Thiên Hương - điểm du lịch cộng đồng trên cao nguyên đá Đồng Văn
Nơi đây còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị, trong đó có 3 di tích được xếp hạng cấp quốc gia là phố cổ Đồng Văn, khu di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà họ Vương (thị trấn Đồng Văn) và cột cờ Lũng Cú (xã Lũng Cú). Đồng Văn cũng là nơi chứa đựng bản sắc văn hóa đa dạng, độc đáo của đồng bào các dân tộc Tày, Mông, Giáy, Lô Lô, Pu Péo…, hình thành nên nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, tiêu biểu là lễ cúng Tổ tiên của dân tộc Lô Lô (xã Lũng Cú) và lễ cúng Thần rừng của người Pu Péo (xã Phố Là) đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Nắm bắt được tiềm năng du lịch và xác định dịch vụ là một trong những thế mạnh để thúc đẩy du lịch phát triển, huyện Đồng Văn đã chủ động xây dựng cơ chế chính sách phát triển dịch vụ du lịch; mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ nhân lực làm công tác du lịch; tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư địa phương về phát triển du lịch và lợi ích từ hoạt động này; quy hoạch xây dựng các cơ sở lưu trú du lịch, trong đó chú trọng xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông thôn mới… Đến nay, trên địa bàn huyện đã có gần 150 thôn, bản được công nhận danh hiệu làng văn hoá du lịch cộng đồng, trong đó có thôn Thiên Hương nằm cách trung tâm thị trấn Đồng Văn khoảng 5km về phía đông bắc.
Thôn là nơi cư trú của trên 40 hộ dân tộc Tày, Mông, Giáy, trong đó dân tộc Tày chiếm đa số với hơn 200 nhân khẩu. Là thôn vùng cao của thị trấn Đồng Văn cộng với đường xá đi lại khó khăn và đặc thù khí hậu khắc nghiệt nên người dân nơi đây sinh sống chủ yếu theo phương thức tự cung tự cấp bằng các nghề trồng trọt (ngô, lúa, rau màu) và chăn nuôi (trâu, bò, lợn, gà, ngựa bạch, chim bồ câu). Tuy nhiên, từ khi được tỉnh Hà Giang đầu tư xây dựng thành làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông thôn mới, Thiên Hương đã trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách trên cao nguyên đá Đồng Văn, góp phần nâng cao đời sống cho người dân trong thôn.
Nhà trình tường truyền thống của dân tộc Mông là nét văn hóa đặc sắc, tiêu biểu ở Thiên Hương. Nhà được dựng trên nền đất bằng phẳng, lưng tựa núi. Tường nhà xây bằng sỏi và đất sét, mái nhà lợp ngói âm dương (ngói máng). Các vì kèo và cửa được làm bằng gỗ. Nhà có 3 gian chính (thêm 1 hoặc 2 chái) và 2 cửa ra vào. Trong 3 gian chính, gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên và tiếp khách, gian bên trái là nơi sinh hoạt của gia đình chủ nhà và bếp nấu ăn, gian bên phải là nơi để khách nghỉ ngơi và đặt bếp sưởi. Xung quanh nhà xếp đá chắc chắn và trồng nhiều cây như đào, mận, lê, tạo nên kiến trúc nhà ở độc đáo chỉ người Mông sống trên cao nguyên đá mới có. Ngoài dịp tham quan kiến trúc nhà ở, du khách đến Thiên Hương còn được dân bản mời uống nước chè, hút thuốc lào và thưởng thức chén rượu ngô men lá truyền thống hay tham gia các sinh hoạt hàng ngày cùng người dân như: dệt vải; trồng rau; chăm sóc gia súc, gia cầm.../.
Thanh Hải