Huế - Một điểm đến 5 di sản
Chuẩn bị kỹ
Tháng 5/2016, Thừa Thiên Huế sẽ đăng cai tổ chức hội nghị của Đại hội đồng Ủy ban Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) năm 2016. Tại đây, đại biểu của các nước là thành viên của Chương trình Ký ức thế giới sẽ thuyết minh bảo vệ giá trị quý, hiếm vốn có của những di sản của nước mình, đồng thời lựa chọn, phát huy những sưu tập tài liệu tiêu biểu, có giá trị và ý nghĩa lịch sử, phù hợp với các tiêu chí đã đề ra. Với Thừa Thiên Huế, hội nghị này sẽ là một sự kiện đặc biệt, không chỉ là cơ hội quảng bá văn hóa, lịch sử, du lịch của xứ sở mà còn là thời điểm có câu trả lời cho hồ sơ Thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế có là Di sản Ký ức thế giới hay không. Nếu thành công, Cố đô Huế sẽ là địa phương đầu tiên trong cả nước có 5 di sản tầm thế giới, với 4 di sản đã được UNESCO công nhận, gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn và Châu bản triều Nguyễn.
Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế phần lớn là các tác phẩm được tuyển chọn của các vị hoàng đế, thân vương, quan lại dưới triều Nguyễn, giai đoạn 1802- 1945, được chạm khắc, khảm cẩn, tráng men hay đắp nổi trên các công trình kiến trúc cung đình với nhiều loại hình chất liệu khác nhau như gỗ, xà cừ, pháp lam, sành sứ… Theo thống kê, hiện nay trên kiến trúc cung đình Huế còn 2.967 ô thơ văn chạm khắc, sơn thếp trên gỗ; 146 ô thơ văn viết tráng men pháp lam và 88 đơn vị ô hộc, câu đối, bài văn đắp ngõa sành sứ.
Theo GS.TSKH. Lưu Trần Tiêu (Chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc gia), với hệ thống thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế, tính độc đáo, duy nhất, hiếm có không chỉ được thể hiện ở số lượng hàng ngàn tư liệu thơ văn được lưu trữ, mà còn ở tính đa dạng về loại hình kiến trúc trên đó có thơ văn được lưu giữ: thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu, phủ đệ… Không có một di tích lịch sử, văn hóa nào ở Việt Nam lại có hình thức trang trí trên công trình kiến trúc độc đáo như ở Cố đô Huế. Đây là phong cách riêng có của kiến trúc cung đình Huế kéo dài gần 150 năm.
TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, nhấn mạnh: Thơ văn chữ Hán trên hệ thống kiến trúc cung đình Huế là một loại hình di sản có giá trị rất đặc biệt. Đây là một hệ thống di sản nằm trong di sản. Việc lập hồ sơ công nhận Di sản thơ văn chữ Hán trở thành Di sản Ký ức của thế giới có một quy trình cụ thể và chúng tôi đã tham khảo kỹ. Tại hội nghị về phát huy giá trị của di sản ký ức thế giới được tổ chức tại Đà Lạt (Lâm Đồng) vừa qua, chúng tôi đã có dịp tham gia đăng ký và có lời giới thiệu đầu tiên về di sản này như một giá trị hiếm có của Việt Nam. Tại thời điểm này, hồ sơ Di sản Thơ văn chữ Hán trên hệ thống kiến trúc cung đình Huế đã được hoàn tất và nộp lên MOWCAP. Chúng tôi rất hy vọng.
Sớm có chiến lược quảng bá
Thời gian qua, cùng với những bước chuẩn bị hoàn tất cho Hồ sơ đề nghị công nhận Thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế là Di sản Ký ức thế giới, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phối hợp với nhiều cơ quan chức năng để bảo tồn giá trị của di sản. Cụ thể như tổ chức hội thảo bàn về giá trị của di sản, số hóa các hình ảnh, tư liệu...
“Có quá sớm không khi bây giờ chúng ta nói Huế đang hướng đến “Một điểm đến 5 di sản”? Trả lời câu hỏi, TS. Phan Thanh Hải cho rằng: “Không hề sớm. Chúng tôi đã chuẩn bị cho một chương trình phát huy giá trị di sản, trong đó có khẩu hiệu “Một điểm đến 5 di sản”. Tất nhiên, tất cả mới trong quá trình chuẩn bị nhưng chúng tôi rất hy vọng hệ thống thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế sẽ được công nhận là Di sản Ký ức thế giới, bởi đây là một di sản hiếm có. Nếu được vinh danh, cộng đồng sẽ nhận thức sâu sắc hơn về một di sản quý hiếm của dân tộc và chúng tôi càng thuận lợi hơn trong việc phát huy giá trị của nó.
Theo TS. Phan Thanh Hải, dự kiến ngay khi hệ thống thơ văn chữ Hán trên cung đình Huế được UNESCO công nhận là Di sản Ký ức thế giới, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ triển khai nhiều cách để giới thiệu với cộng đồng, như in sách giấy, sách điện tử, đưa vào các trường học, thậm chí cả dựng chương trình nghệ thuật có nội dung lấy cảm hứng và chất liệu từ nguồn thơ văn này. Tuy nhiên, để có thể chủ động quảng bá “Huế, một điểm đến 5 di sản”, ngay từ bây giờ Thừa Thiên Huế cần có chiến lược xây dựng thương hiệu một cách cụ thể. “Chúng ta có lợi thế đặc biệt không nơi nào so sánh được là “di sản trong di sản”, nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch vẫn chưa thực sự nhạy cảm với lợi thế này. Thiết nghĩ, để du lịch Huế thực sự mạnh với “di sản trong di sản” và là điểm đến lý tưởng với “Một điểm đến 5 di sản”, thì cả các nhà quản lý và các doanh nghiệp, đều phải đồng lòng thấy được tầm quan trọng của di sản Cố đô Huế”, TS. Phan Thanh Hải nhấn mạnh./.