Khai mạc Trại sáng tác điêu khắc Tây Nguyên
Dự Lễ khai mạc có các đồng chí: Trương Văn Tỵ, Vụ trưởng Vụ Dân tộc Tôn giáo; Hoàng Phong, Hàm Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Ban Dân vận Trung ương; Ông Lâm Văn Khang, Phó Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Tuần lễ; Lãnh đạo Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam; Lãnh đạo Sở VHTTDL các tỉnh/thành phố; Nghệ nhân, đồng bào dân tộc 3 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk…
Trại sáng tác điêu khắc tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam do Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam chủ trì, phối hợp với UBND, Sở VHTTDL các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk tổ chức sẽ diễn ra từ nay đến hết ngày 23/11/2013 với sự tham gia của 49 nghệ nhân các dân tộc vùng Tây Nguyên, cùng thể hiện tình yêu, sức sáng tạo trên từng thớ gỗ.
Những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân dân tộc Xơ Đăng, Ba Na, Jrai, Giẻ-Triêng; Brâu; Rơ Măm… sẽ chế tác và hoàn thiện 180 tác phẩm tượng Tây Nguyên trong các lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, đời sống, tín ngưỡng như: Tượng già làng; tượng người phụ nữ giã gạo, dệt vải; người đàn ông đi săn; gia đình lên rẫy; người chơi nhạc cụ; lễ ăn trâu, lễ bỏ mả…
Phát biểu tại Lễ khai mạc, thay mặt lãnh đạo Sở VHTTDL và nghệ nhân các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, bà Bùi Thị Thanh Vân, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Kon Tum khẳng định: Tham dự hoạt động Trại sáng tác điêu khắc Tây Nguyên trong khuôn khổ Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hoá Việt Nam” là sự ghi nhận nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, đồng thời cũng là sự ghi nhận về sự bảo tồn và phát huy nét đẹp của văn hoá truyền thống của các dân tộc nơi đây.
Bà Bùi Thị Thanh Vân cũng mong muốn, qua hoạt động tạc tượng và trưng bày tượng gỗ dân gian của 3 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ góp phần tích cực vào thành công của Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hoá Việt Nam”, đồng thời giới thiệu nghệ thuật điêu khắc gỗ Tây Nguyên tới đông đảo nhân dân và du khách.
Được biết, sau khi kết thúc, toàn bộ tượng được sáng tác tại Trại sáng tác điêu khắc Tây Nguyên sẽ được Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam sử dụng để trưng bày tại Vườn tượng Tây Nguyên (thuộc Khu các làng dân tộc, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam), góp thêm một công trình ý nghĩa, một vườn tượng, thổi hồn và sắc vào quần thể kiến trúc và trở thành một điểm dừng chân thú vị trong Ngôi nhà chung của cộng đồng 54 dân tộc anh em./.