Tin tức - Sự kiện

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự phiên toàn thể Hội thảo “Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển”

Cập nhật: 26/12/2021 10:13:15
Số lần đọc: 894
(TITC) - Trong khuôn khổ Hội thảo Du lịch năm 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển”, chiều ngày 25/12, phiên toàn thể Hội thảo đã diễn ra với sự hiện diện của đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội.  

Đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội tham dự phiên toàn thể Hội thảo Du lịch năm 2021

Hội thảo có sự tham dự của đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội; các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam (tham dự tại điểm cầu Trụ sở Văn phòng Chính phủ); Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý; lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, địa phương; các doanh nghiệp, hiệp hội du lịch, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia cùng đông đảo các phóng viên truyền hình báo chí Trung ương và địa phương.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao sáng kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cùng với Bộ VHTTDL, tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức Hội thảo rất có ý nghĩa, đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2. Đây là sự tiếp nối hoạt động của các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan, nhằm làm sâu sắc thêm các vấn đề đã được thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 “Phục hồi và Phát triển bền vững”.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại hội thảo

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định phát triển ngành Du lịch là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Từ khi có Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngành Du lịch liên tục có bước phát triển đột phá: năm 2019, doanh thu từ ngành du lịch đạt 32,8 tỷ USD, đóng góp 9,2% GDP, tạo ra 2,5 triệu việc làm. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch, các chỉ số tăng trưởng đều sụt giảm nghiêm trọng.

“Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia đã sớm có chính sách, biện pháp để mở cửa, phục hồi du lịch, Việt Nam chúng ta cũng cần nhanh chóng đón bắt xu thế này, tránh lỡ nhịp với thế giới cũng như sức bật của lực cầu trong nước” - ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Hội thảo lần này có tính thời sự cao, nhận được sự quan tâm của các nhà quản lý, chuyên gia, hiệp hội trong bối cảnh cả nước đang từng bước kiểm soát được dịch bệnh, duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thực hiện mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Để Hội thảo đạt kết quả cao nhất, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị hội thảo:

(1) Cần đánh giá toàn diện, sâu sắc tác động đối với các ngành kinh tế, nhất là ngành du lịch; đánh giá thực trạng và xu thế phát triển du lịch; nghiên cứu sâu các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị và trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, từ đó làm cơ sở đề xuất, kiến nghị các giải pháp phục hồi, phát triển du lịch trong thời gian tới.

(2) Tiếp tục làm rõ hơn mối quan hệ của Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội chung của cả nước với các chương trình, kế hoạch, định hướng phục hồi, phát triển du lịch; kiến nghị những giải pháp, chính sách, nhất là các chính sách về bảo đảm phòng chống dịch để mở cửa an toàn; chính sách tài khóa, tiền tệ để phục hồi, phát triển du lịch; các chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới.

(3) Cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam; khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm, thương hiệu du lịch độc đáo, đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử Việt Nam, đạt đẳng cấp thế giới. Đặc biệt, chú ý gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên với phát triển du lịch bền vững.

(4) Các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch cần xem xét hài hòa, tổng thể trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và cả nước. Hội thảo cần thảo luận sâu, tìm ra các giải pháp thúc đẩy tính lan tỏa, liên kết vùng, phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế để phát triển du lịch gắn với phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường.

(5) Hội thảo cần tiếp thu rộng rãi ý kiến của nhân dân, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để bao phủ hết các đối tượng tác động. Các cơ quan quản lý nhà nước theo thẩm quyền tiếp thu ý kiến đại biểu tại Hội thảo, có các giải pháp cụ thể, thực thi, nhất quán từ Trung ương đến địa phương để tháo gỡ khó khăn, sớm phục hồi ngành kinh tế mũi nhọn.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội thảo

Theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, trước bối cảnh tác động nặng nề do đại dịch Covid-19, Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế.

Bên cạnh những chính sách chung như chính sách thuế, phí, chính sách tín dụng, chính sách an sinh xã hội, doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch còn được hưởng những chính sách đặc thù như giảm giá điện, giảm phí thẩm định cấp phép lữ hành, giảm tiền ký quỹ, hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch…

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định các chính sách được ban hành đúng thời điểm đã tác động tích cực, trực tiếp tới tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, phần nào giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và lao động du lịch.

Để thực hiện hiệu quả chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2026, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất Chính phủ và Quốc hội tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023, trong đó coi du lịch là lĩnh vực trọng tâm ưu tiên với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng, nắm bắt tốt các cơ hội nhằm sớm phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng cho ngành Du lịch.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong bối cảnh mới, thích ứng an toàn linh hoạt với dịch bệnh; trong đó tập trung đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách đảm bảo khuyến khích và tạo thuận lợi cho du lịch phát triển (chính sách tạo thuận lợi đi lại, thúc đẩy xúc tiến, quảng bá, khuyến khích đầu tư, ưu tiên phát triển hạ tầng…).

Các đại biểu tham dự hội thảo

Ban hành cơ chế ban bố tình trạng ứng phó với khủng khoảng dịch bệnh, thiên tai và các tình huống khẩn cấp khác với các chính sách cụ thể về hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại, khôi phục kinh doanh và an sinh xã hội để chủ động thích ứng đối với doanh nghiệp và người dân nói chung và ngành du lịch nói riêng.

Phiên họp toàn thể của Hội thảo Du lịch năm 2021 sẽ tiếp tục diễn ra với nhiều ý kiến tham luận của các đại biểu là lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành, lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia kinh tế, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội du lịch trong và ngoài nước...

Trung tâm Thông tin du lịch

 

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT