Tin tức - Sự kiện

Festival Huế 2010: Nơi gặp gỡ của các Di sản Văn hóa thế giới

Cập nhật: 19/03/2010 13:55:58
Số lần đọc: 2554
Tập trung vào chủ đề “Di sản văn hoá với hội nhập và phát triển”, Festival Huế 2010 là nơi gặp gỡ của các thành phố cố đô, các thành phố có di sản văn hoá trên thế giới.

Festival Huế 2010 có “đất diễn” rộng hơn các lần trước. Không gian lễ hội năm nay không tập trung trong thành phố, mà sẽ mở rộng ra trên phạm vi toàn tỉnh. Đây sẽ là một trong những hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, với sự góp mặt của nhiều đoàn nghệ thuật ở cả 5 châu lục, 31 quốc gia đăng ký tham gia như: Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Italy, Nga, Trung Quốc…

Tập trung vào chủ đề “Di sản văn hoá với hội nhập và phát triển”, Festival Huế 2010 là nơi gặp gỡ của các thành phố cố đô, các thành phố có di sản văn hoá trên thế giới. Trong 9 ngày (từ 5 - 13/6/2010), sẽ có nhiều chương trình lớn như Lễ khai mạc và bế mạc, Lễ hội áo dài, Lễ tế Giao, Đêm phương Đông, Vẻ đẹp Việt… đan xen với các chương trình biểu diễn nghệ thuật dành cho thiếu nhi, dành cho thơ Huế…

Trung tâm Festival là không gian của Đại Nội Huế về đêm với nhiều sân khấu nghệ thuật đa dạng, đêm hoàng cung, những buổi yến tiệc và những trò chơi cung đình.

Chương trình được kỳ vọng nhất là “Huyền thoại sông Hương” được tổ chức ngay trên sông Hương, giới hạn từ Ngã ba Bằng Lãng đến Nghinh Lương Đình. Mục đích của chương trình nhằm khẳng định giá trị văn hóa lịch sử, cảnh quan thiên nhiên của một dòng sông gắn liền với một vùng văn hóa và tình cảm của con người Huế.

Xuất phát từ bến thuyền lăng Minh Mạng, 1 chiếc thuyền cung đình dẫn đầu đoàn du thuyền gồm 20 chiếc thuyền rồng, du khách trên thuyền vừa thưởng thức ẩm thực Huế, vừa nghe kể về những huyền thoại qua 18 điểm nhấn của cuộc hành trình. Trên cầu Tuần, một dàn trống lớn được sắp đặt tại mố cầu, nghênh đón du khách bằng tiếng trống đi vào huyền thoại. Tiếp theo, đội quan binh tuần thú sẽ gợi tả cho du khách về một không khí xa xưa. Đình làng Hải Cát với hương án và các bô lão đón chào mọi người trong màu sắc hoành tráng của cờ xí và âm thanh của nhạc lễ…

Qua khỏi đồi Vọng Cảnh, xem cảnh chuyến đò dọc và các ngư dân vừa hò đối đáp vừa tung chài. Các thuyền nghề tung lưới chài dưới ánh hoàng hôn, rồi kéo lưới trong tiếng hò Huế rộn rã. Trên khu vực bãi bồi, trẻ mục đồng chăn trâu, thổi sáo, thả diều. Xa xa, tại chân cầu Xước Dũ, là cảnh sinh hoạt của làng chài bập bùng trong ánh đèn hoa đăng, gửi niềm mơ ước về cuộc sống…

Tại Văn Miếu Môn, Đại Thành Môn sẽ diễn ra hoạt cảnh các tân tiến sĩ dâng hương và từ trong Văn Miếu, 32 chiếc đèn trời ghi tên của một số tiến sĩ được thả lên. Đến chùa Thiên Mụ, các thuyền dừng lại, xem hoạt cảnh bà tiên báo mộng cho chúa Nguyễn Hoàng chọn đất để xây chùa, khoảng 40 nhà sư thắp sáng các hoa đăng làm nổi lên 3 chữ “Thiên Mụ Tự”. Trong âm thanh tiếng mõ, du khách gửi điều nguyện cầu của mình theo những đốm hoa đăng. Khi đoàn thuyền về đến đình Kim Long, các bô lão và thiếu nhi ra chào đón đoàn khách để hồi tưởng về 450 năm Chúa Nguyễn Hoàng làm cuộc Nam tiến mở mang bờ cõi (1558 - 2008). Vào bến Nghinh Lương Đình, các thuyền lần lượt neo vào những khu vực đã định sẵn. Ngồi trên thuyền, du khách bắt đầu thưởng thức tiết mục “Huyền thoại sông Hương” được kể qua các loại hình như hoạt cảnh, tổ khúc, vũ khúc, ngâm thơ…

Khác với những Festival trước, không gian lễ hội năm nay sẽ mở rộng ra trên phạm vi toàn tỉnh để phục vụ nhân dân tại một số huyện miền núi A Lưới, Nam Đông và các huyện Phú Lộc, Hương Thuỷ, Phong Điền, Phú Vang... Ngoài ra, BTC cũng sẽ thiết lập các sân khấu vệ tinh của lễ hội ở các công viên trong thành phố, khu du lịch Thuận An, Lăng Cô, cầu ngói Thanh Toàn, làng cổ Phước Tích, khu tưởng niệm Quang Trung, khu văn hoá Huyền Trân... Tổ chức rộng như thế để người dân ở các vùng sâu, vùng xa của tỉnh đều được thụ hưởng các giá trị văn hóa và cùng tham gia vào lễ hội.

Nguồn: website Huế

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT