Non nước Việt Nam

Bắc Ninh: Đánh thức “mỏ vàng” di sản văn hóa

Cập nhật: 23/11/2021 05:36:33
Số lần đọc: 807
Di sản văn hóa là chất liệu của sự sáng tạo và phát triển. Trong bối cảnh hội nhập, những giá trị truyền thống, các đặc sản văn hóa dân tộc ngày càng trở thành nguồn tài nguyên dồi dào, được ví như “mỏ vàng” cho mỗi địa phương, dân tộc quảng bá hình ảnh, gia tăng sức mạnh mềm và làm giàu, phát triển kinh tế.  


Theo góc nhìn của một số chuyên gia ngành Công nghiệp Sáng tạo thì di sản văn hóa được ví như “nồi cơm Thạch Sanh” đem lại lợi ích khổng lồ về kinh tế, giúp quảng bá thương hiệu, hình ảnh địa phương, đất nước và gia tăng sức mạnh mềm của mỗi quốc gia. Để đạt đến mục tiêu đó, văn hóa cần được đầu tư mạnh mẽ về nguồn lực con người, coi trọng chất xám, kích thích sáng tạo, tận dụng sức mạnh của công nghệ số kết hợp với chiến lược truyền thông bài bản. Nếu làm được như vậy, khó có thể tính hết được lợi ích kinh tế, việc làm, ảnh hưởng quốc tế mà các đặc sản văn hóa mang lại đối với sự phát triển của mỗi địa phương.

Được mệnh danh là “nôi của người Việt cổ”, với ý thức trân trọng di sản của tiền nhân trải suốt ngàn năm, Bắc Ninh ngày nay là một trong những tỉnh có số lượng di sản văn hóa nhiều nhất cả nước. Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có gần 1.600 di tích, trong đó có 628 di tích được Nhà nước xếp hạng (4 di tích xếp hạng Quốc gia đặc biệt, 203 di tích xếp hạng Quốc gia và 421 di tích xếp hạng cấp tỉnh); 13 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Bắc Ninh có nhiều di tích nổi tiếng như: Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, nơi khởi nguồn của các bậc Thủy tổ dân tộc Việt; chùa Dâu và hệ thống chùa thờ Tứ Pháp là trung tâm Phật giáo đầu tiên của nước ta; đền Đô nơi tôn thờ các vị vua triều Lý có công khai sáng nền văn minh Đại Việt; chùa Phật Tích, chùa Dạm là những đại danh lam cổ tự được xây dựng quy mô bề thế vào thời Lý, thế kỷ XI; Văn Miếu Bắc Ninh nơi tôn thờ và ghi danh gần 700 vị đại khoa; đền Vua Bà thờ Thủy tổ Quan họ; đền Cao Lỗ Vương thờ ông Tổ ngành quân khí; đền Xà gắn với chiến tuyến Như Nguyệt còn đó âm vang hùng tráng bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” được xem là bản “Tuyên ngôn độc lập” đầu tiên khẳng định chủ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam...

Di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh là tài nguyên dồi dào để Bắc Ninh gia tăng sức mạnh mềm và phát triển kinh tế-xã hội. (Ảnh tư liệu)

Bắc Ninh còn là nơi kết tinh, hội tụ và tỏa sáng của những di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội, huyền thoại, sự tích, truyền thuyết, thơ ca, hò vè, nghệ thuật diễn xướng dân gian, các làng nghề thủ công truyền thống... Nổi bật nhất là Di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đánh thức kho báu di sản văn hóa đồ sộ, phong phú kể trên, những năm qua, Bắc Ninh là một trong số ít địa phương làm tốt công tác bảo tồn, gìn giữ giá trị di sản văn hóa, không những thể hiện ở mức kinh phí đầu tư hàng năm mà còn trong cách thức chỉ đạo, điều hành năng động, nhất là sự đổi mới sáng tạo trong triển khai những cơ chế, chính sách mới. Điển hình là sự quan tâm đặc biệt đến chủ nhân di sản như các cộng đồng, nghệ nhân, nghệ sĩ, nhằm kích thích sáng tạo, tiếp thêm động lực cho họ có thêm nhiều cống hiến hơn nữa.

Về phát triển ngành Công nghiệp Văn hóa, mặc dù chưa được định hình rõ nét song Bắc Ninh cũng bắt đầu quan tâm, khuyến khích sáng tạo các sản phẩm văn hóa mang đậm bản sắc đặc trưng Bắc Ninh-Kinh Bắc; tổ chức chương trình giao lưu, trao đổi văn hóa với nhiều quốc gia trên thế giới; từng bước bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách về mở rộng hợp tác, ngoại giao văn hóa; khuyến khích sáng tạo đa dạng mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm thể hiện được nét đẹp văn hóa đặc trưng của Bắc Ninh; phối hợp sản xuất các bộ phim phóng sự truyền hình, phim tuyên tuyền quảng bá về di sản văn hóa, phim hoạt hình giáo dục lịch sử - danh nhân Kinh Bắc...

Tỉnh cũng dành nhiều nguồn lực cho các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch văn hóa như: Tổ chức các chương trình nghệ thuật đặc sắc; đầu tư sản xuất phim, xuất bản sách, tài liệu tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa Bắc Ninh. Tham gia một số chương trình Festival, hội chợ du lịch trong tỉnh, trong nước và đưa di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh quảng bá tại một số quốc gia; ứng dụng công nghệ số trong quảng bá du lịch, văn hóa; mở rộng tuyên truyền trên các kênh Tạp chí Du lịch, Tạp chí Doanh nhân Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, Truyền hình kỹ thuật số VTC, hãng hàng không Quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines...

Du lịch văn hóa là lĩnh vực được Bắc Ninh đặc biệt ưu tiên phát triển với sự quan tâm đầu tư, phục dựng không gian văn hóa Quan họ; mở rộng các không gian sáng tạo, trải nghiệm cho khách du lịch; xây dựng các thiết chế văn hóa theo hướng gắn kết du lịch, tiêu biểu như các công trình Bảo tàng tỉnh, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Trung tâm bảo tồn nghề tranh Đông Hồ, Trung tâm bảo tồn nghề rối nước Đồng Ngư...

Đặc biệt, Bắc Ninh còn là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành số hóa toàn bộ hệ thống dữ liệu di sản văn hóa. Đây là một bước đi đột phá và tất yếu để bảo vệ bền vững di sản, đồng thời mở đường cho một hướng đi mới trong tương lai...

V.Thanh

Nguồn: Báo Bắc Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT