Hoạt động của ngành

Bắc Kạn: Bàn về tiêu chí, nguyên tắc ứng xử văn minh trong du lịch cộng đồng Ba Bể

Cập nhật: 17/08/2021 08:40:08
Số lần đọc: 999
Thời gian qua, hoạt động du lịch cộng đồng (DLCĐ) phát triển tương đối nhanh tại các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có khu vực vườn quốc gia Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Hầu hết chủ thể làm DLCĐ tại đây là các hộ gia đình đồng bào dân tộc Tày ở các bản làng Pác Ngòi, Bó Lù… Mặc dù đã có nhiều chương trình bồi dưỡng, tập huấn nhưng hoạt động DLCĐ tại đây vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp, ý thức bảo vệ môi trường du lịch, ứng xử văn minh trong du lịch của người dân dù đã tốt hơn nhưng chưa có quy chuẩn, quy tắc chung.


Tầm quan trọng của ứng xử văn minh trong hoạt động DLCĐ

Du khách là tác nhân bên ngoài, mang lại lợi ích kinh tế và có những tác động nhất định kèm theo việc thụ hưởng các giá trị về môi trường sinh thái tự nhiên và nhân văn khi đến với một cộng đồng địa phương. Cộng đồng địa phương là người giữ gìn, kiểm soát các giá trị về mặt tài nguyên du lịch để cung cấp cho du khách cơ hội tìm hiểu, khám phá và nâng cao nhận thức về lối sống, văn hóa và không gian sinh sống của cộng đồng địa phương. Do đó, cộng đồng cùng du khách phải chung tay ứng xử văn minh để bảo tồn, gìn giữ giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên.

Cộng đồng địa phương sẽ nhận được lợi ích về mặt kinh tế, mở rộng tầm hiểu biết cũng như có cơ hội giao lưu văn hóa, nắm bắt các thông tin bên ngoài từ du khách. Qua đó, họ sẽ có cách ứng xử văn minh, phù hợp hơn trong hoạt động du lịch.

Trong quá trình phát triển DLCĐ, cộng đồng địa phương ngày càng nâng cao năng lực tổ chức, vận hành và xây dựng các sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Điều đó đặt ra yêu cầu hình thành các tiêu chí và quy tắc ứng xử của cộng đồng trong hoạt động du lịch, trong đó có tiêu chí ứng xử văn minh với du khách, ứng xử văn minh trong chính cộng đồng và ứng xử văn minh với tài nguyên du lịch, góp phần phát triển bền vững.

Yếu tố tài nguyên là quan trọng, nhưng yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Cộng đồng là chủ thể đón tiếp, phục vụ vì vậy sẽ đem lại hình ảnh không tích cực nếu như trong cộng đồng vẫn còn hiện tượng thương mại hóa, “chặt chém”, chèo kéo khách du lịch, giao tiếp thiếu văn hóa, tháiđộ thiếu thân thiện dẫn đến ứng xử thiếu văn minh.

Buổi sớm trên hồ Ba Bể. Ảnh: Nguyễn Anh Đức

Đề xuất tiêu chí, quy tắc ứng xử văn minh trong hoạt động DLCĐ

Mặc dù Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch áp dụng trên cả nước, nhưng với hoạt động DLCĐ, để có được mô hình hiệu quả cần hình thành những tiêu chí và quy tắc ứng xử văn minh đặc thù cho các bản làng DLCĐ, trong đó có hoạt động DLCĐ tại khu vực hồ Ba Bể.

Về đối tượng, phạm vi áp dụng

Nhóm 1: Cộng đồng dân cư tại các điểm DLCĐ

Nhóm 2: Khách du lịch đến các điểm DLCĐ

Nhóm 3: Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch tại vùng DLCĐ

Nhóm 4: Các công ty lữ hành đưa khách đến điểm DLCĐ

Nhóm 5: Hướng dẫn viên du lịch đưa khách đến; hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại điểm DLCĐ

Nhóm 6: Cơ sở lưu trú (homestay), dịch vụ lưu trú tại điểm, tại vùng DLCĐ

Nhóm 7: Các dịch vụ khác tại điểm DLCĐ (vận chuyển, bán đồ lưu niệm, dịch vụ tổ chức sự kiện và biểu diễn nghệ thuật truyền thống, dịch vụ trải nghiệm DLCĐ).

Về nội dung quy tắc

Nhóm 1: Quy tắc và tiêu chí liên quan đến tuân thủ quy định của pháp luật về Luật Du lịch; Luật Di sản văn hóa; Luật Thương mại; các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định về kinh doanh du lịch, lữ hành, lưu trú, ăn uống, vận chuyển, dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ tham quan trải nghiệm, dịch vụ bán đồ lưu niệm, dịch vụ khác tại điểm DLCĐ…

Nhóm 2: Quy tắc và tiêu chí liên quan đến kinh doanh, tuân thủ quy luật thị trường; ứng xử cạnh tranh lành mạnh; không có hành vi kinh doanh, trục lợi, thu lợi bất hợp pháp; không chèo kéo, “chặt chém” du khách; niêm yết, công khai giá cả hàng hóa, dịch vụ; tuân thủ đảm bảo chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ, chất lượng phục vụ trong hoạt động DLCĐ.

Nhóm 3: Quy tắc và tiêu chí liên quan đến đảm bảo ổn định chính trị, an ninh, an toàn tại điểm đến DLCĐ: không có hành vi lợi dụng DLCĐ để tuyên truyền chính trị trái phép, không đúng sự thật; không để hướng dẫn viên, du khách nước ngoài xuyên tạc lịch sử và vi phạm văn hóa bản địa; không lợi dụng du lịch để tuyên truyền, kích động thù địch, vi phạm an ninh chính trị, văn hóa, tôn giáo, kinh tế, xã hội; không có những hành vi côn đồ, ẩu đả, mất an ninh trật tự tại điểm đến...

Nhóm 4: Quy tắc và tiêu chí liên quan đến đảm bảo môi trường, trong đó có môi trường tự nhiên (vệ sinh sạch sẽ, không xả rác, ít dùng đồ nhựa, không xả thải ra môi trường gây ô nhiễm...) và môi trường du lịch nhân văn (giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, không tổ chức các hoạt động văn hóa vi phạm thuần phong mỹ tục, không ăn mặc phản cảm, chụp ảnh phản cảm, quay clip phản cảm...)

Nhóm 5: Quy tắc và tiêu chí liên quan đến giao tiếp ứng xử trong hoạt động DLCĐ, đảm bảo thân thiện, mến khách, văn minh, lịch sự,... từ lời ăn tiếng nói, nụ cười, cử chỉ, thái độ, giao tiếp, sự mộc mạc của bà con làm DLCĐ đến hành vi thân thiện, tôn trọng với văn hóa bản địa của du khách trong và ngoài nước...

Mục tiêu đặt ra là xây dựng hình ảnh du lịch địa phương là điểm đến an toàn, thân thiện, văn minh; xây dựng môi trường DLCĐ có hiểu biết và trách nhiệm, tạo nên một thương hiệu, sản phẩm DLCĐ riêng có; mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch, mỗi du khách là một nét đẹp văn hóa, mỗi hướng dẫn viên là một đại sứ du lịch, mỗi làng bản DLCĐ là một điểm đến. Hoạt động DLCĐ hướng tới mục tiêu cộng đồng và du khách cùng tôn trọng bản thân và tôn trọng mọi người, tôn trọng cộng đồng và tôn trọng môi trường, ứng xử đúng mực, có thái độ thân thiện, tinh thần tận tâm vì du khách, luôn nói lời hay, cử chỉ đẹp.

Một số tiêu chí ứng xử áp dụng vào một số bản làng DLCĐ tại hồ Ba Bể

Đối với dân cư địa phương làm DLCĐ

1. Nói lời hay, cử chỉ đẹp, thân thiện với khách du lịch.

2. Nhiệt tình, tôn trọng, giúp đỡ, ưu tiên, nhường đường cho khách du lịch. Giữ thái độ nhã nhặn, lịch sự khi giải quyết sự cố đối với khách du lịch.

3. Sử dụng trang phục truyền thống, lịch sự, phù hợp, mang bản sắc văn hóa dân tộc. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa bản địa

4. Tuyên truyền, hướng dẫn du khách bảo vệ cảnh quan và môi trường, giữ gìn vệ sinh nơi ở và nơi công cộng.

5. Không “chèo kéo”, đeo bám khách du lịch; không có lời nói, cử chỉ thiếu văn hóa, khiếm nhã với khách du lịch; không kỳ thị, phân biệt đối xử với khách du lịch; không tranh giành, gây gổ với khách du lịch; không bán các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã cho khách du lịch…

Đối với khách du lịch

1. Tuân thủ các nội quy, bảng chỉ dẫn khi đi du lịch, xếp hàng theo thứ tự tại các điểm DLCĐ.

2. Trang phục lịch sự, phù hợp.

3. Tôn trọng sự khác biệt về văn hóa và cộng đồng địa phương.

4. Ứng xử văn minh, thân thiện, vui chơi lành mạnh. Tham gia du lịch có trách nhiệm, bảo vệ môi trường.

5. Không chen lấn, xô đẩy, gây ồn ào, mất trật tự; không vứt rác, khạc nhổ, đi vệ sinh và hút thuốc lá bừa bãi; không gây gổ, đánh chửi nhau; không phá hoại môi trường, cảnh quan khi đi du lịch; không sử dụng sản phẩm từ các loài động, thực vật hoang dã; không cố tình quay phim, chụp ảnh tại nơi không được phép và có các hành vi phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; không lấy đồ không thuộc về mình, đặc biệt không có hành vi trộm cắp, giành giật…; không mua bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; không vi phạm pháp luật khi đi du lịch.

Tóm lại, mọi tiêu chí và quy tắc muốn áp dụng hiệu quả thì phải dựa trên điều kiện hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, từng địa phương. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chỉ tập trung cho mô hình có thể áp dụng cho DLCĐ ở vùng núi, các bản làng gắn với văn hóa tộc người, cụ thể như ở những bản làng DLCĐ như Pác Ngòi, Bó Lù của huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Với các địa phương khác, cần có những nghiên cứu kỹ hơn trước khi xây dựng và áp dụng cụ thể cho địa phương. Bên cạnh một số tiêu chí và quy tắc, cần có mô hình lý thuyết ứng xử văn minh trong DLCĐ để các điểm DLCĐ dễ vận dụng vào điều kiện thực tế.

TS. Nguyễn Đức Thắng

 

Nguồn: Tạp chí Du lịch

Cùng chuyên mục