Non nước Việt Nam

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ở vùng đất “địa linh nhân kiệt” Vĩnh Long

Cập nhật: 10/09/2024 14:13:07
Số lần đọc: 480
Vĩnh Long được mệnh danh là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống văn hóa, lịch sử. Trải qua gần 300 năm hình thành và phát triển, tỉnh đã có một hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng gắn với các lễ hội, phản ánh đời sống tinh thần phong phú của người dân. Đây là nguồn tài nguyên giàu giá trị mà tỉnh xác định phải bảo tồn, phát huy và gắn kết chặt chẽ với hoạt động du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng văn hóa, con người Vĩnh Long.


Văn Thánh Miếu (phường 4, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) là một công trình kiến trúc tiêu biểu có giá trị về tinh thần hiếu học của các bậc tiền nhân. Ảnh: Lê Thúy Hằng

Giữ gìn gắn với phát huy giá trị di tích

Văn Thánh Miếu (phường 4, thành phố Vĩnh Long) là một công trình kiến trúc tiêu biểu lưu giữ nhiều câu chuyện quý giá về tinh thần hiếu học của các bậc tiền nhân. Công trình được hoàn thành vào năm 1866 và được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1991. Tại đây, hàng năm tổ chức 4 kỳ lễ hội chính gồm: Lễ Xuân Ðinh (vía ngày mất Ðức Khổng Tử, tổ chức vào ngày Ðinh đầu tháng 2 âm lịch); Lễ Thu Ðinh (vía ngày sinh Ðức Khổng Tử, tổ chức vào ngày Ðinh cuối tháng 8 âm lịch); Lễ giỗ cụ Phan Thanh Giản (tổ chức vào tháng 7 âm lịch) và Lễ giỗ các Quan Ðại Thần (tổ chức vào tháng 10 âm lịch).

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Xuân Hoanh cho biết: Lễ hội Văn Thánh Miếu Vĩnh Long trước kia là một thiết chế mang tính bác học do triều đình thiết lập và tế lễ theo điển lễ của triều đình. Do những thay đổi của lịch sử, lễ hội dần dần được dân gian hóa, được cộng đồng trao truyền, gìn giữ và thực hành cho đến nay. Lễ hội này có ý nghĩa lớn trong đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư, một điểm tựa góp phần giáo dục truyền thống hiếu học của người dân. Với tầm quan trọng đó, năm 2024, Lễ hội truyền thống Văn Thánh Miếu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là sự ghi nhận nỗ lực trong bảo tồn và phát huy giá trị công trình, nghi lễ Văn Thánh Miếu của chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long trong suốt tiến trình lịch sử.

Đoàn viên, thanh niên tham quan tìm hiểu về di tích Văn Thánh Miếu (phường 4, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long). Ảnh: Lê Thúy Hằng

Ở Vĩnh Long còn có nhiều di tích gắn với công lao của nhiều danh nhân. Điển hình là Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (xã Long Phước, huyện Long Hồ) được khánh thành vào năm 2004 và xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào năm 2012. Nơi đây là địa điểm lưu niệm, tri ân và tôn vinh cống hiến to lớn của đồng chí Phạm Hùng, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, truyền thống yêu nước cho các thế hệ. Nơi đây trưng bày nhiều tư liệu, hiện vật giới thiệu về thân thế và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phạm Hùng với chặng đường hơn 60 năm cống hiến vì hoạt động của cách mạng, vì sự nghiệp hòa bình, độc lập của dân tộc. Hàng năm, Đảng bộ và nhân dân trang trọng tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh, ngày mất và nhiều hoạt động văn hóa khác, tri ân của người dân. Qua hơn 20 năm, Khu lưu niệm đã đón trên 9.300 đoàn khách, trên 940.000 lượt khách...

Chủ tịch UBND huyện Long Hồ Phan Thị Mỹ Hạnh cho biết, người dân địa phương luôn ra sức giữ gìn và phát huy giá trị của Khu lưu niệm, tổ chức nhiều hoạt động tri ân, đồng thời tăng cường các hoạt động sinh hoạt mang tính cộng đồng nhằm tăng cường tình đoàn kết, chung tay giữ gìn và phát huy giá trị của Khu lưu niệm.

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long khảo sát công tác quản lý và bảo tồn các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Lê Thúy Hằng

Cộng đồng trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di tích

Toàn tỉnh có 13 di tích cấp quốc gia, 56 di tích cấp tỉnh và hơn 600 di tích phổ thông. Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các địa phương khảo sát thực trạng các di tích bị xuống cấp, hư hỏng để có kế hoạch tu bổ, tôn tạo.

Giai đoạn 2014-2025, từ các nguồn kinh phí, tỉnh đã thực hiện được gần 150 công trình trùng tu, tôn tạo phục hồi di tích; bảo tồn và phát huy giá trị qua việc tổ chức lễ hội gắn với du lịch…Các di tích không chỉ là nơi lưu giữ hiện vật, câu chuyện lịch sử của các bậc tiền nhân mà còn là địa chỉ đỏ giáo dục giá trị lịch sử, văn hóa cho các thế hệ người dân. Các địa phương, đoàn thể đã chung tay bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử. Điển hình như ngành Giáo dục và Đoàn thanh niên các cấp đã phối hợp với ngành Văn hóa, địa phương nơi có di tích thường xuyên chăm sóc di tích kết hợp với nói chuyện, sinh hoạt tìm hiểu giá trị.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Vĩnh Long Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, tuổi trẻ Vĩnh Long xác định trách nhiệm trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của địa phương, trong đó có các di tích lịch sử. Đoàn các cấp thường xuyên lồng ghép tổ chức hoạt động về nguồn, nói chuyện chuyên đề…ở các di tích lịch sử, tăng cường các nội dung tuyên truyền về giá trị văn hóa lịch sử địa phương, hàng năm 100% đoàn cơ sở và đoàn trường học tổ chức ít nhất một hoạt động về nguồn.

Các hoạt động này đã giúp đoàn viên, thanh niên tìm hiểu, ý thức hơn về giá trị của các di tích lịch sử. Thời gian tới, Tỉnh đoàn Vĩnh Long tiếp tục chỉ đạo các cấp bộ đoàn đẩy mạnh lồng ghép nhiều hoạt động với việc giữ gìn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử, tăng cường tuyên truyền để mỗi đoàn viên thanh niên ý thức trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di tích, cùng nhau giữ gìn truyền thống văn hóa lịch sử của dân tộc.

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long khảo sát công tác quản lý và bảo tồn các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Lê Thúy Hằng

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Phan Văn Giàu cho biết, trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về các giá trị của di tích, đặc biệt phát huy vai trò của nhân dân trong việc giữ gìn, bảo vệ. Ngành sẽ phối hợp khảo sát các di tích đang xuống cấp, lập dự toán, trình UBND tỉnh xin chủ trương đưa vào kế hoạch vốn đầu tư công để trùng tu, tôn tạo kịp thời các di tích, nhất là di tích đang xuống cấp.

Ngành văn hóa tiếp tục triển khai quyết liệt việc xây dựng quy chế phân cấp quản lý di tích, quản lý tiền công đức tại các di tích; tăng cường kiểm tra để hạn chế tình trạng gây ảnh hưởng làm xấu hình ảnh di tích. Sở sẽ tăng cường phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức về nguồn, dâng hương, giao lưu văn hóa, văn nghệ, trải nghiệm... tại các khu di tích lịch sử, góp phần hình thành tinh thần cộng đồng trách nhiệm, nâng cao hiệu quả việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích...

Lê Thúy Hằng

Nguồn: Báo ảnh Dân tộc và Miền núi - dantocmiennui.vn - Đăng ngày 08/9/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT