Du lịch sinh thái - Sức hấp dẫn mới
Với ưu thế là một nước nông nghiệp, diện tích đất đai, sông ngòi lớn nên loại hình du lịch sinh thái rất được chú trọng phát triển tại Việt Nam với nhiều loại sản phẩm khác nhau. Ngoài ra, Việt Nam còn có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia và nhiều rừng cấm, đó là những di sản thiên nhiên đầy tiềm năng cho phát triển du lịch sinh thái như vịnh Hạ Long, hồ Ba Bể, động Phong Nha, vườn quốc gia Cát Tiên, vườn quốc gia Cúc Phương, khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, sản phẩm du lịch sinh thái ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Bắc Việt Nam… Đặc biệt, đã có tới 6 khu dự trữ sinh quyển Việt Nam được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới nằm ở khắp ba miền, sắp tới sẽ có 2 khu sẽ được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới chính là điều kiện tốt cho nước ta phát triển du lịch sinh thái.
Nắm bắt được thế mạnh này, hầu hết các công ty du lịch lữ hành trên cả nước cũng như tại TP.HCM như Saigontourist, Bến Thành Tourist, Fiditour, Vietravel… đã xây dựng nhiều tour du lịch sinh thái nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú của du khách trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Minh Mẫn - Đại diện Công ty du lịch Vietravel cho biết, hiện loại hình du lịch sinh thái chiếm khoảng 30% các sản phẩm du lịch của Vietravel. Theo đó, lượng khách Việt Nam đăng ký tham gia loại hình du lịch này chiếm khoảng 30% khách trong nước, và khách quốc tế chiếm đến 50% trên tổng số lượng khách nước ngoài. Được biết Vietravel đã và đang triển khai bộ sản phẩm du lịch sinh thái đến đồng bằng sông Cửu Long do nơi đây sở hữu lợi thế về địa hình sông nước, những cồn cát tự nhiên, nơi phát triển rất mạnh của những vườn cây ăn trái và đậm nét đặc trưng văn hóa Nam bộ ở vùng đồng bằng châu thổ. Bên cạnh đó, những dấu ấn văn hóa bản địa như khám phá điểm đến bằng đò máy, xuồng ba lá, nghe đờn ca tài tử, khám phá văn hóa chợ nổi, tham quan và thưởng thức trái cây tại vườn, tát ao bắt cá hay tham quan làng nghề địa phương… chính là sự hấp dẫn mà du khách có thể dễ dàng cảm nhận được ở những địa danh du lịch như Cồn Phụng, Cồn Thới Sơn, chợ nổi Cái Bè, chợ nổi Cái Răng, ngã bảy Phụng Hiệp, trang trại Vinh Sang…
Tuy nhiên, theo ông Mẫn, loại hình du lịch sinh thái được đưa vào phát triển từ lâu song vẫn còn có nhiều hạn chế trong việc đáp ứng nhu cầu của du khách do vậy vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Cụ thể, du lịch sinh thái trước hết hướng đến vấn đề bảo vệ môi trường nhưng vấn đề vệ sinh tại các điểm tham quan chưa được quan tâm đúng mức, việc phát huy yếu tố văn hóa địa phương vẫn chưa đúng tầm, còn mang tính tự phát, thiếu bài bản. Việc quảng bá hình ảnh du lịch sinh thái vẫn chưa tạo được ấn tượng, tính liên kết sản phẩm du lịch địa phương thiếu chặt chẽ, không thể hiện rõ nét đặc trưng sản phẩm ở từng địa phương do vậy tính hấp dẫn còn khá hạn chế.
Do đó, để góp phần phát triển mạnh loại hình du lịch sinh thái giàu tiềm năng và sức hút này thì các công ty du lịch cũng như các địa phương nên đa dạng sản phẩm bằng cách mở rộng phát triển thêm một số tỉnh thành ở phía Nam như: Đồng Tháp, Trà Vinh, Sóc Trăng… Cần triển khai và quảng bá các loại hình sinh thái đặc trưng như sinh thái biển, rừng… nhằm khai thác hết lợi thế và tiềm năng sẵn có.
Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như nhà hàng, khách sạn cần được đầu tư đúng mức theo hướng đa dạng nhằm đáp ứng được mọi nhu cầu của du khách, vừa có khách sạn cao cấp vừa có nhà nghỉ dạng homestay, ngủ tại nhà dân (có chọn lọc), nhà cổ,… sáng tạo nhiều sản phẩm du lịch độc đáo mang đậm dấu ấn Việt Nam như: một ngày làm nông dân (Vĩnh Long, Cần thơ), học nghề làm chiếu Định Yên (Đồng Tháp), khám phá văn hóa đám cưới Việt…Bên cạnh những dịch vụ hướng đến sinh thái và văn hóa bản địa, các địa phương cũng cần quan tâm đến nhu cầu mua sắm của du khách, vì mỗi nguồn thu dù nhỏ đều có khả năng góp phần vào sự phát triển chung của ngành du lịch địa phương đưa loại hình du lịch sinh thái ngày càng phát triển.