Hoạt động của ngành

Văn Yên (Yên Bái) phát triển thế mạnh du lịch

Cập nhật: 28/04/2020 09:21:42
Số lần đọc: 988
Trên địa bàn huyện hiện có 24 di tích, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia là đền Đông Cuông và đền Nhược Sơn. Năm 2016 và 2019, UBND huyện đã lập hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận 2 di tích là đình làng Than, xã Phong Dụ Thượng và di tích đình Quyết Tiến, xã Hoàng Thắng.


Các sản phẩm thổ cẩm thu hút du khách nước ngoài tại Lễ hội Quế Văn Yên năm 2019.

Với mục tiêu khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương, từng bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, những năm qua, huyện Văn Yên chú trọng quảng bá, xúc tiến du lịch; quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch.

Từ năm 2016, huyện đã xây dựng đề án phát triển du lịch. Theo đó, cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm tuyên truyền, vận động mời gọi đầu tư tôn tạo, nâng cấp các di tích; đẩy mạnh các hoạt động phát triển du lịch. Trong 4 năm qua, huyện thu hút nguồn lực lớn, trên 122 tỷ 637 triệu đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các di tích trên địa bàn.

Trong đó, nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư trên 76,3 tỷ đồng; nguồn xã hội hóa với sự tham gia của nhiều gia đình, dòng họ, các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội trong nước và kiều bào nước ngoài trên 46 tỷ đồng. Đặc biệt, nguồn vốn từ thành phần kinh tế tư nhân đầu tư vào lĩnh vực nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, dịch vụ trên địa bàn huyện xấp xỉ 155 tỷ đồng. 

Công tác quản lý, tổ chức lễ hội được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc. 

Huyện đã chủ động phối hợp với Công ty cổ phần Truyền thông hội chợ quốc tế HZC, các sở, ban, ngành của tỉnh, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tổ chức thành công Lễ hội Quế huyện Văn Yên lần thứ II năm 2016 và lần thứ III năm 2019; Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn và Hội chợ triển lãm các sản phẩm quế năm 2017 tại đền Đông Cuông. Từ năm 2016 đến 2019, Hội chợ thương mại và triển lãm các sản phẩm quế được huyện phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương tổ chức thường niên tại trung tâm huyện. 

Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch, huyện đã tổ chức 3 đợt cho cán bộ và một số hộ dân đi tham quan học tập, tập huấn về phát triển làng nghề tại một số làng nghề trong và ngoài tỉnh. Năm 2019, cử 30 quản lý và nhân viên các nhà nghỉ cộng đồng trên các địa bàn huyện tham gia tập huấn kỹ năng nấu các món ăn do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Huyện cũng đã có 1 nhân sự tham gia vào Ban Chấp hành Hiệp hội Du lịch tỉnh. 

Được biết, hiện nay, trên địa bàn huyện có 24 di tích, trong đó có 22 di tích cấp tỉnh và 2 di tích cấp quốc gia là đền Đông Cuông và đền Nhược Sơn. Năm 2016 và 2019, UBND huyện đã lập hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận 2 di tích là đình làng Than, xã Phong Dụ Thượng và di tích đình Quyết Tiến, xã Hoàng Thắng. 

Quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển các làng nghề tại 5 xã gồm: Phong Dụ Thượng, Nà Hẩu, Tân Hợp, Quang Minh và Đông Cuông. Xây dựng quy hoạch tổng thể 6 khu di tích gồm: đền Đông Cuông, xã Đông Cuông quy mô 30 ha; đền Trạng, xã Yên Thái 1,48 ha; đình Yên Dũng, xã Yên Hợp 2,92 ha; đền Thánh Mẫu, xã Mậu Đông 0,41 ha; đền Gò Chùa, xã An Thịnh 0,69 ha và đình Mường A, xã Ngòi A 0,33 ha. 

Việc quan tâm đầu tư tôn tạo các di tích, chú trọng quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch trên địa bàn huyện đã thu hút một lượng khách du lịch tương đối lớn đến với địa phương. Tính riêng 4 năm qua, có trên 2,2 triệu lượt khách du lịch đến với địa phương. 

Đối mặt với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan cao, huyện chỉ đạo thực hiện nghiêm tinh thần của Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh là dừng tất cả lễ hội, đặt nhiệm vụ đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng và mỗi người dân trước bệnh dịch lên trên hết; tập trung cao độ cùng cả nước để phòng, chống, kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh Covid-19. 

Để đảm bảo hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, từng bước khôi phục hoạt động lĩnh vực du lịch sau dịch, huyện định hướng tập trung quan tâm phát triển 3 lĩnh vực du lịch trọng điểm; hình thành các khu du lịch, xây dựng lộ trình tuyến, tour du lịch; phát triển hệ thống cây xanh, hoa tại các khu di tích, khu du lịch làm đẹp cảnh quan môi trường. 

Khuyến khích phát triển các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm; chú trọng đào tạo kỹ năng mềm cho đội ngũ những người làm du lịch; đặc biệt, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch của địa phương.

Nguồn: Báo Yên Bái

Cùng chuyên mục