Non nước Việt Nam

Nghề làm heo đất ở Lái Thiêu

Cập nhật: 07/06/2017 10:12:44
Số lần đọc: 2386
Trải qua gần nửa thế kỷ hình thành trên đất Bình Dương, làng nghề heo đất Lái Thiêu (thị xã Thuận An) là nơi tạo nên những chú heo đất ngộ nghĩnh, nhiều màu sắc. Sản phẩm heo đất Lái Thiêu hiện được tiêu thụ tại các tỉnh Tiền Giang, An Giang, các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ, và còn xuất sang các thị trường Lào, Campuchia, Thái Lan...

 

Giữa vùng đất đang thay đổi từng ngày của quá trình đô thị hóa, các cơ sở sản xuất heo đất ở Lái Thiêu vẫn nhộn nhịp sản xuất để cho ra đời những “lứa” heo mới, thơm nức mùi sơn như minh chứng cho sức sống của nghề này.


Tại cơ sở heo đất của gia đình bà Tăng Thị Tám, người đã có 3 đời và hơn 40 năm làm nghề này, gần chục công nhân đang sơn heo, vẽ họa tiết, trang trí để kịp giao hàng cho thương lái. Theo bà Tám, gia đình làm heo đất từ những năm 70 của thế kỷ trước. Khi đó, nhà bà còn có cả lò nung heo đất, từ làm đất, nặn đất sét, đổ khuôn, cho vào lò cho đến sơn phết, trang trí - đủ tất cả các công đoạn cho ra một chú heo đất. Tuy vậy, với việc hạn chế các lò nung thủ công gây ảnh hưởng đến môi trường, số lò ít dần và thường tập trung tại một số điểm hoặc sử dụng lò nung công nghiệp. Cơ sở của gia đình bà Tám cũng khoảng 30 cơ sở heo đất ở Lái Thiêu lúc này chủ yếu thực hiện các công đoạn từ lúc heo ra lò cho đến khi hoàn thiện.

 

Còn chị Nguyễn Thị Thanh Thùy, con gái bà Tám chia sẻ thêm cảm xúc về thứ sản phẩm đặc biệt này. Từ nhỏ, chị đã ngửi mùi sơn thân thuộc, được ngắm nhìn những chú heo đủ màu sắc do gia đình sản xuất. Khi lớn lên, được người lớn dạy cho cách làm heo đất, cách tô màu, trang trí heo, chị Thùy cùng nhiều người bạn đồng trang lứa trong làng nghề đã gắn với nghề này như một cách mưu sinh.

Do bị cạnh tranh nhiều, làng nghề heo đất giờ còn có thêm gà đất, thỏ đất…, và khách hàng là các em nhỏ cũng có thêm nhiều sự lựa chọn. Chị Thùy cho biết, để có được những chú heo đất sặc sỡ, bắt mắt, thu hút các em, người sản xuất phải khéo léo, tỉ mỉ, chăm chút cho từng chú heo. Ở đây, công đoạn trang trí đòi hỏi phải là người thạo nghề mới vuốt được những đường cong, vẽ cây cỏ, hoa lá sặc sỡ trên thân heo đất. Do công đoạn này được thực hiện bằng tay nên mỗi chú heo đều có những nét mặt, chi tiết khác nhau. Heo đất thô có màu nâu của đất sau khi được sơn phết, trang điểm, làm đẹp nhìn có hồn đã trở nên gần gũi với trẻ em, nhiều chú heo còn đẹp lộng lẫy như nàng công chúa trong chuyện cổ tích…

 

 

Heo đất (lợn đất) là sản phẩm có hình dáng một chú heo và khuôn mặt được nhân cách hóa. Heo đất dùng để tích cóp những đồng xu hoặc tiền lẻ và cũng là một món đồ chơi dành cho trẻ em. Cái cảm giác được người lớn mừng tuổi những đồng tiền lẻ, gấp nhỏ lại đút heo, rồi đập vỡ heo gom tiền mua vài món đồ chơi… luôn đeo đuổi mỗi tâm hồn trẻ thơ, và theo mãi trong cuộc đời mỗi chúng ta.

Nguồn: Báo ảnh Việt Nam

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT