Hoạt động của ngành

Trà Vinh giữ gìn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ

Cập nhật: 03/06/2021 09:55:54
Số lần đọc: 746
Năm 2013, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo được sáng tạo dựa trên dòng nhạc lễ, nhã nhạc cung đình và những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng của làn điệu dân ca, là loại hình nghệ thuật đặc sắc của vùng miệt vườn sông nước Nam Bộ, là sự kết hợp tinh tế - hòa quyện giữa tiếng đàn, lời ca và điệu diễn, mang nét đặc trưng của người dân vùng đất phương Nam.

Liên hoan ĐCTT tỉnh Trà Vinh năm 2018.

Nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ không ngừng được sáng tạo nhờ tính “ngẫu hứng”, “biến hóa lòng bản” theo cảm xúc, trên cơ sở của 20 bài gốc (bài Tổ), gồm 6 bài Bắc (diễn tả sự vui tươi, phóng khoáng), 7 bài Hạ (dùng trong tế lễ, có tính trang nghiêm), 3 bài Nam (diễn tả sự an nhàn, thanh thoát) và 4 bài Oán (diễn tả cảnh đau buồn, chia ly). Khi ông Cao Văn Lầu sáng tác bài Dạ cổ hoài lang (vọng cổ) thì đây là một trong những bài hát nổi tiếng và phổ biến nhất của ĐCTT, được cộng đồng tiếp nhận, phát triển từ nhịp 2, nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16 và nhịp 32… Ban nhạc ĐCTT gồm có các loại đàn: đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (có thể thêm hoặc thay đổi các loại nhạc cụ khác như guita phím lõm hay violon…).

Trải qua bao thăng trầm, ĐCTT vẫn tồn tại và gắn bó mật thiết trong đời sống của người dân Nam Bộ nói chung và Trà Vinh nói riêng. Có thể nói, trong 21 tỉnh, thành phố phía Nam, Trà Vinh là tỉnh có phong trào ĐCTT phát triển khá tốt. Tiêu biểu như Nghệ nhân 8 Dấu (huyện Càng Long), Nghệ nhân Tấn Thành (thành phố Trà Vinh), Nghệ nhân Ngọc Hào (huyện Châu Thành) đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể loại hình ĐCTT. Nói về Nghệ nhân ưu tú 8 Dấu, ông thông thạo 20 bài bản Tổ và một số bài bản phụ trong ĐCTT, có giọng hát giòn, vang. Dù đã gần 80 tuổi nhưng niềm đam mê trong ông vẫn đong đầy, các cuộc giao lưu ĐCTT của địa phương đều có phần biểu diễn của Nghệ nhân ưu tú 8 Dấu. Hay nói về Nghệ nhân ưu tú Ngọc Hào, ông là người thông thạo các nhạc cụ: đàn kìm, đàn bầu, đàn sến, đàn guita phím lõm, đặc biệt giọng ca của ông rất truyền cảm và diễn xuất tốt. Ông là “con chim đầu đàn” dẫn dắt phong trào ĐCTT của xã Long Hòa, huyện Châu Thành hoạt động hiệu quả. Còn nhắc đến Nghệ nhân ưu tú Tấn Thành là nhắc đến người có ngón đàn điêu luyện, tinh tế, bên cạnh thông thạo các loại nhạc cụ: đàn cò, đàn kìm, đàn guita phím lõm, đàn violon, đàn tranh, đàn gáo thì ông là người thầy “truyền lửa” cho những ai yêu thích ĐCTT. Ông sẵn sàng và nhiệt tình hướng dẫn truyền dạy cho học trò nhằm đào tạo “nguồn” cho thế hệ trẻ tiếp nối bảo tồn ĐCTT. Những nghệ nhân ưu tú trên quê hương Trà Vinh đều có những đóng góp tích cực cho phong trào Đờn ca tài tử tỉnh nhà trong các chương trình giao lưu ĐCTT, tham gia các hội thi, hội diễn, festival Đờn ca tài tử. Bên cạnh đó, gia đình ông Nguyễn Văn Ai (xã Phước Hảo, huyện Châu Thành) cũng được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Đây là gia đình “cha truyền con nối”, tích cực đi đầu tham gia các phong trào ĐCTT ở địa phương.

Nghệ nhân ưu tú 8 Dấu biểu diễn 21 câu trong bài Ngũ đối hạ.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, các huyện, thị xã, thành phố đều có câu lạc bộ (CLB) ĐCTT. Toàn tỉnh có khoảng 95 CLB ĐCTT sinh hoạt ở các xã, phường, thị trấn và hơn 1000 tài tử đờn, tài tử ca chuyên và không chuyên. Huyện Châu Thành được coi là huyện có phong trào nổi bật khi thường xuyên tổ chức chương trình giao lưu ĐCTT ở các xã. Hàng năm, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện đều tổ chức Đêm giao lưu ĐCTT Mừng Đảng - Mừng Xuân và quy tụ các tài tử đờn ca trên địa bàn huyện nhà và cả huyện bạn về tham gia.

Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Trà Vinh thường xuyên phối hợp với các huyện Tiểu Cần, Càng Long… tổ chức chương trình Giao lưu ĐCTT nhằm tạo sức lan tỏa mạnh mẽ của ĐCTT đến với người dân và tạo nhịp cầu nối liền, tạo sự gắn bó cho những người yêu thích ĐCTT có dịp giao lưu, gặp gỡ. Ngoài ra để giữ gìn và quảng bá nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ trên quê hương, Đài Truyền hình Trà Vinh đã biên tập và phát sóng chương trình “Tài tử đất phương Nam” trên sóng Đài Truyền hình Trà Vinh và kênh Youtube với nội dung phong phú, phần biểu diễn tự tin, ngọt ngào của các nghệ nhân đã nhận được sự quan tâm theo dõi của người xem.

Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh đều tổ chức Liên hoan ĐCTT nhằm tạo sân chơi bổ ích cho các tài tử đờn, tài tử ca giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, “giữ lửa” cho phong trào tỉnh nhà ngày càng phát triển mạnh mẽ. Liên hoan như là ngày hội, là một vườn hoa đầy màu sắc để những nghệ nhân có niềm đam mê, tài năng trong lĩnh vực ĐCTT được thể hiện tài đờn, tài ca của mình. Đồng thời tham gia Festival ĐCTT tại tỉnh Bạc Liêu với chủ đề “Tình người tình đất phương Nam”, Festival ĐCTT tại Bình Dương với chủ đề “Đờn ca tài tử Nam Bộ - Báu vật đất phương Nam” đều đạt thành tích cao. Bên cạnh đó, các lớp Tập huấn ĐCTT cơ bản thường xuyên được tổ chức để giúp tài tử đờn, ca hiểu rõ và nắm vững về các bài bản tài tử, tạo điều kiện bồi dưỡng, phát triển, đào tạo nguồn nhân lực cho phong trào ĐCTT tỉnh nhà. Thông qua các hoạt động trên đã từng bước làm cho nghệ thuật ĐCTT thấm sâu vào nét sinh hoạt hàng ngày của người dân Trà Vinh.

Tuy nhiên hiện nay vấn đề giữ gìn và phát huy nghệ thuật ĐCTT vẫn gặp khó khăn. Còn ít thanh niên biết đến đờn ca tài tử, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm cho các CLB không thường xuyên sinh hoạt định kỳ, festival ĐCTT dự kiến tổ chức tại Cần Thơ năm 2020 và 2021 đều tạm hoãn lại, các nghệ nhân tỉnh Trà Vinh phải tạm gác lại cơ hội được thể hiện tài năng, gặp gỡ giao lưu cùng các nghệ nhân tỉnh bạn. Tuy nhiên, để nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ được giữ gìn và phát huy, tỉnh Trà Vinh luôn quan tâm và đề ra các giải pháp hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng của hoạt động nghệ thuật ĐCTT ở từng địa phương, tổ chức Liên hoan ĐCTT hàng năm nhằm thu hút các nghệ nhân về tham gia, chú trọng bảo tồn những bài bản cổ và khuyến khích sáng tác lời mới về vùng đất Trà Vinh, tổ chức các cuộc giao lưu ĐCTT, đẩy mạnh xây dựng và phát huy các CLB ĐCTT hoạt động hiệu quả để trở thành điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích bộ môn nghệ thuật này, việc truyền dạy trong nghệ thuật ĐCTT ở các CLB sẽ góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy bộ môn nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ. Khi điều kiện an toàn cho phép, với sự quan tâm của tỉnh nhà cùng với niềm đam mê, nhiệt huyết, tình yêu trọn vẹn dành cho nghệ thuật ĐCTT của người dân xứ Trà, trong thời gian sắp tới chắc chắn nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ sẽ tiếp tục được giữ gìn và phát huy mạnh mẽ trên quê hương Trà Vinh./.

Đinh Thanh

Nguồn: travinh.gov.vn

Cùng chuyên mục