Hoạt động của ngành

Thừa Thiên Huế: Cán bộ Sở Văn hóa và Thể thao mặc trang phục áo dài truyền thống dự lễ chào cờ tháng 9/2020.

Cập nhật: 08/09/2020 08:12:37
Số lần đọc: 1039
Sáng ngày 07/9/2020, cán bộ Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế mặc trang phục áo dài truyền thống dự Lễ chào cờ hàng Tháng (tháng 9). Lễ chào cờ đã diễn ra trang nghiêm, thực hiện theo đúng quy định và đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Đây là hoạt động nhằm đẩy mạnh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của bộ “quốc phục” từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam, góp phần khẳng định “Huế - Kinh đô áo dài” của Việt Nam.

Nhận thấy rằng, từ xưa đến nay, mỗi quốc gia đều sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc mình trong các nghi lễ quan trọng (Lễ phục), thậm chí ngay trong sinh hoạt thường nhật (Thường phục) trên chính những khu chợ, con phố, những ngôi trường... và tất nhiên tại Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Mới đây, trong tháng 4, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo "Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị, và bản sắc" do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức để làm rõ hơn các giá trị liên quan đến áo dài; giá trị lịch sử, nghệ thuật, văn hóa, xã hội của áo dài Việt Nam góp phần tôn vinh di sản này và lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngày 08/7, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam”. Hội thảo có sự thu hút của các nhân sĩ, trí thức, các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, nhà thiết kế - may mặc trong và ngoài tỉnh. Hội thảo được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh toàn Đảng, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế đang nỗ lực triển khai thực hiện thành công Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành một đô thị di sản đặc thù - thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa truyền thống mang tầm quốc tế.

Sở Văn hóa và Thể thao là đơn vị được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho nhiệm vụ nghiên cứu và triển khai đề án “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”. Hiện tại, Sở đang tích cực triển khai nhiều hoạt động để chuẩn bị tổ chức Ngày hội Áo dài, dự kiến sẽ thực hiện sau khi Việt Nam khống chế thành công đại dịch COVID-19.

Vì ảnh hưởng của dịch COVID - 19 nên năm nay, Ngày hội áo dài đã không được tổ chức tại Festival Huế lần này. Tuy nhiên, không vì thế mà hình ảnh và niềm tự hào với trang phục truyền thống lại giảm sút trong lòng những con người Huế, đặc biệt là đối với những người đang làm công tác văn hóa. Mới đây, nhiều hình ảnh đẹp của cán bộ Ngành văn hóa và thể thao mặc áo dài chụp tại công sở và tại các điểm di tích được truyên truyền trên các trang báo, mạng xã hội...

Tiến sĩ Phan Thanh Hải - TUV, Giám đốc Sở phát biểu tại buổi lễ chào cờ: Thông tin về tình hình công tác của Sở và diễn biến dịch bệnh COVID-19

Để góp phần xây dựng, tuyên truyền nét đẹp văn hóa, trang phục truyền thống chiếc áo dài, được xem là “quốc phục”, bắt đầu từ thứ Hai, ngày 07/9/2020, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế triển khai cho toàn thể cán bộ công chức của Sở mặc áo dài truyền thống khi đi làm việc. Sở sẽ áp dụng quy định mặc áo dài truyền thống vào ngày thứ Hai đầu mỗi tháng, đây là ngày tổ chức lễ Chào cờ tập trung kết hợp giao ban đơn vị và tặng hoa chúc mừng sinh nhật các thành viên có sinh nhật trong Tháng.

Tiến sĩ Phan Thanh Hải - TUV, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tại bàn làm việc

Được biết, cùng với Sở Văn hóa và Thể thao, hiện nay đã có một số đơn vị, ngành triển khai phục hồi phong trào mặc áo dài truyền thống đối với toàn thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động. Đây là những tín hiệu đáng mừng đánh dấu sự trở lại của chiếc áo dài truyền thống, đặc biệt là áo Ngũ thân, chiếc áo sản sinh ra từ Huế và đã trở thành quốc phục của người Việt trong hàng trăm năm qua.

Nguồn: Sở VH & TT tỉnh Thừa Thiên Huế

Cùng chuyên mục