Thung Nai (Hòa Bình)- tìm hướng đi mới cho phát triển du lịch bền vững
Trong những năm gần đây, Thung Nai được biết đến như là một địa điểm du lịch lý tưởng tìm về với thiên nhiên, cùng với đó là những biện pháp nhằm phát triển ngành du lịch - dịch vụ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.
Thung Nai (Cao Phong), cách Thủ đô Hà Nội khoảng 100 km (2 giờ lái xe). Nếu ai đã từng đến Thung Nai hẳn sẽ rất ấn tượng bởi phong cảnh thiên nhiên kỳ thú, nét văn hoá đặc sắc của người Mường nơi đây với những món đặc sản mà chỉ khu vực lòng hồ mới có. Với lợi thế tự nhiên, Thung Nai có tiềm năng phát triển mạnh ngành du lịch với nhiều địa điểm và hoạt động hấp dẫn du khách. Hơn nữa, đây sẽ là một giải pháp giúp người dân nơi đây thoát khỏi cái nghèo.
Đường lên Thung Nai với nhiều dốc và khúc quanh, cua gấp, tuy nhiên nhờ những đầu tư kịp thời của các cấp, ngành, con đường lên Thung Nai đã được mở rộng và nâng cấp từ nhiều năm nay, tạo điều kiện thu hút khách du lịch. Người dân nơi đây quanh năm chỉ có nghề nông, đời sống vẫn còn nhiều khó khăn. Ngành du lịch chỉ mới manh nha hình thành và mang tính tự phát, chưa có tổ chức và hệ thống. Điều kiện kinh tế nghèo nàn chính là bức tường cản trở lớn nhất của ngành du lịch ở Thung Nai.
Nằm trong vùng khó khăn nên tiềm năng du lịch nơi đây vẫn chưa có điều kiện được đầu tư, phát triển đúng mức. Ông Bùi Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Thung Nai cho biết: Dù đã thoát ra khỏi xã 135 nhưng đời sống nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn, số hộ nghèo trong xã chiếm gần 60%, chính quyền về cơ bản chưa giải quyết được lao động tại chỗ nên vẫn còn tình trạng thanh niên đi làm ăn xa. Hiện nay, làm du lịch ở Thung Nai chủ yếu vẫn là tự phát, manh mún, do đó, đóng góp cho nền kinh tế từ ngành "công nghiệp không khói" này mỗi năm không quá 50 triệu đồng. Nói về phương hướng phát triển du lịch trong thời gian tới, ông cho biết thêm: Trong nhiệm kỳ tới, vấn đề phát triển du lịch sẽ được đưa vào Nghị quyết HĐND xã, qua đó tạo tiền đề để ngành du lịch - dịch vụ phát triển bền vững, nhân ra diện rộng.
Hiện nay, du khách đến với Thung Nai hầu hết chỉ để hành hương, lễ bái hoặc những bạn trẻ ham mê du lịch, khám phá thiên nhiên. Du khách đến Thung Nai không có nhiều lựa chọn cho nơi ăn, chốn ở, chỉ có 2 – 3 nhà nghỉ có thể dừng chân. Với những chuyến nghỉ kéo dài như 2 ngày, 1 đêm hoặc hơn sẽ không có nhiều điểm để khám phá. Hơn thế nữa, cho đến nay, nạn “cò” khách vẫn chưa được xử lý nghiêm gây những hình ảnh xấu cho du khách thập phương. Ông Trần Đức Duy (chủ nhà nghỉ Cối xay gió - Thung Nai) cho biết: "gần đây khách đến Thung Nai ngày một nhiều nhưng nhà nghỉ chúng tôi có lúc không thể nhận thêm khách, không chỉ thiếu chỗ ở mà việc làm cơm cũng rất khó khăn, chợ cách đây xa, mỗi lần mua thực phẩm tôi đều phải gọi thuyền chở vào".
Những ai đã từng đến với Thung Nai sẽ đều có chung cảm nhận: Muốn phát triển ngành du lịch - dịch vụ như một ngành thế mạnh của vùng cần có hệ thống chính sách phát triển du lịch phù hợp bao gồm chính sách dài hạn và chính sách cấp bách và thể hiện trong chiến lược, quy hoạch, các chương trình, đề án phát triển du lịch. Chính sách phải đảm bảo khuyến khích, huy động tập trung nguồn lực, khai thác tối ưu tiềm năng, thế mạnh của vùng; bảo tồn và phát huy được những giá trị truyền thống; nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Giải quyết được vấn đề đó, trong tương lai không xa, Thung Nai hứa hẹn sẽ trở thành một trong những địa điểm phát triển du lịch đầy tiềm năng của tỉnh./.