Tái hiện “Con đường tơ lụa trên biển” tại Festival tơ lụa Việt Nam - châu Á
Đây là một trong những hoạt động thường niên của Hiệp hội Tơ lụa Thế giới và Hiệp hội Tơ lụa châu Á tổ chức tại Việt Nam. Đồng thời, lễ hội lần này cũng là một trong chuỗi hoạt động của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI năm 2017. Tám quốc gia châu Á và châu Âu đã xác nhận tham gia Festival tơ lụa gồm: Đức, Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar, Malaysia; riêng Trung Quốc sẽ có hai thành phố tơ lụa 1000 năm tuổi là Hàng Châu và Tô Châu góp mặt. Việt Nam với 10 làng nghề tơ lụa, thổ cẩm lâu đời cùng nghệ nhân nổi tiếng sẽ tham dự sự kiện.
Lễ hội sẽ tái hiện “Con đường tơ lụa trên biển” từ thương cảng Hội An sang Trung Hoa, Nhật Bản, và các nước phương Tây cách đây 300 năm. Con đường tơ lụa này đã cung cấp những loại tơ hảo hạng của Quảng Nam cho nước ngoài, tạo nên sự thịnh vượng của một vùng đất xứ Đàng Trong. Bên cạnh đó sẽ có tọa đàm quốc tế do Hiệp hội Tơ lụa Thế giới tổ chức với chủ đề “Tại sao chúng tôi tồn tại và phát triển trên thị trường tơ lụa hiện đại”. Hội thảo khoa học do Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội hợp tác tổ chức với chủ đề “Phục dựng và nghiên cứu Con đường tơ lụa trên biển”. Festival Văn hóa tơ lụa Việt Nam - châu Á 2017 nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa của nghề lụa tơ tằm ở Việt Nam, đồng thời mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế trên thương trường của ngành sản xuất tơ lụa với những đối tác quan trọng đến từ châu Á, châu Âu. Đồng thời cũng là dịp để giới thiệu, kết nối mô hình dịch vụ “Thành phố may đo thời trang cho cả thế giới thông qua khách du lịch” vốn nổi tiếng của Hội An với các tập đoàn sản xuất tơ tằm lớn trên thế giới.
Tại không gian triển lãm tơ lụa quốc tế sẽ trưng bày, giới thiệu quy trình sản xuất và các sản phẩm lụa nổi tiếng của các quốc gia như: Lụa vùng Mumbai, Cashmere (Ấn Độ). Hiệp hội Tơ lụa Nhật Bản với dòng lụa hiện đại mang nhãn hiệu “Made in Japan”, có giá trị kinh tế cao trên thị trường. Các sản phẩm đến từ các tập đoàn lớn tại thủ phủ lụa Hàng Châu, Tô Châu, Tứ Xuyên, Thâm Quyến của Trung Quốc. Lụa Myanmar có hoa văn rất đặc biệt và luôn dành riêng cho các cô dâu trong ngày cưới; lụa của Thái Lan, Campuchia với các dòng sản phẩm đã thành công tại thị trường châu Âu, châu Mỹ,…
Gian hàng của các làng nghề Việt Nam sẽ giới thiệu các sản phẩm lụa đến từ Mã Châu, Bảo Lộc, Hà Đông, đũi Thái Bình,… Nghệ nhân các làng nghề dệt lụa và làng nghề thổ cẩm của đồng bào Cơ tu Quảng Nam, Hà Giang, Khmer An Giang sẽ trình diễn kỹ thuật truyền thống cho du khách thưởng lãm.
Các nhà thiết kế trẻ đến từ Hà Nội và TP.HCM cũng sẽ trưng bày những trang phục thời trang công sở, dạ hội, ngày thường được thiết kế từ lụa dành riêng cho thị trường Việt Nam. Cùng với đó là chương trình thời trang Đêm Lụa phương Đông của nhà thiết kế Minh Hạnh./.