Non nước Việt Nam

Những địa danh du lịch nổi tiếng ở Ninh Bình

Cập nhật: 30/06/2008 09:26:37
Số lần đọc: 3315
Tỉnh Ninh Bình có nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú và nổi tiếng bởi nhiều công trình kiến trúc. Đặc biệt, đây là vùng đất địa linh nhân kiệt vì có Hoa Lư - kinh đô của triều Đinh và Tiền Lê...

Tại Hoa Lư, trên địa phận xã Trường Yên huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình, giữa nền cung điện năm xưa có hai ngôi đền nằm cách nhau nửa cây số: một là đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và một là đền thờ vua Lê Đại Hành. Bao quanh đền Đinh Lê, núi non vẫn sừng sững một màu xanh thăm thẳm.

Ngay từ lúc vừa xuống xe, khách đã được những “hướng dẫn viên nghiệp dư” nhỏ tuổi dẫn đường vào đền. Vừa đi, các em vừa kể vanh vách với du khách những sự kiện gắn với triều đại Đinh - Lê vừa thuyết minh những công trình kiến trúc tại nơi này.

Đền thờ Đinh Tiên Hoàng có diện tích khoảng 5ha được xây dựng vào thế kỷ 17. Lớp ngoài là Ngọ môn quan có 3 gian lợp ngói, lớp thứ hai là Nghi môn với 3 gian dựng bằng gỗ lim. Đi vài chục mét hết con đường chính, qua hai cột trụ lớn, khách sẽ đến sân rồng xưa. Trong tầm mắt du khách có 2 con nghê được làm bằng đá xanh nguyên khối tinh xảo. Qua sân rồng, khách sẽ vào đến bái đường và đến thiêu hương- là nơi thờ tứ trụ triều đình nhà Đinh với những kiểu kiến trúc truyền thống. Vào sâu hơn nữa là chính cung, nơi thờ tượng vua Đinh đúc bằng đồng đặt trên bệ thờ bằng đá nguyên khối, hai bên là hai con rồng bằng đá. Gần đó là nơi thờ 3 con trai của ông. Đền vua Đinh nằm giữa các tán cây đại thụ, các vườn cây ăn quả, cây cảnh đan xen nhau tạo nên vẻ bề thế và tôn nghiêm của ngôi đền.

Gần đó đền vua Lê soi bóng xuống sông Hoàng Long. Trước mặt là núi Đèn, sau lưng là núi Đìa. Tại ngôi đền này khách sẽ được chiêm ngưỡng nhiều hòn non bộ với những hình thù khác nhau. Trước hết là hòn non bộ có hình chim phượng múa cao 3 mét, hai cánh như đang bay, hòn non bộ “hổ phục” với gốc cây duối thân to có 9 múi, tuổi thọ trên 300 năm, bên trái là hòn non bộ có dáng “voi quỳ” có khắc hai chữ Hán “bất di”. Đền thờ vua Lê thờ vua Lê Đại hành, bên phải là tượng bà Dương Vân Nga, bên trái là tượng Lê Long Đĩnh.

Đền thờ Đinh - Lê là những kiến trúc độc đáo trong nghệ thuật chạm khắc gỗ và đá đạt đến trình độ điêu luyện tinh xảo của các nghệ nhân dân gian Việt Nam ở thế kỷ 17-19. Tại đền thờ vua Đinh, du khách có thể chọn mua sách, ảnh gắn với lịch sử và truyền thuyết về hai vị vua này và vùng đất thiêng Ninh Bình.

Cách đền thờ Đinh- Lê khoảng 30 cây số là nhà thờ Phát Diệm thuộc huyện Kim Sơn- đến nay vẫn được coi là một công trình kiến trúc hoàn hảo của Việt Nam. Nhà thờ Phát Diệm được xây dựng vào những năm 1875- 1899 hoàn toàn bằng đá và gỗ lim là một địa chỉ tham quan không thể bỏ qua khi du lịch Ninh Bình.

Vừa xuống xe, du khách sẽ gặp một hồ nước và hàng cây xanh thẳm làm dịu mát lòng người. Mặt tiền của Nhà thờ với kết cấu kiến trúc gồm 3 tầng được xây dựng bằng những phiến đá xanh. Vào khu vực này, du khách được chiêm ngưỡng những bức phù điêu tinh xảo, những hình ảnh hoa sen, hoa đào, hoa cúc, cuốn thư nậm rượu... và những hình ảnh đậm văn hóa truyền thống của dân tộc. Du khách sẽ không khỏi trầm trồ thán phục trước những con người đã góp xây dựng công trình này: Chỉ với sức người, họ đã vận chuyển những khối đá to, nặng rồi lắp ghép chúng lại với độ chính xác tuyệt đối. Đặc biệt trong khuôn viên nhà thờ có một bức phù điêu khổng lồ tạc hình ảnh thiên thần trong vườn hoa Mân côi mang dáng dấp các nhân vật trong tranh dân gian Thất đồng. Sự kết hợp, hòa quyện giữa lối kiến trúc Đông Tây thể hiện rất rõ qua chiếc trống lớn ở tầng hai và quả chuông ở tầng ba, giữa những nét mái cong cổ kính như mái đình, mái chùa và những bức phù điêu trong gian cung thánh. 14 bức phù điêu trong nhà nguyện Thánh Giê su diễn tả những điển tích của Thánh giá được coi là những kiệt tác của nghệ thuật chạm khắc đá Việt Nam. Mỗi bức phù điêu là một mảng khối khỏe khoắn, được bố cục khéo léo theo chủ đề từng cốt truyện.

Nhà thờ đá hay còn gọi là nhà thờ “dâng kính trái tim Đức Mẹ” là khu trung tâm của cụm nhà thờ Phát Diệm hoàn toàn được làm bằng đá. Tuy nhiên, các bức phù điêu hoa lá cỏ cây và các loại thú linh làm những khối đá vừa tránh được vẻ nặng nề vừa toát lên vẻ uyển chuyển, sống động.

Ninh Bình còn rất nhiều điểm tham quan hấp dẫn khác như Tam Cốc- Bích Động, rừng quốc gia Cúc Phương, động Hoa Sơn, núi Non Nước, núi Ngọc Mỹ Nhân... Mỗi địa danh là một cảnh đẹp gắn với lịch sử- địa lý và văn hóa của miền đất cố đô đang chờ du khách khám phá và chiêm ngưỡng.

Nguồn: Báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT