Hành trang lữ khách

Khải Tường Lâu – điểm đến mới trong năm 2015

Cập nhật: 23/01/2015 13:59:26
Số lần đọc: 1718
Khải Tường Lâu là công trình lớn và quan trọng nhất trong cung An Định, chính thức mở cửa đón khách tham quan miễn phí hàng ngày từ 20/1/2015 đến hết tháng 3/2015. Từ 1/4, điểm tham quan này bắt đầu có thu vé.


Du khách tham quan và ghi chép tư liệu được triển lãm

Cung An Định là công trình kiến trúc độc đáo của triều Nguyễn. Tòa nhà này được vua Đồng Khánh cho xây dựng và đặt tên là phủ Phụng Hóa với ý nguyện làm quà cho con trai trưởng là hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Đảo (vua Khải Định). Năm 1917, vua Khải Định xây dựng lại phủ Phụng Hóa, đặt lại tên cung An Định và sau này được ban cho hoàng tử Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại). Năm 1945, sau khi làm lễ thoái vị tại Ngọ Môn, cựu hoàng Bảo Đại cùng mẹ là bà Từ Cung, vợ là bà Nam Phương, các con và một số người hầu rời Hoàng Thành đến sinh sống tại cung An Định.

Từ năm 1955, cung An Định bị chính quyền Ngô Đình Diệm tịch thu và trưng dụng làm khu chung cư cho một số gia đình công chức tại địa phương. Sau năm 1975, bà Từ Cung tự nguyện hiến cơ sở này cho chính quyền cách mạng. Trong thời gian dài, cung An Định được sử dụng làm địa điểm văn hóa công cộng, làm nơi kinh doanh các dịch vụ ăn uống và không được trùng tu, bảo dưỡng nên bị xuống cấp nghiêm trọng. Từ năm 2003 trở lại đây, với sự giúp đỡ của Cộng hòa Liên bang Đức, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế đã phục chế nội thất và 6 bức tranh tường quý hiếm ở tiền sảnh Khải Tường Lâu, trả lại phần nào cho vẻ đẹp toàn mỹ của di sản.

Theo kế hoạch của Trung tâm BTDTCĐ Huế, cơ sở hạ tầng của cung An Định sẽ được đầu tư phù hợp để tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trưng bày và triển lãm về đời sống hoàng gia nhà Nguyễn, nhất là gia đình của vị vua cuối cùng của triều đại này. Tương lai, nhà hát Cửu Tư Đài – công trình nằm sát sau lưng Khải Tường Lâu, cũng được phục hồi để trở thành nơi biểu diễn các loại nghệ thuật truyền thống cung đình, hoặc dùng là nơi lễ tân ngoại giao…“Hy vọng đây sẽ là một điểm đến mới, hấp dẫn đối với du khách”, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế kỳ vọng.


Hình ảnh của Hoàng hậu Nam Phương và các con được giới thiệu tại Khải Tường Lâu

Khởi đầu cho việc mở cửa đón khách tham quan trong Khải Tường Lâu, cuối tháng 12/2014, Trung tâm BTDTCĐ Huế tổ chức trưng bày ở không gian này gần hiện vật, tư liệu và hình ảnh về nơi ở của bà Hoàng Thái hậu và gia đình vua Bảo Đại. Là người phối hợp với Trung tâm BTDTCĐ Huế để cung cấp và giới thiệu về những tài liệu trong cuộc trưng bày nói trên, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đắc Xuân rất vui: “Đây là dấu hiệu rất tốt để chúng tôi có thể góp sức nhiều hơn nữa với các cơ quan Nhà nước giới thiệu tư liệu về các nhân vật quan trọng trong hoàng gia nhà Nguyễn. Sắp tới, tôi sẽ bổ sung thêm nhiều tư liệu khác nữa để điểm di tích này trở thành một bảo tàng gia đình Khải Định – Bảo Đại, phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu của du khách”.

Cùng với điểm đến mới Khải Tường Lâu, năm 2015, Trung tâm BTDTCĐ Huế sẽ triển khai mở rộng một loạt hoạt động dịch vụ mới với mục tiêu giới thiệu thêm điểm đến tham quan và tăng thụ hưởng dịch vụ tại khu di sản Huế. Tại cung Trường Sanh, ngoài trưng bày mô phỏng cuộc sống của bà thái hoàng thái hậu kết hợp biểu diễn Nhã nhạc cung đình, sẽ giới thiệu các sản phẩm Tịnh Tâm liên hoa Ngự trà, thảo mộc dưỡng da Cung đình, kết hợp tổ chức biểu diễn thời trang áo dài truyền thống, chụp ảnh lưu niệm. Tổ chức không gian làng nghề truyền thống với các sản phẩm hoa giấy, tranh, nón lá, mây tre đan… có kết hợp hướng dẫn du khách làm ra sản phẩm theo sở thích tại vườn Cơ Hạ. Trên Thượng Thành, sẽ tổ chức không gian triển lãm mới về chủ đề quân sự Việt Nam dưới thời Nguyễn. Tại Thái Bình Lâu, trưng bày tái hiện không gian đọc sách của nhà vua… Đây là những nội dung quan trọng trong đề án “Nâng cao chất lượng phục vụ du khách tại các điểm tham quan thuộc quần thể di tích Huế”./.

Nguồn: Thừa Thiên -Huế

Cùng chuyên mục