Hoạt động của ngành

Việt Nam và Colombia tăng cường hợp tác xây dựng sản phẩm và xúc tiến du lịch cà phê

Cập nhật: 16/09/2021 16:10:06
Số lần đọc: 999
(TITC) - Ngày 16/9/2021, Đại sứ quán Colombia tại Việt Nam phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức Hội thảo trực tuyến “Du lịch cà phê từ xây dựng sản phẩm đến xúc tiến” với sự đồng chủ trì của ngài Miguel Ángel Rodríguez Melo - Đại sứ Colombia tại Việt Nam, bà Catalina Quintero - Giám đốc Cung cấp Cơ quan Hợp tác Quốc tế của Phủ Tổng thống Colombia và ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam.

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu phát biểu tại hội thảo (Ảnh: TITC)

Về phía Việt Nam còn có sự tham dự của Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), lãnh đạo các Vụ chức năng của Tổng cục Du lịch, lãnh đạo Sở VHTTDL 5 tỉnh Sơn La, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum và Chi hội du lịch của các tỉnh này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, cà phê, các cơ sở đào tạo du lịch của Việt Nam. Hội thảo đã thu hút sự tham gia trực tuyến của khoảng 200 đại biểu.

Đây là một trong những sự kiện được tổ chức nhằm triển khai Bản Ghi nhớ hợp tác du lịch giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Du lịch Colombia. Hai bên đã thống nhất tổ chức chuỗi hội thảo trực tuyến về phát triển du lịch sinh thái và cộng đồng trong năm 2021, qua đó chia sẻ kinh nghiệm quản lý, phát triển, xúc tiến các sản phẩm du lịch được coi là thế mạnh của Việt Nam và Colombia, từ đó giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau về ngành du lịch của hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Đánh giá cao ý nghĩa của buổi hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng trên toàn cầu. Tại Việt Nam, ngành du lịch cũng đã trải qua gần 2 năm đầy thách thức. Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã và đang nỗ lực duy trì trong khoảng thời gian khó khăn này để nâng cao năng lực nội tại, tìm kiếm cơ hội, nguồn lực phục hồi và phát triển ngành du lịch. Dù tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp, hai bên vẫn hết sức nỗ lực để tổ chức 4 buổi hội thảo trực tuyến giữa hai quốc gia trong tháng 9, tháng 10 với sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp du lịch, hiệp hội, tổ chức quốc tế...

Toàn cảnh hội thảo trực tuyến (Ảnh: TITC)

Với chủ đề “Du lịch cà phê từ xây dựng sản phẩm đến xúc tiến”, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu chia sẻ, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch này khi là một trong 10 quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới và thương hiệu cà phê Việt Nam đã được bạn bè quốc tế biết đến nhiều. Mảnh đất Tây Nguyên giàu văn hoá truyền thống, thiên nhiên hùng vĩ là nơi tập trung trồng và chế biến cà phê lớn nhất ở Việt Nam, hiện cũng đã hình thành những tour du lịch cà phê đưa khách tham quan Nông trại cà phê, Bảo tàng cà phê thế giới, Làng cà phê, thưởng thức cà phê, tham quan quy trình sản xuất cà phê chồn - loài cà phê đặc trưng của Việt Nam... Hương vị cà phê độc đáo gắn với văn hóa đặc sắc sẽ làm thăng hoa những chuyến đi và lưu lại những hình ảnh đẹp mãi trong lòng du khách. Những hoạt động du lịch cà phê của Việt Nam còn phát triển, đang khai thác hết lợi thế để trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn nữa với du khách trong nước và quốc tế.

Cà phê đóng vai trò quan trọng trong nền văn hoá và lịch sử của Colombia bởi cà phê là một phần trong mỗi câu chuyện, định hình nên các vùng đất, dân cư và kinh tế-xã hội của đất nước các bạn. Với những hạt cà phê ngon nhất trên thế giới, Colombia trở thành điểm đến du lịch không thể bỏ qua của những người yêu thích loại thức uống phổ biến này đến trải nghiệm văn hoá trồng trọt, chế biến và pha chế cà phê. Năm 2018, Colombia đã đón đoàn công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam sang trao đổi kinh nghiệm và kiến thức liên quan đến quảng bá cảnh quan, văn hóa vùng trồng cà phê.

Phó Tổng cục trưởng hy vọng qua buổi hội thảo, các chuyên gia đến từ Colomia sẽ chia sẻ nhiều thông tin về phát triển du lịch cà phê gắn với du lịch cộng đồng, phương thức xây dựng không gian văn hoá cà phê và hình thức xúc tiến, đồng thời tạo dựng mối quan hệ để có thể xây dựng mạng lưới du lịch cà phê - cộng đồng giữa hai quốc gia.

Tại hội thảo, hai bên đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, thông tin về du lịch cà phê của hai nước như phát triển du lịch cà phê gắn với du lịch cộng đồng, phương thức xây dựng không gian văn hoá cà phê, liên kết giữa các chủ thể trong xây dựng và xúc tiến sản phẩm du lịch cà phê, triển vọng hợp tác phát triển du lịch cà phê giữa hai nước...

(Ảnh: TITC)

Đại diện doanh nghiệp kinh doanh về cà phê Việt Nam, bà Lê Hoàng Diệp Thảo - Nhà sáng lập, Tổng Giám đốc Công ty TNI King Coffee (Việt Nam) nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia được thiên nhiên ưu đãi về “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” khi sở hữu vựa cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Việt Nam là quốc gia dẫn đầu thế giới về sản lượng và chất lượng cà phê Robusta xuất khẩu. Hầu hết các công ty rang xay trên thế giới đều sử dụng hạt cà phê Robusta của Việt Nam, đồng nghĩa với việc, mỗi tách cà phê ngon mà người tiêu dùng thế giới đang thưởng thức đều được tạo bởi những hạt Robusta của Việt Nam. Nhưng không phải ai cũng biết điều đó. Sự phát triển nhanh chóng của cây cà phê cùng với niềm đam mê và gu thưởng thức đặc biệt đã tạo ra một nét riêng độc đáo mang tên “phong cách cà phê Việt Nam”. Việt Nam phát triển du lịch cà phê sẽ giúp khẳng định vị thế và danh tiếng của cà phê Robusta Việt Nam trên thị trường cà phê thế giới, đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của ngành cà phê và ngành nông nghiệp của Việt Nam.

Ông Lê Hoàng Cơ - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Đam San cho biết Công ty đã xây dựng sản phẩm du lịch cà phê từ năm 2005. Với sự định hướng của Tổng cục Du lịch, Sở VHTTDL Đắk Lắk cùng sự kết hợp với cộng đồng dân cư địa phương, công ty đã đón nhiều đoàn doanh nghiệp lữ hành và truyền thông từ các trọng điểm du lịch của cả nước tới khảo sát làm quen với sản phẩm và cùng quảng bá, giới thiệu, cung cấp tour du lịch cà phê tới du khách. Các sản phẩm du lịch cà phê đặc sắc của công ty đã được du khách đón nhận nhiệt tình, tạo trải nghiệm mới mẻ cho khách; mặt khác hỗ trợ phát triển cộng đồng, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, góp phần xoá đói giảm nghèo, phát triển nông thôn.

Kết luận hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đánh giá, cà phê là sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu cao của Việt Nam. Nhờ vị trí xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới và văn hoá cà phê đặc trưng, Việt Nam được biết đến ngày càng rộng rãi trên thế giới. Sự kết hợp giữa du lịch và cà phê sẽ nâng vị thế của cả hai ngành, mở ra cơ hội phát triển du lịch nông nghiệp tại Việt Nam, tạo ra sản phẩm du lịch mới cho du khách trải nghiệm.

Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cà phê nhiều thứ 2 thế giới sau Brazil, với tổng sản lượng xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 1,6 -1,8 triệu tấn, kim ngạch khoảng 2,6 - 2,8 tỷ USD. Du lịch cà phê là một trong những xu hướng mới nổi của du lịch Việt Nam.

Cà phê Việt Nam chủ yếu được trồng tại các tỉnh ở Tây Nguyên, đây là nơi có khí hậu tương đối mát mẻ, có tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú và những nét đặc trưng văn hóa rất riêng. Tây Nguyên là nơi tập trung sinh sống của 47 dân tộc, với những giá trị văn hóa của người vùng cao, mang tính đặc sắc từ kiến trúc, nét sinh hoạt, phong tục, tập quán và các lễ hội. Chính vì thế, khai thác thế mạnh của cà phê trong du lịch cũng chính là khai thác những nét đẹp văn hóa vô cùng đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên.

 Trung tâm Thông tin du lịch

Cùng chuyên mục