Ðầu tư Du lịch

Quảng Ninh: Đầu tư các làng văn hóa dân tộc thiểu số trong xu thế hội nhập

Cập nhật: 20/08/2020 08:27:08
Số lần đọc: 783
  Mô hình làng văn hóa dân tộc thiểu số (DTTS) không chỉ bảo tồn, tôn vinh giá trị văn hóa rất đặc sắc của mỗi dân tộc mà còn đưa văn hóa vào nhịp sống hiện đại, lấy đó làm tài nguyên phát triển du lịch, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho người dân. Từ tinh thần này, những năm gần đây nhiều địa phương, đơn vị triển khai xây dựng các làng văn hóa DTTS. Đáng mừng hiện 2 đơn vị chức năng tỉnh là Ban Dân tộc và Sở Du lịch cũng đang hoàn thiện để trình tỉnh thông qua 2 đề án chuyên đề là Làng DTTS Quảng Ninh và Phát triển du lịch cộng đồng Quảng Ninh.

 


Đồng bào dân tộc Dao xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí) truyền dạy kỹ năng may thêu trang phục truyền thống.

Việc 2 đơn vị chuyên môn của tỉnh xây dựng đề án để phát triển các làng văn hóa DTTS sẽ nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động này, tạo hành lang pháp lý tốt để các làng văn hóa DTTS phát triển. Tuy nhiên nếu trong quá trình triển khai chồng chéo lên nhau sẽ dẫn đến việc đầu tư không hiệu quả.

Đề án Làng DTTS Quảng Ninh với mục tiêu là sẽ xây dựng 13 làng văn hóa DTTS, trước mắt là 5 đơn vị. Đề án Phát triển du lịch cộng đồng Quảng Ninh đề xuất 16 điểm phát triển du lịch cộng đồng, trong đó 6 làng văn hóa DTTS.

Về quan điểm đầu tư, làng DTTS Quảng Ninh hướng tới mục tiêu bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa, gắn với đời sống hiện đại; đề án Phát triển du lịch cộng đồng Quảng Ninh hướng tới phát huy tính đặc sắc và khác biệt để phát triển dịch vụ du lịch.

Như vậy xét về tổng thể, 2 đề án có điểm chung về đối tượng nhưng khác biệt về mục tiêu và giải pháp thực hiện. Đây là thuận lợi nhưng cũng là khó khăn của dự án nếu như sau này được tỉnh cho phép triển khai thực tế.

Từ những nhận định trên, nhiều người cho rằng xây dựng mô hình làng văn hóa DTTS cần phải có tính toán kỹ càng, trên cơ sở lấy chất lượng và hiệu quả làm đầu, thay vì số lượng.

Cơ sở để đưa ra nhận định này dựa trên đặc thù hầu hết các vùng đồng bào dân tộc Quảng Ninh không còn hoặc còn mờ nhạt các thiết chế văn hóa vật thể, không gian sống không tập trung, quy mô dân số nhỏ lẻ, nhà dân cách xa nhau. Chính bởi vậy sự đậm đặc văn hóa không cao, một số vùng thiếu tính đặc sắc và riêng có.

Bên cạnh đó trong quá trình sinh sống và di cư, ít nhiều một số đồng bào đều mang những nét văn hóa chung nhất, nếp sống, sinh hoạt, văn hóa giống nhau. Trong bối cảnh ấy thì cần phải có sự lựa chọn, đầu tư điểm, thay vì diện rộng.

Ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Cũng là mô hình làng văn hóa DTTS nhưng nếu thiên về bảo tồn, gìn giữ văn hóa thì nên đầu tư theo chiều sâu, vào những hoạt động trọng tâm về văn hóa. Còn nếu thiên về phát triển du lịch cộng đồng thì phải đầu tư cho hạ tầng, dịch vụ, sản phẩm du lịch... 

Đồng ý với quan điểm này,  bà Ân Thị Thìn, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh bày tỏ: Việc xây dựng làng văn hóa DTTS dựa vào nhiều yếu tố, không chỉ là vốn văn hóa, nét đặc sắc mà còn phải tính tới khả năng phát triển của Làng. Đó là sự thuận tiện trong kết nối giao thông; khả năng kết nối các điểm bản, làng văn hóa với nhau; kết nối bản làng văn hóa với các điểm du lịch là di tích, thắng cảnh khác; sự tham gia của người dân; sự vào cuộc của doanh nghiệp...


Một ngôi nhà tại xã Bằng Cả (TP Hạ Long) được phục dựng theo kiến trúc nhà truyền thống người Dao.

Trên cơ sở này thì các vùng dân tộc thiểu số Pò Hèn (Móng Cái), Thượng Yên Công (Uông Bí), Bản Cáu (Bình Liêu), bản người Tày Phong Dụ (Tiên Yên), bản Dao Sơn Hải (Ba Chẽ) được cho là những mô hình có ưu thế để xây dựng làng văn hóa DTTS.

Với Pò Hèn, nơi đây không chỉ đạt điểm cao về yếu tố bản sắc văn hóa, mà còn đang rất thuận lợi để kết nối với các tour, tuyến, điểm du lịch trên địa bàn TP Móng Cái.

Thượng Yên Công thì có lợi thế đón dòng khách hàng triệu lượt người mỗi năm đến Yên Tử. Bản văn hóa Dao Thượng Yên Công có điểm cộng về thung lũng hoa, thung lũng dược liệu, chợ dân tộc, trung tâm hạ tầng vùng đệm Yên Tử... bổ trợ để phát triển.

Đến thời điểm này thì 2 đề án chuyên đề Làng văn hóa DTTS Quảng Ninh và Phát triển du lịch cộng đồng Quảng Ninh vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và trình UBND tỉnh ban hành. Tuy nhiên, từ những phân tích trên thì để đưa đề án vào cuộc sống không thể nóng vội mà phải tính toán khoa học, kỹ lưỡng hơn.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT