Nhìn ra thế giới

UNWTO ghi nhận nỗ lực phục hồi ngành Du lịch

Cập nhật: 25/06/2020 08:10:12
Số lần đọc: 653
Ngày 19/6/2020, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) phát hành bản Báo cáo tóm tắt đánh giá về những nỗ lực của 220 quốc gia và vùng lãnh thổ về những nỗ lực phục hồi ngành Du lịch trước thách thức của đại dịch COVID-19 (Briefing Note on Tourism and COVID-19). Theo UNWTO, nhiều quốc gia đã có phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ nhằm giảm thiểu tác động của COVID-19 và đặt nền móng cho sự phục hồi ngành Du lịch – một trong những trụ cột tăng trưởng kinh tế.

Theo Báo cáo của UNWTO, trong số 220 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá tính đến ngày 22/5, có 167 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo đã thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng từ dịch bệnh. Trong số này, 144 quốc gia và vùng lãnh thổ đã áp dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ. Trong khi 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đã thực hiện các biện pháp cụ thể để hỗ trợ việc làm và đào tạo lao động du lịch. UNWTO cho biết, các điểm đến ở châu Âu dẫn đầu trong việc đưa ra các chính sách để khởi động lại ngành Du lịch. 33% các điểm đến trong khu vực châu Âu đã đưa ra các chính sách dành riêng cho du lịch. Ở châu Á và Thái Bình Dương, 25% điểm đến đã áp dụng các chính sách khởi động lại du lịch, trong khi ở châu Mỹ, tỷ lệ này là 14% và ở châu Phi là 4%.

Hình thức phổ biến nhất của các gói kích thích kinh tế được các chính phủ áp dụng tập trung vào các ưu đãi tài chính, bao gồm miễn thuế hoặc hoãn thuế (VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, v.v.), cũng như hỗ trợ tài chính và cứu trợ cho các doanh nghiệp thông qua các biện pháp như nâng hạn mức tín dụng với lãi suất giảm, các chương trình cho vay mới và bảo lãnh ngân hàng nhằm giải quyết tình trạng thiếu thanh khoản. Ngoài ra là các cơ chế linh hoạt như miễn hoặc giảm các khoản đóng góp an sinh xã hội, trợ cấp lương hoặc các cơ chế hỗ trợ đặc biệt khác. Báo cáo còn xem xét kỹ các biện pháp ​​để bảo vệ việc làm và thúc đẩy đào tạo, sáng kiến ​​khai thác thị trường và tăng cường quan hệ đối tác công - tư cũng nhằm khởi động lại ngành Du lịch sau đại dịch COVID-19.

Ưu đãi và hỗ trợ về tài chính

Tại Na Uy, thuế VAT đối với vận tải hành khách, cơ sở lưu trú, sự kiện văn hóa và các điểm tham quan đã giảm từ 12% xuống 8% cho đến ngày 31/10/2020. Đức cũng đã giảm thuế suất VAT để hỗ trợ ngành du lịch và khách sạn. Tương tự, Cộng hòa Moldova tuyên bố giảm thuế VAT từ 20% xuống 15% cho các khách sạn và nhà hàng. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, thuế VAT trên các chuyến bay của hãng hàng không đã được giảm xuống 1% từ 18% trong thời gian 3 tháng. Ai Cập đã hoãn thanh toán tất cả các khoản phí cho các cơ sở du lịch và khách sạn cho đến khi du lịch trở lại an toàn cung cấp các quỹ lãi suất thấp để thanh toán tiền lương cho nhân viên với thời gian hoàn trả tối đa 2 năm.

Tại Colombia, vé máy bay sẽ bị đánh thuế ở mức thấp hơn 5%, Mauritius cũng tạm thời đình chỉ phí hành khách trên vé máy bay và Úc miễn thuế đối với một số loại phí hàng không. Síp đã phê duyệt quỹ để hỗ trợ và thúc đẩy nhu cầu du lịch từ tháng 10/2020 đến tháng 3/2021. Fiji đã phê duyệt Gói ưu đãi đầu tư khách sạn mới. Georgia thông báo các ngân hàng sẽ cơ cấu lại các khoản nợ cho các công ty hoạt động trong ngành Du lịch. Tại Liên bang Nga, các công ty du lịch và các hãng hàng không sẽ được hoãn các khoản thanh toán thuế. Litva đã phê duyệt một mô hình quỹ bảo lãnh du lịch để bù đắp cho những tổn thất mà khách du lịch phải gánh chịu. Tại Ba Lan, các công ty lữ hành sẽ được hoàn trả các khoản đóng góp cho Quỹ bảo lãnh du lịch cho các gói bị hủy do dịch bệnh…

Bảo vệ việc làm và tăng cường đào tạo

Tại Bulgaria, chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp bằng cách chi trả các khoản thanh toán bảo hiểm. Ở Hy Lạp, những người lao động tạm thời bị đình chỉ sẽ nhận được một khoản bồi thường và nhà nước sẽ chi trả bảo hiểm xã hội. Người lao động làm việc bán thời gian tại Argentina, Kuwait, Morocco, Mông Cổ, New Caledonia, Samoa và Hungary sẽ nhận hơn 70% tiền lương bị mất trong 3 tháng. Campuchia cung cấp các chương trình đào tạo nâng cao trình độ cho người lao động bị sa thải và trả 20% mức lương tối thiểu cho người lao động. Namibia đã công bố cung cấp một khoản trợ cấp lương nhằm duy trì việc làm trong ngành du lịch. Lebanon cho phép các tổ chức kinh tế vay tiền mà không cần lãi trong 5 năm để giúp họ trả lương. Tại Israel, Bộ Du lịch đã điều hành một chương trình đào tạo toàn diện về các khóa học kỹ năng trong ngành Du lịch. Tại Chile, cơ quan quản lý Du lịch đang điều chỉnh chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp trong quản lý kinh doanh du lịch.

Thúc đẩy quảng bá và đối tác công - tư

Các chiến dịch quảng bá và tiếp thị, phát triển các sản phẩm mới để thu hút khách du lịch quốc tế và nội địa đang được tiến hành ở Bosnia & Herzegovina, Georgia, Hungary, Iceland, Israel, Malaysia, Mexico, Thái Lan và Việt Nam. New Zealand đã phê duyệt gói hỗ trợ, một phần trong số đó sẽ được phân bổ để quảng bá du lịch nội địa và chuẩn bị các chiến dịch quảng bá tại các thị trường nước ngoài. Kenya dành một quỹ đặc biệt được sử dụng để khôi phục niềm tin của du khách và thực hiện chiến lược phục hồi sau corona virus đối với tất cả các thị trường nguồn chính. Bahrain đang xây dựng liên minh hợp tác tiếp thị và quảng bá chung với các đối tác du lịch khác. Ai Cập đã phê duyệt một sáng kiến ​​mới thúc đẩy du lịch đến Ai Cập trong những tháng mùa hè bằng cách giảm lệ phí thị thực và phí tham quan cho các địa điểm khảo cổ ở Qena, Luxor và Aswan.

Algeria đã thành lập một đơn vị giám sát có sự tham gia của các nhà điều hành và chuyên gia, các liên đoàn lao động và công nhân. Bangladesh đã thành lập một Ủy ban quản lý khủng hoảng của ngành Du lịch để giải quyết tình huống khó khăn do sự bùng phát của COVID-19. Malaysia thành lập Hội đồng hành động phục hồi du lịch (TRAC) và Singapore đã thành lập Lực lượng đặc nhiệm phục hồi du lịch bao gồm đại diện của các bộ và cơ quan chính phủ có liên quan cũng như các hiệp hội khu vực tư nhân. Tại Đức, Trung tâm về Du lịch của Chính phủ Liên bang đã thiết lập trang web để tổng hợp các tin tức, sự kiện và khuyến nghị mới nhất cho tất cả các bên liên quan du lịch. Bộ Du lịch Hy Lạp đã kích hoạt Ủy ban Quản lý Khủng hoảng để kịp thời đối phó và giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh COVID-19 và khôi phục sự tự tin…

Sáng kiến khởi động lại du lịch an toàn

Bộ Du lịch Tây Ban Nha phối hợp với Viện chất lượng Du lịch Tây Ban Nha (ICTE) tạo ra một hệ thống chứng nhận du lịch an toàn. Bồ Đào Nha đã tạo ra Nhãn 'Sạch và An toàn' để cung cấp các biện pháp vệ sinh và làm sạch cần thiết, đồng thời quảng bá đất nước là điểm đến an toàn nhằm củng cố niềm tin của du khách. Các sáng kiến ​​tương tự và các giao thức về sức khỏe, vệ sinh đã được phát triển ở Costa Rica và Ecuador. Tại Ba Lan, Bộ Du lịch đã phát triển hướng dẫn hỏi đáp cho khách du lịch và nhà điều hành tour du lịch. Tại Albania, Bộ Du lịch và Môi trường phối hợp với Bộ Y tế và Bảo vệ Xã hội đã soạn thảo 'Nghị định thư về các biện pháp chống COVID 19 trong mùa du lịch 2020 nhằm hướng dẫn và điều chỉnh các điều kiện để bảo vệ sức khỏe của nhân viên và du khách. Estonia đã bắt đầu thử nghiệm hộ chiếu miễn dịch kỹ thuật số cho phép mọi người chia sẻ trạng thái miễn dịch của họ với bên thứ ba bằng cách sử dụng mã QR tạm thời…

 “Sự quyết tâm của các chính phủ trong hỗ trợ và khởi động lại ngành Du lịch là minh chứng cho tầm quan trọng của du lịch đối với phát triển kinh tế. Ở nhiều nước, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, du lịch là một công cụ hỗ trợ chính cho sinh kế và tăng trưởng kinh tế. Vì vậy chúng ta phải khởi động lại du lịch một cách kịp thời và có trách nhiệm”, Tổng Thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili.

Lê Hải

Nguồn: Báo Du lịch

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT