Non nước Việt Nam

Nếp xưa nhà cổ ở Mã Mây (Hà Nội)

Cập nhật: 08/08/2018 14:06:35
Số lần đọc: 1152
Mã Mây, khu phố hiếm hoi còn giữ một vài căn nhà cổ, nhưng đã làm nên đặc trưng của đất Hà Thành. Phố ngày càng đông, nét truyền thống đôi khi khuất lấp giữa đời sống hiện đại. Nhưng lắng lại một chút, có thể nhận ra những nét xưa khó lẫn.


Biểu diễn ca trù tại không gian nhà cổ 87 Mã Mây, Hà Nội.

Theo một số tài liệu xưa, phố có tên Mã Mây bởi trước đây, một đầu phố là Hàng Mây, một đầu là Hàng Mã. Sau những thăng trầm, phố cũ ngày nay có nhiều đổi mới, xen giữa những tòa nhà, khách sạn lộng lẫy đèn hoa, vẫn còn những ngôi nhà cổ lặng lẽ trầm mặc lưu dấu cũ. Trong số đó, nổi bật hơn cả là ngôi nhà tọa lạc tại số 87 Mã Mây. Phần lớn ngôi nhà được dựng bằng gỗ lim, đen bóng. Mặt tiền hẹp, nhưng chạy dài vào trong, kiến trúc hai tầng theo lối cổ. Bước qua thềm nhà, khách có cảm giác thời gian như ngưng đọng đã mấy thế kỷ. Bỏ mặc bên ngoài phố xá tấp nập, nhà cao cửa rộng ngất trời. Ở đây, mái ngói rêu phong, những cột kèo, cầu thang, bậc cửa im lặng hằn dấu xưa. Bỏ mặc ngoài kia những ai xuôi ngược, trong này một ông đồ tóc bạc đang gò lưng mài mực, bình thản đọc thơ tặng khách sang nhà chơi. Ngoài kia, dù có dù không, những “chân dài váy ngắn”, trong này vẫn nguyên mấy tà áo dài thướt tha, duyên dáng.

Theo tài liệu của Ban quản lý phố cổ, ngôi nhà được xây dựng vào đầu thế kỷ 19 theo kiến trúc truyền thống Việt Nam, nằm trong dự án bảo tồn nhà cổ thực hiện từ tháng 5 đến tháng 10/1999. Tuy nhiên, công việc tôn tạo được bắt đầu ngay từ năm 1996, khi Hà Nội có quyết định thành lập Ban quản lý phố cổ. Sau khi được cải tạo thí điểm trong khuôn khổ dự án Bảo tồn, tôn tạo phố cổ Hà Nội, nhà thuộc sự quản lý của UBND thành phố và là ngôi nhà mẫu truyền thống trong khu phố cổ Hà Nội, đang được bảo tồn khá tốt.

Có lẽ ý tưởng và cách tu bổ, tôn tạo ngôi nhà cổ số 87 Mã Mây là một phương án thành công của dự án và trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều khách tham quan trong và ngoài nước. Ðến đây, mọi người đều được đón tiếp, giới thiệu như khách quen đã lâu không gặp. Thời gian lùi xa, những chủ nhân một thời của ngôi nhà đã vắng bóng, nhưng qua kiến trúc, cách bài trí đồ đạc, vẫn cho người nay hình dung về đường ăn, nếp ở bao đời.

Toàn bộ kiến trúc cổ ngôi nhà được chia làm ba khu vực. Khu vực ngoài cùng, tầng một là gian trưng bày sách, một số sản phẩm bằng gốm, bàn trà tiếp khách. Trên tầng hai, khu vực trang trọng nhất đặt bàn thờ tổ tiên. Ði qua một khoảnh sân hẹp không làm mái che, được gọi là “giếng trời”, có bể cảnh và hòn non bộ. Khu vực thứ hai này, tầng một, còn trưng bày cả khung dệt, đồ gốm sứ chủ yếu từ làng gốm Bát Tràng, và nhiều nhạc cụ dân tộc. Tầng hai là phòng ngủ và khu vực tiếp khách riêng. Ở phòng này, gia chủ kê sập gụ tủ chè ở chính giữa, trên tường treo bức đại tự, hai bên là hai thanh bảo kiếm. Ðối diện với bức đại tự là bộ tranh tứ bình vẽ tùng cúc trúc mai thanh nhã. Toàn bộ thể hiện sự sung túc và sang trọng của chủ nhân ngôi nhà. Xuống tầng một, ở sâu trong cùng là khu vực bếp có những kiềng, những chạn, mâm đồng... hiện ra ấm áp, yên bình và rất gọn gàng. Sự ngăn nắp của gian bếp cũng đủ cho du khách hình dung về tài nội trợ, nữ công gia chánh của người con gái Hà Thành.

Những ngôi nhà cổ mang nét văn hóa rất đặc trưng và quý giá, ẩn chứa các giá trị cuộc sống và con người nơi đây trong một giai đoạn lịch sử quan trọng, thể hiện sự giao thoa và tiếp biến văn hóa Ðông - Tây. Qua đó, giúp du khách và các thế hệ hôm nay có thể hình dung về cuộc sống, nếp sinh hoạt xưa của cư dân nơi phố cổ Hà Nội./.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT