Hoạt động của ngành

Năm 2021: Du lịch Việt Nam vượt khó, thích ứng an toàn, linh hoạt, từng bước phục hồi hoạt động

Cập nhật: 24/12/2021 08:50:38
Số lần đọc: 1330
(TITC) - Sáng ngày 23/12/2021, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt dự và chỉ đạo Hội nghị.    

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh: TITC)

Phát biểu khai mạc, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Đây cũng là năm thứ 2 đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Trong bối cảnh hết sức khó khăn đó, ngành du lịch đã tập trung cùng cả nước ứng phó với đại dịch Covid-19, đồng thời chủ động thích ứng với tình hình mới, nỗ lực phục hồi du lịch nội địa, triển khai thí điểm đón khách quốc tế theo lộ trình, từng bước chuẩn bị các điều kiện để khôi phục hoạt động của ngành du lịch và bước vào giai đoạn phát triển mới.

Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và lao động ngành du lịch

Năm 2021, trong bối cảnh cả nước thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Tổng cục Du lịch cùng toàn ngành đã chủ động, kịp thời tham mưu Bộ VHTTDL đề xuất Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong ngành du lịch.

Các chính sách hỗ trợ chung bao gồm gia hạn thời gian nộp thuế, giảm mức thuế suất giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2021, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên lãi suất vay và nhóm nợ, lùi thời điểm đóng phí công đoàn cho người lao động… theo các Nghị quyết của Chính phủ, văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành. Người lao động được hưởng các chính sách hỗ trợ như: hỗ trợ mất việc làm, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương theo các mức 15 ngày liên tục hoặc 30 ngày liên tục trở lên…

Đặc biệt, nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù cho ngành du lịch đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và lao động du lịch như giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023, giảm thời gian hoàn trả ký quỹ cho doanh nghiệp lữ hành (từ 60 ngày xuống 30 ngày), giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành, phí thẩm định cấp thẻ Hướng dẫn viên du lịch. Hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch được hưởng mức hỗ trợ là 3.710.000 đồng/người, đến nay đã giải quyết được 15.792 hồ sơ đủ điều kiện với tổng số tiền hỗ trợ trên 58 tỷ đồng.

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: TITC)

Bên cạnh đó, còn có các chính sách cụ thể như giảm giá bán điện cho các cơ sở lưu trú du lịch từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất và một số các chính sách thiết thực hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động như hỗ trợ tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất, hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp...

Triển khai hiệu quả các chính sách kích cầu và khôi phục du lịch nội địa

Để triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm kích cầu du lịch trong nước gắn với công tác bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, Tổng cục Du lịch đã tham mưu Lãnh đạo Bộ ban hành Kế hoạch số 3228 triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành; Hướng dẫn tạm thời số  3862 về thích ứng an toàn, linh hoạt trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; vừa qua ngày 16/12 Bộ đã ban hành Chương trình phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch còn chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các ban, ngành tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện tái khởi động du lịch nội địa liên tỉnh, liên vùng an toàn; kết nối các điểm đến, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp và hàng không xây dựng các chương trình du lịch trọn gói, có chất lượng, ưu đãi nhằm kích cầu du lịch. Đến nay, một số địa phương là trọng điểm du lịch trên cả nước đã triển khai nhiều chương trình ký kết, liên kết hợp tác như: Liên kết xúc tiến, đầu tư và du lịch An Giang - Hà Nội; Thiết lập hành lang du lịch an toàn Hà Nội và 12 tỉnh/thành phố; Liên kết hợp tác phát triển du lịch Hà Nội - Bình Định; Liên kết phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh với 13 tỉnh/thành Đồng bằng sông Cửu Long...

Nhờ đó, hoạt động du lịch tại các địa phương đã bắt đầu có những khởi sắc, “hồi sinh” sau thời gian dài chịu ảnh hưởng. Theo báo cáo từ các địa phương, với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, tình hình hoạt động du lịch nội địa đang từng bước phục hồi. Hà Nội đón 4 triệu lượt khách nội địa, Đà Nẵng đón 1,1 triệu lượt, Lâm Đồng đón 2,2 triệu lượt, Quảng Ninh đón 4,3 triệu lượt, Ninh Bình đón 1,3 triệu lượt, Thanh Hóa đón 3,4 triệu lượt…

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu trình bày báo cáo tổng kết năm 2021 của Tổng cục Du lịch (Ảnh: TITC)

Thí điểm đón khách du lịch quốc tế, khẳng định du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn

Trong bối cảnh mới, thực hiện chủ trương từng bước mở cửa nền kinh tế để phục hồi, Tổng cục Du lịch đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ nhất trí chủ trương, lộ trình thí điểm mở cửa đón khách du lịch quốc tế theo 3 giai đoạn. Đồng thời, tham mưu Lãnh đạo Bộ ban hành Hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế.

Để chuẩn bị cho việc thí điểm đón khách du lịch quốc tế, Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, bộ ngành, cơ quan liên quan để trao đổi kỹ, thống nhất các điều kiện về y tế, nhập xuất cảnh, quy trình đón và phục vụ khách, cơ sở hạ tầng, dịch vụ, công tác truyền thông… đặc biệt là việc đảm bảo an toàn cho du khách, cơ sở du lịch, cộng đồng dân cư.

Sau gần 2 năm hoạt động du lịch quốc tế bị ngừng trệ, tháng 11 vừa qua những vị khách du lịch quốc tế đầu tiên đã đến Quảng Nam, Phú Quốc và Khánh Hòa là một bước tiến mới trong nỗ lực phục hồi du lịch Việt Nam, là cơ sở để khẳng định du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn. Đây cũng thể hiện những nỗ lực của ngành du lịch Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng trong việc phục hồi ngành du lịch Việt Nam để vượt khó trong đại dịch. Dự kiến đến hết tháng 12/2021, du lịch Việt Nam sẽ đón được 3.000-3.500 khách du lịch quốc tế và sang tháng 1/2022 sẽ tiếp tục đón khách du lịch quốc tế đến từ thị trường Hàn Quốc, Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakstan, Thái Lan và Ấn Độ.

Lễ đón đoàn khách du lịch quốc tế Hàn Quốc đến Phú Quốc, ngày 20/11/2021 (Ảnh: TITC)

Đẩy mạnh truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam, thúc đẩy chuyển đổi số

Trong bối cảnh bị ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều hoạt động đi lại bị ngừng trệ, giãn cách, Tổng cục Du lịch đã chủ động đẩy mạnh công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam trên các nền tảng số, hướng đến các thị trường du lịch quốc tế trọng điểm để duy trì cảm hứng du khách và thu hút họ quay trở lại Việt Nam khi điều kiện cho phép. Triển khai chiến dịch truyền thông Live Fully in Vietnam (Sống trọn vẹn ở Việt Nam) trên các kênh truyền thông trực tuyến của Tổng cục Du lịch như website https://vietnam.travel, các trang mạng xã hội Facebook, Instagram, Pinterest, YouTube, Tiktok.

Đối với thị trường nội địa, Tổng cục Du lịch đẩy mạnh truyền thông Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn để kích cầu, phục hồi du lịch. Từ đầu năm 2021, chương trình truyền thông trên nền tảng YouTube “Việt Nam: Đi Để Yêu!” được triển khai với phương thức mới, sáng tạo đã cho ra đời những video clip quảng bá du lịch Việt Nam đặc sắc, thu hút hàng triệu lượt xem, góp phần tạo cảm hứng, kích cầu du lịch trong nước.

Hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch tiếp tục được đẩy mạnh. Tổng cục Du lịch đã cùng Tổng công ty viễn thông MobiFone ký kết thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số và phát triển du lịch thông minh với tỉnh Hà Giang, Thanh Hoá. Tập trung phát triển các ứng dụng công nghệ giúp đảm bảo du lịch an toàn, tiêu biểu là ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” dành cho khách du lịch, ứng dụng “Hướng dẫn du lịch Việt Nam” dành cho doanh nghiệp du lịch và cơ quan quản lý, hệ thống đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19 dành cho các cơ sở kinh doanh du lịch trên toàn quốc. Hỗ trợ tập huấn các địa phương Quảng Nam, Bình Định về ứng dụng công nghệ để đón khách du lịch. Cùng với đó nâng cấp và phát triển website Trang vàng Du lịch Việt Nam để người tiêu dùng và nhà cung cấp dịch vụ kết nối, tìm hiểu sản phẩm; Duy trì và phát triển cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam.

Du lịch Việt Nam vinh dự được nhận nhiều giải thưởng quốc tế uy tín

Năm 2021, mặc dù đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng du lịch Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế, vinh dự nhận được nhiều giải thưởng hàng đầu khu vực và thế giới.

Tiêu biểu là danh hiệu Điểm đến hàng đầu châu Á, Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu châu Á, Điểm đến Golf tốt nhất thế giới và châu Á, Điểm đến du thuyền tốt nhất châu Á, cùng rất nhiều giải thưởng danh giá dành cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, điểm du lịch, nhà hàng, công ty du lịch, hãng hàng không của Việt Nam.

Với những nỗ lực nhằm tái thiết và phục hồi hoạt động ngành du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch Việt Nam vinh dự được tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) trao tặng danh hiệu “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á”.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh: TITC)

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt biểu dương những nỗ lực của toàn ngành trong năm 2021 nhằm vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi hoạt động du lịch nội địa và quốc tế. Những danh hiệu, giải thưởng uy tín mà cộng đồng quốc tế dành tặng cho Du lịch Việt Nam là sự ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của ngành cũng như những giá trị, vẻ đẹp của du lịch Việt Nam.

Thứ trưởng đánh giá cao nỗ lực của Tổng cục Du lịch kịp thời tham mưu Lãnh đạo Bộ VHTTDL về những giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi hoạt động ngành du lịch. Tổng cục Du lịch đã thể hiện được vai trò chủ đạo của cơ quan quản lý du lịch ở Trung ương trong việc định hướng, đồng hành, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp trong ngành; tập hợp kết nối ngành du lịch các địa phương tăng cường hợp tác liên kết, phục hồi với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt.

Thứ trưởng nhấn mạnh, năm 2022 còn nhiều khó khăn, thách thức, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của biến chủng mới. Tuy nhiên, sự phục hồi của ngành du lịch là mong mỏi không chỉ của toàn ngành mà còn của các cấp, ngành và toàn xã hội. Hội thảo Du lịch 2021 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì phối hợp với Bộ VHTTDL và tỉnh Nghệ An tổ chức vào ngày 25/12 tới đây là sự kiện quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Quốc hội, Chính phủ đối với ngành du lịch.

Về các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Du lịch tập trung xây dựng, triển khai các đề án lớn như: sơ kết, đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; rà soát, đề xuất chỉnh sửa Luật Du lịch phù hợp với tình hình mới; quy hoạch mở rộng không gian du lịch…

Thứ trưởng nhấn mạnh cần tập trung triển khai các chương trình, đề án về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch. Đẩy mạnh và nâng tầm công tác xúc tiến quảng bá du lịch quốc gia, tăng cường huy động sự tham gia của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp. Hỗ trợ các địa phương phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo. Đồng thời, Tổng cục Du lịch cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành, phục hồi nguồn nhân lực du lịch sau những ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trung tâm Thông tin du lịch

 

Cùng chuyên mục