Non nước Việt Nam

Bắc Ninh: Chuyện ở gia đình “giữ lửa” nghề truyền thống

Cập nhật: 22/09/2021 09:25:25
Số lần đọc: 1098
Là gia đình duy nhất còn gắn bó với nghề làm phỗng đất (món đồ chơi truyền thống chứa đựng những ý nghĩa lịch sử, văn hoá), nhưng mấy chục năm qua, 5 thế hệ trong gia đình ông Phùng Đình Giáp ở thôn Đông Khê (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành) chưa khi nào thôi giữ “lửa” nghề. Tình yêu với nghề truyền thống khiến mỗi thành viên luôn nỗ lực, tìm cách để phỗng đất có đất sống và phát triển.


Đường vào làng Đông Khê nhiều ngõ nhỏ ngoằn ngoèo, nhưng chỉ cần hỏi thăm nhà ông Giáp “phỗng đất” thì người dân từ đầu đến cuối làng đều nhiệt tình chỉ đến tận nơi. Thấy khách hỏi thăm nghề gia truyền, ông Phùng Đình Giáp cùng vợ nghỉ tay pha ấm trà nóng, rồi say xưa kể chúng tôi nghe câu chuyện thú vị về nghề làm phỗng đất truyền đời của gia đình.

Ngót 60 năm làm phỗng đất, nhưng vợ chồng nghệ nhân Phùng Ðình Giáp không biết nghề này bắt nguồn từ đâu và bao giờ. Trong ký ức của ông Giáp, phỗng đất có từ thời ông nội. Ngày ấy làng có nhiều gia đình làm nghề nặn phỗng đất, những con phỗng nhỏ sặc sỡ sắc mầu trên chiếc mẹt tre cũ mang ra chợ bán vào mỗi dịp Tết Trung thu. Trong mâm cỗ đón trăng Rằm tháng Tám, ngoài hoa quả, bánh kẹo các loại, không thể thiếu bộ phỗng đất và đèn ông sao. Thời gian khiến cho vạn vật thay đổi, thời “hưng thịnh” của phỗng đất cũng xa dần. Đến giờ, cả làng chỉ duy nhất gia đình ông Giáp giữ nghề.

Chia sẻ lý do còn gắn bó với nghề bấy lâu, ông Giáp cho biết: “Năm tôi lên 8 tuổi, những thứ đất, giấy, hình phỗng ngộ nghĩnh luôn khiến tôi mê mẩn chẳng rời. Đi bộ đội, rồi xuất ngũ và lập gia đình thì hình ảnh những chú phỗng đất chưa bao giờ phai nhạt trong tâm thức. Đến với nghề có lẽ bởi chữ duyên nhưng gắn bó với nghề còn là cả sự mong mỏi sâu sắc được lưu giữ nét đẹp văn hóa của cha ông để lại”.


Khách du lịch nước ngoài trải nghiệm, tìm hiểu nghề làm phỗng đất tại gia đình ông Phùng Đình Giáp ở thôn Đông Khê, xã Song Hồ (Thuận Thành). Ảnh tư liệu.

Theo ông Giáp, một bộ phỗng đất thường có năm hình tượng: con chim bồ câu tượng trưng cho khát vọng hòa bình tự do; con rùa gắn với biển cả và trong tâm linh người Việt là loài vật thiêng liêng được thần thánh hóa trong truyền thuyết; phỗng em bé và ông phỗng già nói lên sự nối tiếp truyền thống; phỗng hình Phật ở vị trí trung tâm mang ý nghĩa tâm linh, giáo dục con cháu sống hiền lành, đúng mực.

Nhìn bộ phỗng tưởng chừng giản đơn nhưng để làm được một sản phẩm hoàn thiện thì tốn khá nhiều thời gian, tâm sức, sự tỉ mẩn và khéo léo. Nguyên liệu quan trọng nhất để làm ra phỗng đất là đất thó (hay còn gọi là đất sét). “Không một loại đất nào có thể thay thế được bởi đất thó có độ kết dính tốt. Để có được loại đất này phải đào ở độ sâu 2,5 đến 3m và chỉ lấy khoảng 20 đến 30cm để có độ mịn, sạch. Đất này sau đó đem phơi khô, cho vào cối đập, giã thành bột mịn rồi sàng đến khi có độ mịn mát tay, màu xám nhạt là được”, ông Giáp tiết lộ bí quyết.

Bà Điểu tiếp lời: “Mỗi lần nghe ở đâu có đào ao hay đào giếng hoặc ao sen vào mùa nước cạn, ông Giáp lại đến đào lấy đất thó mang về phơi khô dùng dần. Trước đây, gia đình tôi dùng giấy bản, giấy dó ở thôn Đống Cao nhưng bây giờ giấy này ít nên ông phải dùng giấy báo. Giấy được ngâm trong nước chừng 1 tuần cho đến khi mủn ra rồi trộn với bột đất thó. Vừa trộn tay, vừa dùng chày đập cho đến khi hỗn hợp này quyện lại tới độ dẻo, mịn, không dính thì đạt yêu cầu”.

Sau khi hoàn thành hỗn hợp đất là đến công đoạn nặn, ông Giáp đảm nhận công đoạn này vì không ai nặn khéo bằng ông cả. Tuy việc nặn phỗng đất không đòi hỏi hoa văn, phức tạp, cầu kỳ nhưng cốt yếu là phải giữ được nét dân dã. Dưới bàn tay của nghệ nhân, những ông phỗng dần thành hình. Ông Giáp nắn, vuốt thật tỉ mỉ để tạo hình phỗng không bị góc cạnh, mềm mại và tự nhiên. Phỗng được phơi khô dưới nắng cho se lại và hoàn toàn tránh nước, sau đó phủ lên lớp hỗn hợp của hồ điệp trắng và hồ nếp pha với nước theo tỷ lệ chuẩn rồi lọc qua khăn cho đến khi thật mịn. Công đoạn cuối cùng là vẽ màu. Với phỗng mộc, không vẽ màu, càng phơi giá sương lại càng lên nước đẹp mặn mà, mướt bóng. Còn với bộ phỗng Trung thu, sau khi được phơi khô kiệt, phỗng đất sẽ được sơn phủ một lớp hỗn hợp gồm bột điệp trắng, hồ nếp pha với nước theo tỉ lệ thích hợp. Sau đó lại mang phơi cho khô rồi vẽ màu lên cho hoàn chỉnh. Tông màu chủ đạo để tô cho phỗng là đỏ, vàng, xanh, đen. Đây là những gam màu truyền thống, khi vẽ lên sẽ tạo cảm giác thân thuộc, gắn bó.


Vợ chồng ông Phùng Đình Giáp luôn nặng lòng, đau đáu giữ nghề truyền thống.

Năm 2017, có dịp được làm quen với một nhóm họa sĩ  thông qua những chương trình triển lãm ở Hà Nội. Sau khi đến nhà thăm quan, các họa sĩ đã gợi ý cho ông Giáp những mẫu mã mới trên tinh thần vừa mang tính nghệ thuật, vừa giữ được nét dân gian. Vậy là một loạt sản phẩm thủ công độc đáo ra đời như lợn đàn, chó giữ nhà, lợn âm dương, quần thể chuột đựng nghiên bút, gạt tàn chuột… để đáp ứng thị hiếu của mọi người. Nhờ vậy mà sản phẩm của ông bán được quanh năm, không còn chỉ mỗi dịp Trung thu nữa. “Sau nhiều năm, tôi rút ra được một kinh nghiệm, phải liên tục sáng tác mẫu mới. Với mỗi mẫu thì tôi chỉ làm vài bản để bán, thậm chí có những mẫu chỉ có 1 sản phẩm duy nhất. Sau đó lại nghĩ tiếp mẫu khác”,  ông Phùng Đình Giáp chia sẻ.

Từ chỗ quạnh hiu, thì nay có nhiều ngày, sân nhà ông Giáp tràn khách trong và ngoài nước đến xem bộ phỗng đất và trải nghiệm cách nặn. Khách nước ngoài đặt biệt yêu thích cách ông Giáp sáng tạo làm bộ phỗng đất 12 con giáp không sơn màu, mà sử dụng cật tre để đánh bóng, mang màu sắc mới lạ và dân dã. Và cũng nhờ sự sáng tạo đó, sản phẩm của ông được mọi người biết đến nhiều hơn. Ông liên tục được mời ra Hà Nội, các tỉnh Hải Dương, Thái Bình để giới thiệu về làng nghề ở các buổi học ngoại khóa, triển lãm, hội chợ…

Khi nhiều làng nghề dân gian, truyền thống đang chông chênh giữa bộn bền lo toan tìm cách để không bị mất đi, thì ông Giáp luôn có sự lạc quan tin tưởng ở nghề, bởi thế hệ con, cháu ông không chỉ thành thục các công đoạn làm phỗng đất mà còn có cách giữ nghề của người trẻ thời đại 4.0. Nhằm quảng bá hình ảnh và giá trị truyền thống về nghề làm phỗng đất của gia đình, cháu nội của ông Giáp là em Phùng Đình Đạt, hiện là sinh viên năm 2 Đại học Xây dựng Hà Nội lập một trang fanpage mang tên “Phỗng đất làng Hồ” năm 2018. Trên trang này, Đạt trực tiếp tìm tòi, cập nhật kể lại câu chuyện về phỗng đất làng Hồ từ truyền thống đến hiện đại; hình ảnh và video về cách làm phỗng đất truyền thống cũng như khát khao giữ nghề của gia đình.  Hiện trang “Phỗng đất làng Hồ” có gần một nghìn người thích trang, theo dõi. Để thuận tiện cho người dùng truy cập trang, Đạt còn tạo mã QRCode trên tấm danh thiếp của ông nội mình, giúp cho người xem có thể truy cập đến trang fanpage “Phỗng đất làng Hồ” một cách nhanh chóng và thuận tiện.

Trong cuộc nói chuyện với chúng tôi, không ít lần câu chuyện bị cắt ngang bởi những đơn hàng phương xa gọi về. Mỗi lần nghe điện thoại xong, ông Giáp phấn khởi lắm, ông bảo: “Ngoài khách quen, mỗi năm có đến vài chục đơn hàng từ những vị khách lần đầu đặt hàng mà tôi cũng chưa bao giờ biết mặt. Họ tìm hiểu xem mẫu mã qua Zalo, Facebook rồi gọi điện hoặc nhắn tin để được tư vấn và đặt hàng. Thật may mắn khi nhiều người vẫn yêu và có lòng gìn giữ nghệ thuật dân gian truyền thống. Chỉ cần có người đặt, tôi đều cố gắng làm đẹp nhất và trả hàng đúng yêu cầu”.

Giữa cuộc sống hiện đại ngày nay, khi nhiều món đồ chơi hào nhoáng, rực rỡ dần khiến người ta lãng quên những món đồ chơi, trò chơi dân gian truyền thống, sự tâm huyết của những nghệ nhân, thợ thủ công làm đồ chơi truyền thống như ông Phùng Đình Giáp đã góp phần “hồi sinh” Tết Trung Thu đậm đà bản sắc dân tộc. Và chắc chắn, những câu chuyện về nghề làm phỗng đất của gia đình duy nhất ở xã Song Hồ sẽ còn được kể thêm bởi thế hệ con cháu, những người sẽ nối nghề hoặc bằng cách nào đó giữ gìn một nét tinh hoa của nghệ thuật dân gian.

Ghi chép của Hoa Hường Me

 

Nguồn: Báo Bắc Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT