Non nước Việt Nam

Bảo tàng, di tích - chọn thời cơ thay đổi

Cập nhật: 30/08/2021 13:53:34
Số lần đọc: 1020
Trước đây, khái niệm số hóa vẫn được các bảo tàng, di tích đề cập như một mẫu thức tất yếu của thời tương lai thì nay, đó đang là giải pháp thiết yếu. Với sự biến ảo của công nghệ, nhiều bảo tàng, di tích đã không “đóng băng” vì Covid-19.



Một phần trong tour tham quan 3D của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Biến nguy thành cơ

Tình cảnh đìu hiu tại các bảo tàng, di tích trước những cơn sóng dồn dập của dịch Covid-19 đang từng bước được tháo gỡ với xu thế tăng cường công nghệ, số hóa nhằm chuyển hướng tiếp cận công chúng trên môi trường ảo. Sau những thử nghiệm, một số nơi đã ứng dụng nền tảng công nghệ hiện đại để quảng bá hình ảnh, đưa hệ thống hiện vật, tư liệu quý đến với công chúng. Nhiều sáng kiến ra đời, quảng bá hình ảnh điểm đến cùng những báu vật, hiện vật vô giá đang tồn tại. Từ cuối tháng 7, Di tích Hỏa Lò ra mắt kênh phát thanh độc quyền trên ứng dụng Spotify. Kênh phát thanh gồm nhiều chuỗi tập tin âm thanh hoặc video số được ban quản lý di tích trực tiếp thực hiện từ khâu sản xuất nội dung tới hậu kỳ sản phẩm, qua đó mang lại những câu chuyện hay và trải nghiệm đáng nhớ. 

Những người muốn khám phá di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám chỉ cần một cú nhấp chuột là có thể thưởng ngoạn khu di tích được coi là trường đại học đầu tiên của khu vực Đông Nam Á xây dựng tại kinh thành Thăng Long xưa, trên nền trình chiếu 3D. Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cho biết, du khách chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, đặt trước bảng chỉ dẫn đã cài mã QR, hệ thống sẽ tự động đăng nhập và chuyển tới điện thoại của du khách thông tin cơ bản về hiện vật. Trung tâm đang chỉnh lý các thông số, thông tin chuẩn xác để ngoài phần giới thiệu bằng tiếng Việt, còn thực hiện với 8 ngôn ngữ khác. Đến nay, trung tâm đã thực hiện số hóa 35 bia tiến sĩ, mục tiêu đến năm 2022 số hóa và cài mã QR toàn bộ hệ thống 82 bia. 

Theo TS Trần Trọng Dương, nhà nghiên cứu Hán Nôm và cổ sử Việt Nam, việc số hóa di sản và các tác phẩm nghệ thuật đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng từ lâu, nhằm bảo tồn di sản, tránh nguy cơ mất sử liệu do thiên tai. Việc số hóa di sản bằng công nghệ VR3D còn là cách thổi sức sống vào di sản, để di sản không nằm im trong bảo tàng, mà là chiếc cầu kết nối lịch sử - quá khứ với hiện tại và tương lai.

Trong xu hướng chung đó, Fanpage của Bảo tàng Mỹ thuật liên tục cập nhật, giới thiệu về những bảo vật quốc gia, tác phẩm hội họa tiêu biểu của các danh họa nổi tiếng Việt Nam. Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc bảo tàng, chia sẻ, dù tạm thời đóng cửa nhưng du khách khắp nơi vẫn có thể tham quan trực tuyến bằng ứng dụng iMuseum VFA. Tương tự, sau 2 chuyên đề trưng bày online, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang tiếp tục nghiên cứu, cập nhật ứng dụng công nghệ hiện đại để xây dựng trưng bày ảo 3D chuyên đề bảo vật quốc gia lưu giữ tại đây.

Còn nhiều chông gai

Được xem là một trong những giải pháp không để hiện vật “chết”, số hóa đang là một yêu cầu cần và đủ cho sự phát triển của ngành bảo tàng, di tích hiện nay. Song thực tế, để có thể triển khai đồng bộ và đạt hiệu quả cao, các đơn vị phải đối mặt với nhiều khó khăn. Bài toán trước mắt không chỉ là vấn đề về kinh phí, con người mà còn phải đảm bảo yếu tố khoa học, sáng tạo, nghệ thuật.

Ông Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, chia sẻ: “Bảo tàng đang từng bước làm tư liệu số đối với hệ thống hiện vật, tiến tới mục đích xây dựng bảo tàng số. Đây là một con đường dài và có vô số chông gai phải vượt qua. Việc số hóa không chỉ thực hiện đơn thuần với những tư liệu thô mà là tích hợp toàn bộ tư liệu, kết quả nghiên cứu về mỗi hiện vật từ trước đến nay. Tuy hiện vật có trong tay nhưng phải cập nhật thêm tất cả các đánh giá, quan điểm về hiện vật đó”. 

Ở góc nhìn khác, liên quan đến khó khăn trong số hóa di sản, ông Nguyễn Hải Ninh, Trưởng phòng Quản lý bảo tàng và thông tin tư liệu, Cục Di sản văn hóa, cho rằng, vấn đề bản quyền sau khi di sản được số hóa và sử dụng cũng cần được đặt ra. Nhưng nếu thấy thách thức mà không tiếp tục làm sẽ đối mặt với nguy cơ mất đi vĩnh viễn các cứ liệu lịch sử của di sản. 

Xu hướng ứng dụng công nghệ đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và dịch Covid-19 là nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình này, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, di sản. Tất nhiên, số hóa di sản cũng như các tác phẩm nghệ thuật không phải là chuyện một sớm một chiều. Nó đòi hỏi sự đầu tư đúng mức về tiền bạc, thời gian, tâm sức và trang thiết bị kỹ thuật. Song đây cũng có thể xem là giai đoạn đặc biệt nếu biết tận dụng để biến nguy thành cơ khi đầu tư đủ mạnh, đúng tầm để có bước tiến dài tạo nên sức hấp dẫn mới mẻ đối với di sản.

Mai An

Nguồn: Báo Sài gòn giải phóng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT