị, cơ sở phải làm tốt công tác tổ chức đội ngũ và dịch vụ theo yêu cầu phòng, chống dịch hiệu quả. Đội ngũ nhân viên phải tiêm đủ vắc xin, có kinh nghiệm thực tế về hoạt động điều phối và có các cách thức tiếp đón, phục vụ du khách an toàn, hiệu quả. Cơ sở hoạt động, thiết bị đi cùng phải tuân thủ các tiêu chí kiểm soát dịch tễ, như phòng ốc, hàng quán…

Thứ hai, hướng tiếp đón du khách được chọn lọc. Du khách nước ngoài sẽ được kết nối qua kịch bản của ngành du lịch chung và tuân thủ các yêu cầu an toàn vệ sinh dịch tễ. Đắk Lắk sẽ ưu tiên đón khách từ các địa phương có đường bay về Sân bay Buôn Ma Thuột để tập trung an toàn cho du khách. Với các nguồn khách đi đường bộ, các đơn vị vận chuyển và tổ chức tour phải báo cáo đầy đủ những phương án và quy tắc quản lý du khách. Các điểm lưu trú phải tuân thủ tốt việc tiếp đón du khách với các tiêu chí an toàn phòng dịch.

Thứ ba, địa phương vận động định hình những sản phẩm du lịch mới gắn với yêu cầu chống dịch, đồng thời mở hướng tạo những giá trị khai thác hữu hiệu hơn cho du lịch đặc trưng vùng Tây Nguyên, nhất là du lịch sinh thái bản địa, du lịch văn hóa, du lịch công vụ MICE…

Đa dạng sản phẩm, một chất lượng

Theo ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các yêu cầu sản phẩm du lịch sau đại dịch là vấn đề được cơ quan quản lý chức năng hết sức lưu tâm. Qua đó, Sở xác định phải định hình nên những nhóm, sản phẩm du lịch, dịch vụ mới và đặc thù, phù hợp thực tế của địa phương và đáp ứng tốt nhu cầu du khách. Đó là “đa dạng sản phẩm nhưng chỉ một tiêu chí chất lượng: hài lòng du khách”.

Trải nghiệm hoạt động văn hóa truyền thống là loại hình du lịch được du khách ưa chuộng. Ảnh: Hoàng Gia

Cụ thể, giai đoạn đầu tiên mở lại, du lịch Đắk Lắk sẽ ưu tiên chọn các tour, tuyến “khép kín” với du khách, dịch vụ và đội ngũ phục vụ đều được đăng ký an toàn. Các điểm lưu trú, điểm đến tham quan, ăn uống… đều có lộ trình được giám sát nghiêm túc. Du khách cũng được “khoanh lại” với các nhóm an toàn hơn. Một chi tiết đáng quan tâm ở đây là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vận động các đơn vị, cơ sở “sáng tạo” những tour mới, gắn với thực tế điểm đến cơ sở, nhấn mạnh văn hóa bản địa, điểm đến kỳ thú hấp dẫn tại địa phương, coi trọng chất lượng phục vụ, thông tin cho du khách thay vì chỉ là những “điểm check-in” nghèo nàn và bề nổi.

Tiêu chí làm hài lòng du khách còn được du lịch Đắk Lắk định vị với góc nhìn khai thác chất lượng cao hơn. Đó là thái độ phục vụ của nhân lực, làm sao đáp ứng tốt các yêu cầu mới, cụ thể hơn từ du khách, nhất là khi du khách sẽ chỉ còn đi theo nhóm nhỏ. Muốn thế, thu nhập, áp dụng doanh số… của các đơn vị du lịch với đội ngũ nhân lực rất quan trọng. “Sẽ không thể có hướng dẫn viên nào vui cười khi tour lỗ, thu nhập của họ bị cắt giảm…”, ông Thái Hồng Hà chia sẻ. Từ cách nhìn này, đề nghị của Sở với các đơn vị du lịch về giải pháp nâng cao chất lượng chuyên môn, thái độ phục vụ đi kèm thu nhập tốt hơn cho người lao động là cách thức cần thiết và quan trọng nhất.

Hồ Lắk - một điểm đến du lịch hấp dẫn. Ảnh: Hoàng Gia

Để du lịch thực sự phát triển, Đắk Lắk rất cần có sự kết nối, dung hòa cùng du lịch các địa phương khác, với tinh thần là “hãy là điểm đến của nhau”. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, yêu cầu này thật ra đã được đặt ra trong những năm qua, nhất là thông qua các hoạt động ký kết, ghi nhớ giữa tỉnh với các địa phương bạn, các điểm du lịch lớn cả nước như Khánh Hòa, Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… Sau thời điểm dịch bệnh, đã đến lúc các ghi nhớ này được nhắc lại, và qua đó, tạo vòng kết nối của du lịch Đắk Lắk hòa chung được tinh thần mở lại cửa toàn diện từ tháng 3/2022.

Nguyên Đức

Nguồn: Báo Đắk Lắk

Cùng chuyên mục