Hoạt động của ngành

Quảng Nam: Quyết tâm thay đổi hình ảnh du lịch Cù Lao Chàm

Cập nhật: 28/06/2019 08:35:46
Số lần đọc: 1059
Nhiều cam kết, quyết tâm đã được các thành viên Hội Du lịch Cù Lao Chàm đưa ra nhằm chấn chỉnh những tồn tại, nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi hình ảnh du lịch Cù Lao Chàm (Hội An) trong thời gian tới.


Doanh nghiệp bán phá giá sẽ bị phạt cấm xuất bến. Ảnh: K.L

Dai dẳng phá giá

Tính đến tháng 6/2019, hoạt động vận chuyển du lịch tuyến Hội An - Cù Lao Chàm có 44 doanh nghiệp tham gia với 138 phương tiện, tổng sức chở hơn 4.000 khách. Năm 2018, hơn 415 nghìn lượt khách tham quan du lịch ra đảo.

Khách tăng trưởng “nóng” đã tác động mạnh mẽ đến môi trường du lịch. Tình trạng cò mồi, phá giá, cạnh tranh không lành mạnh, làm ăn dối trá… xuất hiện tại bến cảng Cửa Đại ngày càng phức tạp. Nổi cộm là phá giá, mặc dầu TP.Hội An quy định giá sàn 650 nghìn đồng/khách (bán lẻ) và 550 nghìn đồng/khách (công ty lữ hành) nhưng hầu như ít doanh nghiệp bán đúng giá.

Một số doanh nghiệp đón khách từ công ty lữ hành hoặc các trung gian (lái xe taxi, lễ tân khách sạn, “cò”…) mức giá chỉ 450 - 500 nghìn đồng, thậm chí là 400 - 420 nghìn đồng/khách (trong khi công ty lữ hành và “cò” chào bán tour khách giá từ 700 nghìn đồng - 1 triệu đồng).

Hệ lụy là doanh nghiệp du lịch Cù Lao Chàm tuy đón khách nhiều nhưng lợi nhuận không bao nhiêu (do phải chi lại cho “cò” và công ty lữ hành quá nhiều), dẫn đến chất lượng dịch vụ thấp, doanh nghiệp mất uy tín với khách hàng, gây ảnh hưởng thương hiệu điểm đến.

Thống kê cho thấy, khoảng 40% khách đặt tour tham quan Cù Lao Cham thông qua các công ty lữ hành. Còn lại 60% sẽ đặt trực tiếp doanh nghiệp Cù Lao Chàm; đi tự do hoặc qua các trung gian như lái xe, lễ tân khách sạn…

Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, tình trạng phá giá đã diễn ra dai dẳng nhiều năm nhưng không ai dám tố cáo, dù tất cả đều biết doanh nghiệp nào vi phạm. Phá giá dẫn đến chất lượng dịch vụ kém, cũng đồng nghĩa tự hại chính mình, tự đập vỡ bát cơm của mình. Mức 650 nghìn đồng là giá rất mềm, đi giá đó doanh nghiệp mới cung cấp dịch vụ đảm bảo cho khách, mới đủ tái đầu tư để nâng cao chất lượng phương tiện...

“Nếu bán giá chỉ còn 400 hay 420 nghìn đồng tức là chúng ta ăn vào tài sản cố định của mình, một lúc nào đó doanh nghiệp sẽ chết. Do đó, vấn đề mấu chốt và quan trọng nhất hiện nay là phải đoàn kết để tạo đối trọng với các đơn vị lữ hành, các đơn vị đưa khách đến, để doanh nghiệp lữ hành không bắt chẹt, ép giá. Chúng ta không thể để tình trạng mất công bằng diễn ra quá lâu như vậy” - ông Sơn quả quyết.

Củng cố thương hiệu Cù Lao Chàm

Ông Lê Thanh Vũ - Chủ tịch Hội Du lịch Cù Lao Chàm thừa nhận, phá giá là thực trạng đáng lo ngại cần phải được chấn chỉnh, và hội cam kết quyết tâm chấn chỉnh. “Phương án tốt nhất hiện nay là các doanh nghiệp nên được tổ chức hoạt động theo kiểu “một cửa”, nghĩa là cùng góp tàu vô như một công ty, được quản lý điều hành chung và chia lượt đi. Điều này chắc chắn không dễ dàng nên đòi hỏi các doanh nghiệp phải chấp nhận hy sinh” - ông Vũ chia sẻ.

Thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động du lịch Cù Lao Chàm thời gian qua còn mang tính độc quyền, chỉ gói gọn trong khoảng 40 doanh nghiệp Hội An, doanh nghiệp bên ngoài khó lọt vào. Tuy nhiên, sự khai thác và phát huy hiệu quả du lịch nơi đây dường như chưa tương xứng với lợi thế tiềm năng của một khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Theo ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, Cù Lao Chàm là một sản phẩm đặc biệt, không có thứ hai tại Việt Nam. Trong đó, lợi thế lớn nhất là nằm ở trung tâm du lịch miền Trung là Đà Nẵng, Quảng Nam, mỗi năm đón hơn 14 triệu lượt khách (2018). Vì vậy, nếu chất lượng sản phẩm được nâng cao, dịch vụ được đa dạng chắc chắn nguồn thu sẽ tăng cao.

“Một năm Cù Lao Chàm đón hơn 400 nghìn lượt khách, bình quân mỗi khách chi khoảng 700 nghìn đồng, tổng số tiền là 280 tỷ đồng, nhà nước thu phí tham quan và môi trường chừng 100 tỷ đồng, đây là số tiền không nhiều. Nếu chúng ta biết tổ chức khai thác tốt các sản phẩm, số tiền khách chi không chỉ là 700 nghìn đồng mà có thể tăng lên 1 triệu đồng, thậm chí 2 triệu đồng, nhưng sức chứa cũng không vượt quá 400 nghìn lượt khách/năm” - ông Tường phân tích.

Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An - Nguyễn Văn Sơn cho rằng, du lịch Cù Lao Chàm phát triển dựa trên nền tảng Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - một trong những khu dự trữ sinh quyển thành công nhất trong cả nước về vấn đề bảo tồn gắn với phát triển.

“Nếu chúng ta không phát huy tốt, không thúc đẩy lên thì một ngày nào đó những tồn tại, hạn chế này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng khu du lịch Cù Lao Chàm, ảnh hưởng đến lợi ích người đi du lịch. Lúc đó, tỉnh, thành phố sẽ không thể hy sinh mãi lợi ích của người đi du lịch để bảo vệ doanh nghiệp mà phải tuân thủ theo cơ chế thị trường để có sản phẩm tốt hơn, phương tiện tốt hơn. Nên ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp không chỉ chấm dứt việc cạnh tranh phá giá mà cũng phải nghiên cứu có chiến lược lâu dài về sản phẩm du lịch để tạo ra sự đa dạng khác biệt, bởi hiện nay các sản phẩm của doanh nghiệp Cù Lao Chàm na ná, nghèo nàn như nhau” - ông Sơn cho biết.

Cũng theo ông Sơn, không thể nhân nhượng, phải kiên quyết xử lý những doanh nghiệp phá giá. Thành phố sẵn sàng có những công cụ pháp lý cùng với Hội Du lịch Cù Lao Chàm xử lý đến nơi đến chốn doanh nghiệp phá giá. Những đơn vị nào bán phá giá, thành phố sẽ không bán vé tham quan, không cho xuất bến.

“Vấn đề là các doanh nghiệp ngừng bao che lẫn nhau, mà hãy chỉ ra ai vi phạm. Nếu cả Hội Du lịch Cù Lao Chàm cùng thống nhất một tiếng nói thì ai đi ngược sẽ bị loại ra, khi đó sẽ không ai dám vi phạm” - ông Sơn nói./.

Nguồn: Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục