Non nước Việt Nam

Làng cau Phú Hải ở Lào Cai

Cập nhật: 03/04/2020 10:34:37
Số lần đọc: 1460
Từ đường thôn đến ngõ xóm, từ bờ ruộng tới bên hiên nhà ở các thôn Phú Hải, Phú Thịnh, Phú Hòa… xã Phú Nhuận (Bảo Thắng), người dân đều trồng rất nhiều cau. Đặc biệt, ở Phú Hải 1 có hơn 100 hộ thì hầu như hộ nào cũng trồng cau, nhà ít thì vài cây, có nhà trồng đến hàng nghìn cây cau, tạo thành những vườn cau thẳng tắp, bao quanh những ngôi nhà.  


Ông Dỗi giới thiệu vườn cau hàng nghìn cây của gia đình.

Từ “miếng trầu là đầu câu chuyện”

Nhắc tới người trồng cau lâu đời nhất ở Phú Hải 1, ai cũng biết đến cụ Chu Thị Mên. Cụ Mên đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, tai không còn nghe rõ, miệng đã món mém, nhưng trí nhớ của cụ vẫn tốt, có thể kể vanh vách những câu chuyện từ thời cả làng chỉ có vài cây cau.

Dẫn chúng tôi ra bờ ruộng phía sau nhà, cụ Mên chỉ tay về phía cuối cánh đồng, nơi có những vườn cau cao vút. Cụ bảo: Chỗ bây giờ trồng nhiều cau nhất chính là đất cũ nhà tôi, giờ bán cho nhà khác, người ta lại trồng nhiều hơn. Những cây cau năm xưa tôi trồng, người ta chặt hết rồi.

Khi được hỏi về nguồn gốc của cây cau đầu tiên, cụ Mên kể: Năm 1963, tôi cùng gia đình từ Hải Dương lên Phú Nhuận khai hoang, lập nghiệp. Những năm 60 của thế kỷ trước, phụ nữ thường nhuộm răng đen và ăn trầu. Mỗi ngày tôi ăn vài ba miếng trầu, có người sang chơi, tôi cũng mời trầu. Đúng như các cụ nói, “miếng trầu là đầu câu chuyện”, có việc gì cứ mời nhau miếng trầu rồi nói tiếp, thế nên hồi đó, cau chỉ sử dụng để ăn trầu, răng bà nào cũng đen nhánh, chắc, khỏe. Ngày đó chẳng ai bán cau, mỗi lần cần cau ăn trầu, tôi phải đi bộ vào trong làng Nhuần để xin cau. Làng Nhuần khi đó có hộ trồng 2 - 3 cây cau, quả sai trĩu, buồng to treo lủng lẳng mà không ai hái. Người dân nói, cây cao không ai dám trèo, ai trèo được thì không cần mua, gia đình cho hết. Là phụ nữ, nhưng tôi không ngại leo trèo, chỉ một lúc đã hái được cả buồng cau. Tôi mang cau về ăn dần, rồi ươm thành giống, trồng được 2 cây cau tại vườn nhà. Từ 2 cây cau giống, cau lớn lên, rồi quả chín, rụng đầy gốc, mọc lên nhiều cây con. Tôi mời hàng xóm sang cùng ăn trầu, gia đình nào có đám hỏi cũng sang xin buồng cau để sắp lễ. Nhiều nhà đến xin cây con mang về nhà trồng. Có những hộ thấy tôi trồng cau hợp đất, không sang xin giống thì cũng về xuôi lấy giống lên trồng theo. Năm 1992, gia đình tôi bán nhà và đất cũ để chuyển sang nhà mới, vườn cau nhỏ cũng thuộc về chủ khác.

Chuyển về nhà mới, tuổi đã cao, răng rụng gần hết, cụ Mên không còn nhai được trầu, nhưng trong vườn nhà, con cháu vẫn trồng cho cụ vài cây cau để ngắm. Hiện, những người nhuộm răng đen ăn trầu không còn nhiều, nhưng quả cau vẫn giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của cụ Mên.

Đến thu nhập tiền triệu từ cau

Theo chỉ dẫn của cụ Mên, chúng tôi tìm đến gia đình ông Chu Văn Dỗi, người chủ mới của mảnh đất mà nhà cụ nhượng lại, hiện là gia đình có vườn cau rộng nhất ở Phú Hải 1. Khi gia đình chuyển về đây, ban đầu ông thấy trong vườn có khoảng 5 cây cau, xung quanh có rất nhiều cây con. Ông ấp ủ ý định nhân rộng vườn cau để bán quả. Những cây cau trong vườn là giống cau tròn, thích hợp cho cưới hỏi, sắp lễ đi đền, chùa, nhưng thương lái lại ưa chuộng cau dài. Ông đã lặn lội xuống làng cau Thủy Nguyên (Hải Phòng) để lấy giống cau dài lên trồng thử. Giống cau không thích hợp khí hậu, mỗi lần xuất hiện sương muối, cây không sống nổi, những cây cau tròn có sẵn thì giá thấp, có thời điểm chỉ bán 500 đồng/kg quả. Nhận thấy hiệu quả kinh tế không cao, ông chặt hết cau, chuyển sang trồng cây ăn quả và quế.

Có lẽ, ông có duyên để trồng cau, nên khi thấy những cây cau nhỏ trong vườn sót lại, ông tìm hiểu kỹ hơn về kỹ thuật chăm sóc, nhân giống và khôi phục lại vườn cau. Nhiều năm trôi qua, tuy giá cả có lúc bấp bênh, nhưng ông vẫn giữ nguyên vườn cau nhà mình. Đến nay, nhà ông có hơn 1.000 gốc cau. Mỗi năm, ông tiếp tục trồng thêm nhiều cây nữa. Trung bình 1 kg quả cau bán được 30.000 - 40.000 đồng. Có năm, ông thu nhập 60 - 100 triệu đồng từ bán quả cau. Ông Dỗi tâm sự: Trồng cau phải 6 - 7 năm mới có quả để bán. Từ trồng cau, thu nhập của gia đình cũng ổn định hơn nhiều, đồng thời cũng trở thành thú vui lúc tuổi già.

Ngoài gia đình ông Dỗi, trong thôn Phú Hải 1 còn nhiều hộ “chỉ” trồng vài trăm cây cau quanh vườn nhà như thú vui tao nhã. Ông Đỗ Văn Cung bộc bạch: Tôi trồng cau cách đây 10 năm, cả vườn có khoảng 300 cây để làm hàng rào, phía trong trồng hoa, cây cảnh và cây ăn quả. Tôi thấy trồng cau không khó, không mất nhiều thời gian, chỉ mất công chăm sóc và làm cỏ khi cây còn nhỏ. Đến lúc cây chắc rễ cứ mặc cây phát triển, không cần bón phân hoặc phun thuốc. Đặc biệt, cây mọc cao nên không ảnh hưởng đến các cây trồng phía dưới. Nhà tôi hiện ươm và bán cây cau giống cho bà con, mỗi cây 30.000 đồng. Mỗi năm, gia đình cũng thu thêm được 20 đến 30 triệu đồng từ bán quả cau và cây giống.

Cau là cây xanh làm đẹp cảnh quan môi trường, cũng là cây trồng giúp người dân Phú Hải 1 nâng cao thu nhập. Theo ông Trần Quang Chương, Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận, nhiều hộ ở Phú Nhuận, đặc biệt là ở thôn Phú Hải 1 đã trở thành hộ khá nhờ thu nhập từ trồng cau. Xã cũng khuyến khích người dân trồng cau dọc đường để tạo cảnh quan, làm đẹp cho quê hương cũng như có thêm thu nhập từ cây trồng này./.

 

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT