Hành trang lữ khách

Về Pù Luông ngắm mùa vàng

Cập nhật: 23/09/2020 08:08:48
Số lần đọc: 778
Pù Luông bước vào thời điểm giao mùa. Hơi lạnh chớm nhẹ trong lớp sương sớm mai, đọng trên những vạt lúa đã ngả màu vàng. Lúa đương lúc chờ tay người gặt, còn du khách sẽ bước vào hành trình khám phá mới: trải nghiệm mùa vàng Pù Luông.


 

Con đường chìm dưới lớp sương sớm đang nặng nề di chuyển, như muốn đuổi kịp ánh bình minh. Xe chúng tôi rẽ sương chạy chậm và có cảm giác như đang bơi trong lớp sương dày đặc. Đi qua những vạt rừng đã trở mình theo cánh chim thức giấc và những nếp nhà thi thoảng ẩn hiện trong màn sương. Cảm giác như thời gian đang di chuyển theo tiếng chim đập cánh thảng thốt giữa không trung và khói bếp chập chờn rồi hòa lẫn vào sương sớm. Khi mặt trời nhú lên từ dãy núi đằng xa và những tia sáng đầu tiên, tinh khôi và trong trẻo, xuyên qua màn sương, qua tán rừng, rồi soi xuống con đường, khi ấy mặt đất như mới bắt đầu cựa quậy. Đất ấm dần lên, côn trùng ăn đêm đã tìm về tổ để nhượng lại “sân khấu” sự sống cho con người. Sự khoáng đạt của bầu trời buổi bình minh và không khí dễ chịu cứ thế len lỏi vào tận sâu trong lồng ngực. Hành trình khám phá Pù Luông mùa lúa tháng Mười bắt đầu với những điều thú vị nhỏ nhỏ nhưng rất đáng để cảm thán như vậy.

Nhớ lại cách đây chừng dăm, bảy năm, chúng tôi đã từng đi qua con đường này. Ngày ấy, đường dẫn vào bản Kho Mường (xã Thành Sơn, huyện Bá Thước) bám lơ đễnh vào sườn núi như chẳng hề quan tâm đến cảm giác của kẻ lữ hành. Sau nhiều năm làm du lịch, Kho Mường giờ đã là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn. Và rồi cái sự xa xôi, cách trở của nó như cũng được kéo gần lại nhờ con đường được sửa sang, nâng cấp để trở nên thuận tiện hơn. Kho Mường bao đời nay vẫn vậy, nằm lọt thỏm giữa thung lũng tứ bề là núi. Từ trên cao nhìn xuống, mấy chục nóc nhà sàn trông càng nhỏ bé. Con suối nhỏ hiền hòa chảy dọc qua bản, càng điểm tô duyên dáng cho bức tranh thiên nhiên sơn thủy hữu tình. Trên những thửa ruộng bậc thang, mùi thơm nếp nương đã phảng phất đưa hương. Cái màu vàng no ấm ấy rồi sẽ nặng trĩu trên tay người và những bó lúa ngai ngái mùi bùn đất sẽ ánh lên nụ cười ngày mùa.

Kho Mường đẹp ở vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, trong lành. Nơi đây được thiên nhiên ưu ái cho khung cảnh thiên nhiên hài hòa, đất đai màu mỡ, cây cối xanh tốt bốn mùa. Kho Mường hấp dẫn và níu chân du khách bởi nơi đây còn bảo tồn được khá nguyên vẹn nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Thái. Đó là các trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống như ném còn, cà kheo, đánh cù, bắn nỏ, đẩy gậy, diễn xướng cồng chiêng, khặp Thái... Du khách đến Kho Mường vừa có thể khám phá vẻ đẹp cảnh sắc thiên nhiên; vừa trải nghiệm đời sống cộng đồng người Thái và nhất là thưởng thức ẩm thực độc đáo của cư dân bản địa. Hơn hết, khi đến đây vào mùa lúa chín, du khách còn được trải nghiệm “quy trình” gặt mùa thủ công thô sơ của đồng bào.

Khám phá Pù Luông mùa lúa chín đã trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn của Bá Thước và nhận được sự phản hồi tích cực từ phía du khách. Khách đến với huyện vùng cao thời điểm này có rất nhiều sự lựa chọn để trải nghiệm sản phẩm, như Kho Mường, bản Đôn, bản Hiêu, bản Nủa... Đây đều là những bản Thái có khung cảnh thiên nhiên đẹp và những thửa ruộng bậc thang “chảy tràn” từ đỉnh núi xuống tận chân suối. Dừng chân ở bất cứ đâu, du khách cũng có thể lưu lại những khoảnh khắc đẹp. Dù là bình minh hay khi hoàng hôn, cảnh sắc ngây ngất lòng người của Pù Luông sẽ khiến du khách cảm thấy rất “bõ công”, khi đã vượt vài chục, thậm chí hàng vài trăm cây số để về với núi rừng.

Không chỉ thích thú với bức tranh mùa vàng, Pù Luông còn hấp dẫn du khách với thiên nhiên hoang sơ, kỳ bí. Đặc biệt, nơi đây có những đỉnh núi cao như đỉnh Pù Luông cao 1.700 m so với mặt nước biển; có khí hậu ôn hòa và hệ thống các dòng suối, thác nước, hồ nước chảy từ đỉnh núi xuống vừa điều hòa khí hậu, vừa tạo nên nhiều cảnh sắc nên thơ. Điển hình như thác Hiêu (xã Cổ Lũng), suối Hua Mường (bản Kho Mường, xã Thành Sơn), suối Chàm (xã Lũng Cao), thác Muốn (xã Điền Quang), hồ Duồng Cốc (xã Điền Hạ)... Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để huyện Bá Thước phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái (núi) và sinh thái cộng đồng.

Ông Lê Văn Sự, phó trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bá Thước, cho biết: Nhằm thu hút du khách, những năm qua, địa phương đã tập trung xây dựng 2 khu du lịch trọng điểm là thác Hiêu (xã Cổ Lũng) và thác Muốn (xã Điền Quang); 2 bản du lịch cộng đồng là bản Kho Mường (xã Thành Sơn) và bản Đôn (xã Thành Lâm). Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp xây dựng Khu nghỉ dưỡng Pù Luông Village (xã Thành Sơn), tạo điểm nhấn thu hút du khách. Theo đó, trên địa bàn hiện có khoảng 300 phòng nghỉ (homestay) đủ tiêu chuẩn đón khách du lịch. Ngoài ra, địa phương cũng đã xây dựng, công bố và đưa vào khai thác tour du lịch trải nghiệm Pù Luông mùa lúa chín; tuyến du lịch kết nối các bản Kho Mường (xã Thành Sơn) - bản Đôn (xã Thành Lâm) – bản Hiêu (xã Cổ Lũng). Đồng thời, kết nối với các tuyến du lịch nội tỉnh và ngoại tỉnh như tuyến TP Thanh Hóa - Vĩnh Lộc - Cẩm Thủy - Bá Thước (theo Quốc lộ 217); tuyến Hà Nội - Hòa Bình - Thanh Hóa (Pù Luông Bá Thước) - Sơn La (theo Quốc lộ 6)... Qua đó, giúp du khách có nhiều sự lựa chọn khi về Pù Luông trải nghiệm mùa vàng.

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục