Hành trang lữ khách

Chùa Trầm (Hà Nội) - Điểm đến thú vị

Cập nhật: 26/11/2019 13:56:35
Số lần đọc: 829
Danh thắng núi và chùa Trầm thuộc xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng hơn 20km. Chùa Trầm cổ kính, thâm nghiêm, mang vẻ đẹp bình yên của miền quê Bắc bộ đang trở thành một điểm đến hấp dẫn vào dịp cuối tuần đối với nhiều du khách.

Có thể nói, nơi đây là một danh lam thắng cảnh với núi Trầm và ba ngôi chùa: Chùa Trầm, chùa Hang, chùa Vô Vi. Ba ngôi chùa đã đạt đến sự hài hòa cao độ giữa núi và chùa, tạo cảm giác tự nhiên khiến du khách nghĩ rằng, ở núi ấy phải là chùa ấy. Đến đây, du khách cũng sẽ bắt gặp một phong cảnh nước non hữu tình đẹp như bức tranh thủy mặc, với bóng núi ôm sông, các con đường nhỏ uốn lượn duyên dáng và hàng cây cổ thụ xanh mát.

Chùa Trầm - ngôi chùa chính được xây dựa vào vách núi Tử Trầm Sơn (hay còn được gọi là núi Trầm). Chùa tương đối nhỏ, nhưng sân rộng, lại có nhiều cây cổ thụ nên nhuốm màu trang nghiêm, thanh tịnh. Xưa kia, toàn bộ khu núi Trầm là nơi vua Lê, chúa Trịnh đặt hành cung, với lợi thế khung cảnh yên tĩnh, thanh tịnh của sông Đáy, núi Trầm.

Chùa Trầm được coi là một trong 4 ngôi chùa thiêng thuộc hàng “tứ đại danh thắng của xứ Đoài”, bên cạnh các chùa, như: Chùa Trăm Gian, chùa Thầy và chùa Tây Phương. Ngôi chùa mang đậm dấu ấn kiến trúc văn hóa tâm linh đặc trưng của cư dân đồng bằng Bắc bộ. Chùa Trầm tuy nhỏ, nhưng lại mang vẻ đẹp cổ kính, thâm nghiêm với thế “tọa sơn quan thủy”, lưng dựa núi, trước mặt nhìn ra hồ, xung quanh được bao bọc bởi những tán cây xanh mát…

Chùa Hang được xây dựng trong động Long Tiên dưới chân Tử Trầm Sơn, cách chùa chính về bên trái. Bề ngang cửa hang chỉ hơn 7 mét, chiều cao trên 3 mét nhưng bên trong là một hệ thống hang động liên hoàn cao rộng hiếm thấy. Nhờ ánh sáng tự nhiên chiếu qua một số khe nhỏ bên sườn núi và trên đỉnh núi, du khách có thể chiêm ngưỡng vô vàn nhũ đá với nhiều hình thù, màu sắc kỳ lạ, từ mái tóc tiên, khánh đá, chuông đá, đến hình rồng, hình chim, hoa sen đá... rất sinh động. Nơi đây còn lưu giữ khoảng 20 tác phẩm văn thơ cổ khắc trên vách đá ca ngợi cảnh đẹp của núi Tử Trầm… Trong động còn có hai lối đi: Lối đi lên đỉnh núi, dân gian gọi là “đường lên trời”; lối đi xuống hang, dân gian gọi là “đường xuống âm phủ”.

Hang Trầm còn được biết đến với một sự kiện lịch sử trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp: Ngày 19/12/1946, cuộc Kháng chiến Toàn quốc bùng nổ, thì một ngày sau, ngày 20/12/1946, tại đây, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chùa Trầm đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm 4 lần.

Nổi tiếng nhất trong ba ngôi cổ tự ở Tử Trầm Sơn chính là chùa Vô Vi (còn gọi là Trầm Vô Vi). Chùa cách chùa Trầm - chùa chính khoảng 1km. Chùa được xây dựng năm Ất Hợi (1515), trên một núi đá nhỏ, kiến trúc chùa được xây dựng theo thế núi, nên càng lên cao càng ăn sâu vào vách núi, càng cheo leo, hiểm trở. Trải qua thời gian, kiến trúc của chùa vẫn được giữ gần như nguyên vẹn cho tới ngày nay. Chùa Vô Vi còn có quả chuông đồng đúc năm 1814 thời nhà Nguyễn.

Trèo thêm khoảng 100 bậc thang đá quanh co là lầu Nghênh Phong trên đỉnh núi, nơi du khách có thể trải tầm mắt ngắm toàn bộ khung cảnh của vùng danh thắng núi Trầm và đồng quê trù phú một vùng ven sông Đáy.

Hằng năm, hội chùa Trầm được tổ chức vào ngày 2/2 âm lịch, thu hút hàng nghìn khách thập phương đến chiêm bái và lễ Phật. Những năm gần đây, vào dịp cuối tuần, hàng trăm người đến vãn cảnh, thăm chùa.

Núi Trầm, chùa Trầm là một điểm quan trọng trong du lịch Hà Nội, một địa chỉ văn hóa - lịch sử thu hút ngày càng nhiều du khách, trong đó có không ít du khách nước ngoài. Đến đây, du khách còn có dịp tham quan làng nghề điêu khắc, chế tác đá mỹ nghệ Long Châu Miếu đã có từ lâu đời và nổi tiếng ở miền Bắc, nằm dưới chân Tử Trầm Sơn./.

 

Nguồn: nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn

Cùng chuyên mục