Nhìn ra thế giới

Ai Cập cho phép du khách vào thăm di tích hàng nghìn năm tuổi

Cập nhật: 06/03/2023 10:47:25
Số lần đọc: 633
Ai Cập vừa công bố những hình ảnh đầu tiên về một hành lang bí mật dài 9 mét phía sau lối vào chính của đại kim tự tháp Giza 4.500 năm tuổi. Với việc công bố những phát hiện khảo cổ mới và mở cửa trở lại những di chỉ khảo cổ, chính phủ Ai Cập mong muốn tăng cường thu hút du khách nước ngoài, thúc đẩy ngành du lịch phát triển.

Một hành lang bí mật dài 9 mét phía sau lối vào chính được phát hiện, sau khi các nhà khảo cổ Ai Cập sử dụng công nghệ đo nhiệt độ hồng ngoại, mô phỏng 3D và chụp ảnh bằng tia vũ trụ để quan sát bên trong đại kim tự tháp Giza. Khám phá này có thể đóng góp kiến ​​thức về việc xây dựng kim tự tháp 4.500 năm tuổi này.

Phát hiện trên ngay lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận quốc tế. Vì đại kim tự tháp Giza là kỳ quan cuối cùng trong số 7 kỳ quan của thế giới cổ đại vẫn còn tồn tại. Trước khi có tháp Eiffel của Pháp vào năm 1889, đại kim tự tháp Giza cũng là công trình kiến ​​trúc cao nhất do con người tạo nên.

Hành lang bí mật trong kim tự tháp Giza được công bố hôm 2/3/2023. Nguồn: Reuters

Nhà Ai Cập học Zahi Hawass khẳng định vẫn còn nhiều bí mật chưa được khám phá tại đại kim tự tháp Giza: “Chúng tôi đang đứng trước một khám phá cực kỳ quan trọng, một khám phá về điều gì đã xảy ra bên trong đại kim tự tháp Giza. Khám phá này sẽ là chủ đề bàn luận trong mọi gia đình trên khắp thế giới. Ai Cập sẽ được nhắc đến ở khắp nơi”.

Một Ai Cập huyền bí cũng là thương hiệu mà chính phủ Ai Cập muốn gây dựng cho ngành du lịch nước nhà. Trước đó, chính phủ Ai Cập đã đầu tư vào hoạt động khảo cổ học và phục chế các di tích nhằm thu hút du khách. Cũng trong tuần này, Ai Cập mở cửa trở lại cho khách tham quan nhà thờ Hồi giáo lịch sử al-Hakim bi-Amr Allah. Công trình này bắt đầu tạm dừng đón du khách để trùng tu vào năm 2017, với chi phí ước tính khoảng 2,8 triệu USD. Trước đó, vào tháng 2 vừa qua, Ai Cập đã trùng tu và mở cửa cho khách du lịch tham quan ngôi mộ Meru 4.000 năm tuổi.

Với việc mở cửa trở lại nhiều di tích khảo cổ, Bộ trưởng Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập Ahmed Issa đặt mục tiêu thúc đẩy ngành du lịch tăng trưởng, qua đó vực dậy nền kinh tế: “Ngành du lịch Ai Cập có thể phát triển từ 25% đến 30% mỗi năm trong thập kỷ tới. Ai Cập có thể thu hút khoảng 30 triệu du khách vào năm 2028. Đây là mục tiêu mà Ai Cập đang hướng tới. Du lịch là sản phẩm có lợi thế cạnh tranh hấp dẫn nhất trong tất cả các sản phẩm mà Ai Cập có thể cung cấp trên toàn cầu”.

Du khách tham quan kim tự tháp Giza bằng xe ngựa kéo. Nguồn: Reuters

Du lịch là một trong những trụ cột chính của nền kinh tế Ai Cập. Trước đại dịch Covid-19, doanh thu từ du lịch chiếm khoảng 12% tổng sản phẩm quốc nội và khoảng 15% doanh thu ngoại hối của Ai Cập. Đây là nguồn thu nhập nước ngoài lớn thứ ba của Ai Cập sau xuất khẩu và kiều hối.

Tuy nhiên, doanh thu của ngành du lịch của Ai Cập giảm mạnh từ hơn 13 tỷ USD vào năm 2019 xuống còn 4 tỷ USD vào năm 2020. Lượng dự trữ ngoại hối của Ai Cập vào tháng 2/2023 giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, nợ nước ngoài của nước này tăng gấp ba lần trong thập kỷ qua lên khoảng 155 tỷ USD. Theo hãng xếp hạng tín nhiệm Moody, Ai Cập là một trong 5 nền kinh tế có nguy cơ vỡ nợ nước ngoài cao nhất.

Vì vậy, với việc công bố những phát hiện khảo cổ quan trọng, trùng tu và mở cửa lại nhiều di tích khảo cổ, Ai Cập đang nỗ lực vực dậy ngành du lịch. Chính phủ Ai Cập hy vọng ngành du lịch sẽ giúp giúp nền kinh tế nước này vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay./.

 Thiều Dương

 

Nguồn: VOV - vov.vn - Ngày đăng 04/03/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT