Hoạt động của ngành

Đa dạng sản phẩm thu hút du khách

Cập nhật: 11/03/2022 09:02:47
Số lần đọc: 804
Du lịch Việt Nam đã có tín hiệu vui, khi ngay từ đầu năm 2022 lượng khách du lịch đã tăng trở lại. Tuy nhiên, do xu hướng và thói quen của du khách có nhiều thay đổi, nên các đơn vị lữ hành vẫn gặp không ít khó khăn trong việc thu hút khách. Đây là thời điểm các đơn vị phải thay đổi cách làm, xây dựng sản phẩm đa dạng để hấp dẫn du khách, sẵn sàng cho kế hoạch mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15-3 tới đây.


Công ty Lữ hành Hanoitourist phối hợp với xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) xây dựng sản phẩm du lịch mới.

Vừa mừng, vừa lo

Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), lượng khách du lịch tăng đáng kể từ đầu năm 2022. Tính riêng đợt Tết Nguyên đán Nhâm Dần, cả nước đón 6,1 triệu lượt khách và riêng khách quốc tế, trong 2 tháng đầu năm đã có gần 50 nghìn lượt. Đây là con số đáng mừng, cho thấy du lịch đang dần khởi sắc khi số lượng người tiêm vắc xin phòng Covid-19 đủ liều đã phổ biến, dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát.

Thị trường du lịch đang “ấm” lên, song nhiều doanh nghiệp lữ hành vẫn bày tỏ sự lo lắng vì lượng khách còn hạn chế. Lý giải về nghịch lý này, Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái cho rằng, dịch Covid-19 đã khiến cho xu hướng, thói quen của du khách thay đổi. Vì thế, dù lượng khách từ đầu năm tăng, nhưng chủ yếu là du lịch tự túc. Theo Giám đốc Công ty Du lịch VietSense Nguyễn Văn Tài, các đơn vị lữ hành có nguy cơ “thua trên sân nhà”, khi mà nhiều sản phẩm du lịch truyền thống, từng là thế mạnh của doanh nghiệp đã không còn hấp dẫn, vì du khách có thể tự đặt các dịch vụ: Lưu trú, điểm tham quan, ăn uống…

Không chỉ lo lắng bị mất đi vai trò trung gian giữa các cơ sở dịch vụ với du khách, các đơn vị lữ hành còn bày tỏ lo ngại về việc hệ sinh thái du lịch đang bị ảnh hưởng. Giám đốc Công ty Lữ hành Tiên Phong Travel Phùng Xuân Khánh cho hay, việc khách ồ ạt đi du lịch kiểu tự phát, dễ xảy ra tình trạng tắc nghẽn cục bộ vào thời điểm nhất định. Chẳng hạn, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều tuyến đường ùn ứ xe ô tô gia đình, nhiều điểm du lịch bị “vỡ trận” do lượng người dồn đến đông, khiến các cơ sở dịch vụ không kịp đáp ứng.

Về vấn đề này, theo Giám đốc Công ty Du lịch VietFoot Travel Phạm Duy Nghĩa, khách du lịch tự túc cần tỉnh táo trước những thông tin quảng cáo trên mạng xã hội. Nếu không cẩn thận, khách dễ gặp rủi ro như mua phải những sản phẩm du lịch kém chất lượng, hoặc nếu xảy ra sự cố khó có thể được bồi hoàn; thậm chí khách có thể mua phải sản phẩm có giá đắt hơn các đơn vị lữ hành cung cấp.

Công ty Du lịch Flamingo Redtours tổ chức đoàn khách du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện (MICE), ngày 5-3.

Đổi mới cách xây dựng sản phẩm

Các doanh nghiệp lữ hành cần đổi mới trong việc xây dựng sản phẩm, với mục đích thu hút khách quay trở lại sau thời gian dài bị “đóng băng” bởi dịch Covid-19.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Trịnh Thị Mỹ Nghệ, để hấp dẫn du khách, các đơn vị nên quan tâm xây dựng sản phẩm mang tính “độc, lạ”, riêng biệt, như: Các gói sản phẩm có giá ưu đãi, khuyến mại cho khách đặt tour, hay dịch vụ hỗ trợ khách hàng được nâng cấp hơn... Còn theo Phó Giám đốc Công ty Vietravel Hà Nội Phạm Văn Bảy, các đơn vị kinh doanh dịch vụ như hàng không, lưu trú, lữ hành, điểm đến cần phải liên kết chặt chẽ hơn và có thỏa thuận trong việc hợp tác, hỗ trợ về giá, xử lý khủng hoảng cho khách nếu có rủi ro xảy ra. Trong khi đó, Giám đốc Công ty Du lịch Hanoi Tourism Nhữ Thị Ngần cho rằng, bên cạnh việc quảng bá, xây dựng sản phẩm, các đơn vị lữ hành cần thay đổi tư duy trong chiến lược kinh doanh, tiếp cận khách hàng. Ngoài việc thu hút dòng khách truyền thống như trước đây, các đơn vị cần đẩy mạnh khai thác nhóm khách ở lĩnh vực du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện), du lịch học đường, nhóm người cao tuổi.

Hiện tại, Chính phủ đã đồng ý đề xuất mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ

ngày 15-3, trong đó có du lịch nội địa, du lịch quốc tế. Đây là khoảng thời gian để các đơn vị kinh doanh du lịch chuẩn bị nguồn lực, sản phẩm, chiến lược tiếp thị, quảng bá để sẵn sàng đón lượng khách lớn, dự kiến khởi sắc vào dịp cao điểm là mùa hè năm nay và thời điểm Việt Nam đăng cai các sự kiện quốc tế, trong đó có Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 31.

Tại hội nghị chuẩn bị điều kiện mở cửa phục hồi, phát triển du lịch Thủ đô năm 2022, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, lữ hành có vai trò rất quan trọng trong phát triển và định hình sản phẩm du lịch cho du khách. Vì thế, chuẩn bị cho việc phục hồi du lịch, thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục tổ chức các đoàn khảo sát với sự tham gia của các đơn vị lữ hành để góp phần giúp các đơn vị xây dựng và định hình sản phẩm du lịch mới, khai thác được nhiều phân khúc khách hàng hơn. Ngoài ra, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến, liên kết với các địa phương, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết, đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá tới du khách.

Hoàng Lân

 

 

Nguồn: Báo Hà Nội mới

Cùng chuyên mục