Hành trang lữ khách

Thanh Thủy (Phú Thọ): Điểm đến của du khách

Cập nhật: 30/10/2020 08:13:36
Số lần đọc: 1008
Nằm ở cửa ngõ giao lưu các tỉnh Tây Bắc với thủ đô Hà Nội, Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) có nhiều điều kiện để phát triển du lịch. Hiện toàn tỉnh có 36 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, trong đó có 5 di tích xếp hạng quốc gia. Là vùng đất có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, đặc biệt có nguồn nước khoáng nóng thiên nhiên quý hiếm. Thương hiệu nước khoáng nóng Thanh Thủy đã nổi tiếng trong nhiều năm qua. Vì thế trong một vài năm trở lại đây, huyện đã tập trung phát triển các loại hình du lịch: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng khoáng nóng, du lịch văn hóa truyền thống, văn hóa tâm linh, du lịch cộng đồng…và dần trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước.

Khu du lịch sinh thái Vườn Vua

Là một trong ba khâu đột phá của Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020, kết cấu hạ tầng du lịch đã được tăng cường đầu tư với số vốn hơn 7.000 tỷ đồng. Công tác quản lý nhà nước, tuyên truyền, quảng bá xúc tiến về du lịch được tăng cường. Từ năm 2015 đến nay, doanh thu dịch vụ du lịch, kinh doanh khách sạn, nhà hàng...trên địa bàn huyện ước đạt 869 tỷ đồng, bình quân tăng trên 10%/năm, chiếm tỷ trọng 10,4% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa dịch vụ toàn xã hội của huyện; thu hút trên 2,5 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó khách lưu trú ước đạt 317 nghìn lượt người, tăng 3,2 lần so với năm 2015; tạo công ăn việc làm cho 16.500 lao động trên địa bàn.

Sản phẩm du lịch nước khoáng  nóng được nhiều du khách trải nghiệm
 

Hiện nay, qua đánh giá thực trạng tiềm năng về tự nhiên và các giá trị văn hóa lịch sử truyền thống, huyện xây dựng Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch, dịch vụ nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, hình thành các tuyến du lịch gắn liền với các tour du lịch liên vùng trong và ngoài tỉnh. Trong đó đã tập trung khai thác giá trị tài nguyên nước khoáng nóng Thanh Thủy để xây dựng sản phẩm nghỉ dưỡng chữa bệnh như: tắm khoáng, ngâm bùn, tắm thuốc bắc…; Khai thác hiệu quả dự án khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, khu du lịch sinh thái Vườn Vua, Thanh Lâm resort. Chị Phạm Hồng-một khách du lịch ở Hà Nội mới trải nghiệm nghỉ dưỡng tại Vườn Vua chia sẻ: Gia đình mình có trẻ nhỏ nên ưu tiên những điểm du lịch gần Hà Nội. Mấy năm trước chủ yếu đi các khu du lịch tại Ba Vì, Sơn Tây xa hơn thì Hòa Bình. Sau khi được giới thiệu Thanh Thủy, mình quyết định thử trải nghiệm và thấy khá thú vị, ngoài cảnh quan thiên nhiên sản phẩm khoáng nóng được gia đình rất thích. Chắc chắn mình sẽ còn trở lại.

Bên cạnh việc quảng bá các sản phẩm du lịch sinh thái, việc tổ chức và giới thiệu các lễ hội truyền thống đặc sắc trên địa bàn huyện như: Lễ hội truyền thống đền Lăng Sương, rước voi đình Đào Xá, lễ hội bơi chải đền Tam Công, di tích lịch sử-tượng đài chiến thắng Tu Vũ cũng được quan tâm. Việc quảng bá tốt các lễ hội đã thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch hành hương về lễ hội cội nguồn dân tộc. Sản phẩm du lịch cộng đồng văn hóa Mường tại 2 xã Yến Mao, Phượng Mao bước đầu được xúc tiến. Nhiều hộ dân đã chủ động cải tạo chỉnh trang nhà ở, công trình vệ sinh, chuồng trại, đường làng ngõ xóm, làm tốt công tác vệ sinh môi trường, thực hiện nếp ống văn hóa, giao tiếp lịch thiệp nhằm xây dựng du lịch cộng đồng.

Lễ hội rước voi Đào Xá
 

Để du lịch phát triển, thực sự là điểm đến của du khách, huyện Thanh Thủy cũng xác định kết cấu hạ tầng là một nhiệm vụ quan trọng, trong đó hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng phải hướng đến hiện đại, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách. Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ được xây dựng trở thành điểm dừng chân thuận lợi cho du khách. Tổng số cơ sở lưu trú và kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn có 257 cơ sở. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch được quan tâm, lực lượng lao động ngành du lịch cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Số lượng lao động trong ngành thương mại-du lịch đến nay ước đạt trên 16 nghìn người, chiếm khoảng 38% tổng số lao động. Trong số này, được đào tạo lại và bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn nghiệp vụ khoảng trên 50%.

Từ các chương trình quảng bá, xúc tiến đã giúp các doanh nghiệp mở rộng liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để hình thành các tuyến du lịch liên huyện, liên tỉnh. UBND huyện luôn tạo điều kiện về cơ chế thu hút, kêu gọi, kích cầu các nguồn ực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, lập quy hoạch có tính chất định hướng lớn, có như vậy mới thúc đẩy du lịch phát triển như Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định: “Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, xây dựng Thanh Thủy phát triển toàn diện, nhanh, bền vững và sớm trở thành huyện trọng điểm du lịch của tỉnh”. 

Hà An

 

Nguồn: Báo Phú Thọ

Cùng chuyên mục