Tin tức - Sự kiện

Quảng Nam: Cải thiện năng lực tự chủ đón khách

Cập nhật: 14/09/2020 14:08:33
Số lần đọc: 689
Lâu nay, hầu hết lượng khách du lịch trước khi đến Quảng Nam, nhất là đường hàng không và tàu biển đều thông qua các phương tiện giao thông tại TP.Đà Nẵng. Việc cải thiện năng lực tự chủ đón khách là điều cần thiết, khi địa phương sở hữu tiềm năng hạ tầng lớn để đáp ứng điều này.

Bất lợi của điểm đến trung chuyển

Trước khi xảy ra dịch Covid-19, số liệu thống kê cho thấy, tất cả tiêu chí của du lịch Hội An nói riêng và du lịch Quảng Nam từ tổng lượng khách, doanh thu, số cơ sở lưu trú… tăng đều qua các năm nhưng chỉ có số ngày bình quân khách lưu trú thì vẫn “dậm chân tại chỗ” với khoảng 2 đến 2,2 ngày/khách trong hơn mười năm qua.

Giải thích về điều này, một số chuyên gia trong ngành cho rằng ngoài việc sản phẩm du lịch, nhất là du lịch về đêm chưa đa dạng thì việc chưa tự chủ được lịch trình di chuyển cho du khách cũng là một hạn chế. Điều này khiến không ít du khách chỉ xem Hội An là một điểm du lịch trung chuyển để tham quan rồi rời đi.

Ông Nguyễn Sơn Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương cho rằng: “Đà Nẵng là trung tâm trung chuyển khách lớn trong khi Quảng Nam chưa có hướng mở để chủ động thêm lượng khách đến. Khi dịch bệnh được đẩy lùi, sân bay Chu Lai cần được xúc tiến nhanh hơn trong việc kết nối các đường bay du lịch trực tiếp đến Quảng Nam”.

Câu chuyện đáng lưu ý vào cuối tháng 7.2020, khi đợt dịch Covid-19 thứ hai chớm bùng phát tại Đà Nẵng và có khả năng lan ra cộng đồng tại một số địa phương của Quảng Nam thì khá nhiều du khách tại Hội An lưỡng lự trong việc lựa chọn loại phương tiện để rời khỏi vùng dịch. Một bộ phận e ngại di chuyển qua cảng hàng không hoặc ga tàu hỏa ở TP.Đà Nẵng đã chấp nhận rời khỏi địa phương thông qua cảng hàng không Chu Lai hoặc xe khách đường dài.

Theo ông Nguyễn Sơn Thủy,  không chỉ cảng hàng không Chu Lai, Quảng Nam cần sớm xúc tiến phát triển du lịch tàu biển qua cảng Kỳ Hà và cả cửa khẩu Đắc Ốc. Bởi đây là tuyến đường ô tô du lịch “caravan” (nhóm khách di chuyển bằng ô tô cá nhân) từ Thái Lan, Myanmar qua Champasak (Lào) đến Quảng Nam trên hành trình di sản đang có xu hướng phát triển mạnh. Đây là những phương án để bổ sung thêm một phần lượng khách rất triển vọng đến Quảng Nam trong tương lai.

Tăng sức hấp dẫn điểm đến phía nam

Theo ông Phan Xuân Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty Tân Hồng - Du ngoạn Việt: “Việc phát triển du lịch tàu biển ở khu vực phía nam của Quảng Nam không dùng từ tiềm năng nữa mà là có thể bởi mọi thứ đều đã có, chỉ cần xúc tiến, nâng cấp lên thôi”.

Tháng 6.2020, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cùng các đơn vị lữ hành đã có chuyến khảo sát cơ hội phát triển của du lịch tàu biển khu vực phía nam và nhiều điểm đến du lịch như hồ Phú Ninh, tháp Khương Mỹ, làng bích họa Tam Thanh, địa đạo Kỳ Anh… Qua đó đánh giá cao về tiềm năng cảnh quan nhưng trên thực tế việc “níu chân” được du khách ở lại lâu dài một khi cập bến phía nam cũng là vấn đề khó khăn.

Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành thông tin, vài năm gần đây cũng có một lượng du khách nhất định từ hai đầu đất nước đến sân bay Chu Lai nhưng chủ yếu để đi Lý Sơn (Quảng Ngãi) và một phần nhỏ đi Cù Lao Chàm.

Có thể thấy, điều băn khoăn nhất vẫn là việc phải xây dựng được chuỗi sản phẩm đủ sức hấp dẫn ở khu vực phía nam song hành với công tác xúc tiến thiết lập các đầu mối giao thông trung chuyển khách du lịch thì việc tự chủ đón khách mới có thể đạt được hiệu quả.

Hiện nay, tại khu vực này đã có sự đầu tư mạnh mẽ của Tập đoàn Thiên Minh với cơ sở lưu trú cao cấp tại Núi Thành kèm các chính sách hỗ trợ xây dựng du lịch cộng đồng tại Tiên Phước. Trong khi đó, chương trình phát triển du lịch Quảng Nam 2021 - 2025 do Sở VH-TT&DL xây dựng dự kiến sẽ có rất nhiều danh mục, công việc cụ thể liên quan đến phát triển du lịch phía nam.

Theo đó bao gồm: bố trí giới thiệu, cung cấp thông tin du lịch cho khách tại sân bay Chu Lai; lập quy hoạch phát triển du lịch sông Trường Giang; nâng cấp cảng biển Chu Lai để khai thác, phục vụ du lịch, đầu tư, phát triển bãi tắm Hạ Thanh và Tam Thanh; lập quy hoạch phát triển du lịch xã đảo Tam Hải; lập phương án đưa cảng An Hòa vào khai thác du lịch phục vụ mở tuyến du lịch Núi Thành đi Lý Sơn, Cù Lao Chàm… Nếu thành hiện thực đây sẽ là những “đòn bẩy” làm sức bật cho du lịch phía nam khởi sắc hơn./.

Nguồn: Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT