Non nước Việt Nam

Ninh Thuận: Giữ bền nét tinh hoa - Kỳ 1: Bảo tồn các làng nghề cổ

Cập nhật: 16/08/2021 09:16:45
Số lần đọc: 989
Với hơn 82 nghìn người, chiếm hơn 12% số dân toàn tỉnh và chiếm khoảng 50% số đồng bào Chăm cả nước, đồng bào Chăm ở tỉnh Ninh Thuận luôn chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo, góp phần tạo nên sự đa sắc cho nền văn hóa Việt Nam.


Giữ bền nét tinh hoa

Trải qua nhiều thăng trầm, tán tụ, các làng nghề cổ nổi tiếng như gốm Bàu Trúc hay dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp vẫn giữ được tinh túy nét văn hóa độc đáo của người Chăm.

Hồn đất trong gốm Chăm Bàu Trúc

Nằm ven quốc lộ 1A, cách TP Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 10km về phía Nam là làng gốm Bàu Trúc, một trong những ngôi làng cổ nhất ở Ðông Nam Á còn tồn tại đến nay.

Làng gốm Bàu Trúc duy nhất làm gốm bằng phương pháp thủ công, tức là không dùng bàn xoay mà đặt cố định khối đất sét tùy kích thước trên một cái bệ đỡ cố định rồi nghệ nhân đi vòng quanh bệ đỡ, dùng đôi bàn tay nhào nặn, tạo nên những sản phẩm gốm chứa đựng tính nghệ thuật, mang đậm nét văn hóa độc đáo của người Chăm. Hầu hết phụ nữ Chăm ở Bàu Trúc đều biết làm gốm. Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận nghệ thuật làm gốm truyền thống Bàu Trúc là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Giám đốc Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc Phú Hữu Minh Thuần cho biết: "Làng Bàu Trúc có hơn 500 hộ dân thì có hơn 80% số hộ gắn bó với nghề. Có một hợp tác xã, ba doanh nghiệp, bốn tổ hợp tác và 12 cơ sở sản xuất, kinh doanh gốm, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 600 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/người/tháng". Hơn chục năm nay, các nghệ nhân phát triển thêm dòng gốm mỹ nghệ, đã chế tác nhiều sản phẩm lạ, trang trí hoa văn độc đáo, như: Ðèn gốm trang trí, đèn ngủ, các biểu tượng văn hóa phương tây, văn hóa phương đông,… cung ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Sắc mầu thổ cẩm Mỹ Nghiệp

Cùng với sự nổi tiếng của làng gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm ở làng nghề Mỹ Nghiệp, huyện Ninh Phước cũng nổi tiếng cả nước và được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam công nhận là một trong 17 làng nghề tiêu biểu nhất Việt Nam. Làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp có hơn 700 hộ với khoảng bốn nghìn nhân khẩu, có hơn 500 nghệ nhân, thợ dệt giàu kinh nghiệm, gắn bó lâu năm với khung dệt thủ công. Sản phẩm không chỉ phục vụ sinh hoạt hằng ngày, mà còn là thước đo để đánh giá phẩm chất, sự đảm đang của phụ nữ Chăm. Vì thế, phụ nữ Chăm người nào cũng đều biết dệt thổ cẩm và nghề dệt được bảo tồn bằng hình thức "mẹ truyền con nối".

Chị Thiên Thị Thanh, một thợ dệt cho hay: "Ðiều làm nên giá trị độc đáo của thổ cẩm Mỹ Nghiệp là các nghệ nhân, thợ dệt vẫn giữ nguyên kỹ thuật dệt thổ cẩm với hình thức thủ công từ một chiếc khung gỗ dệt có gắn các quả cuốn những sợi chỉ muôn mầu sắc để dệt từng "bước" chỉ đan xen nhau, tạo nên những hoa văn Chăm cổ tuyệt đẹp. Phần lớn người dệt hoa văn cổ là các nghệ nhân có tuổi đời, tuổi nghề rất cao". Thổ cẩm Mỹ Nghiệp chọn mầu đen là mầu chủ đạo, mầu nền cho tấm vải. Tất cả các mầu đều được làm từ lá, vỏ cây rừng, như mầu đen lấy từ lá cây chùm bầu đem ngâm bùn non, mầu đỏ từ mủ cây cánh kiến, mầu xanh từ lá vỏ cây tràm... để làm ra được tấm thổ cẩm có mầu sắc rực rỡ, đặc sắc.

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ, Sản xuất, Kinh doanh dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp Hàm Minh Thiệu chia sẻ: "Từ cuối năm 2017 đến nay, hợp tác xã sưu tầm, phục chế hàng trăm mẫu hoa văn cổ mà trước đây chỉ dùng để dệt những tấm thổ cẩm dành riêng cho việc may y phục các vị chức sắc, quý tộc trong cộng đồng, nay để dệt sản phẩm mới, giới thiệu và cung ứng cho thị trường".

Người góp phần đưa thổ cẩm Mỹ Nghiệp ra thị trường thế giới là Nghệ nhân Thuận Thị Trụ. Năm 1992 cơ sở dệt thổ cẩm của Nghệ nhân Thuận Thị Trụ thành lập, được xem là mốc hồi sinh cho nghề dệt thổ cẩm làng Mỹ Nghiệp. Ðến năm 2000, Công ty Thổ cẩm Inrahani ra đời, do bà làm giám đốc. Hiện công ty tạo việc làm cho 200 phụ nữ nghèo có thu nhập ổn định. Thổ cẩm mang thương hiệu Inrahani không chỉ khẳng định được vị trí ở thị trường trong nước, mà còn được thị trường thế giới biết đến qua các hội chợ triển lãm lớn tại Thụy Sĩ, Pháp, Bỉ, Nhật Bản, Singapore, Malaysia…

Trong những năm qua, để phát triển các làng nghề truyền thống của đồng bào Chăm, tỉnh Ninh Thuận đã đầu tư hạ tầng như đường giao thông, điện, nước, nhà trưng bày… cho các làng nghề trên địa bàn huyện Ninh Phước. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch Covid-19, nhiều đối tác tiêu thụ sản phẩm tạm hoãn thời gian thực hiện hợp đồng cung cấp sản phẩm khiến làng gốm Bàu Trúc và làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp gặp khó. Các hợp tác xã đã chủ động chuyển hướng sang khai thác thị trường trong nước, đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm và kinh doanh qua hình thức bán hàng online.

(Còn nữa)

Bài và ảnh: Nguyễn Trung

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT