Hoạt động của ngành

Lai Châu: Xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển du lịch

Cập nhật: 04/06/2021 11:05:22
Số lần đọc: 947
Với lợi thế và tiềm năng thiên nhiên ban tặng, xã Pắc Ta (huyện Tân Uyên) đang tập trung mọi nguồn lực xây dựng bản Nà Ún thành bản nông thôn mới (NTM) nâng cao gắn với phát triển du lịch theo lộ trình. Đến nay, dù chưa được quy hoạch đồng bộ, đầu tư nhiều nhưng bước đầu đã mang lại cho vùng đất này hướng đi mới.

Người dân bản Nà Ún trồng hoa tại nhà văn hóa bản. (Ảnh tư liệu)

Bản Nà Ún có 127 hộ, 598 nhân khẩu; nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Bản hội tụ các yếu tố phát triển du lịch như: nằm trong thung lũng xung quanh là cánh đồng lúa, rừng thông, đồi chè tạo nên không gian yên bình, cuốn hút. Suối Nà Ún cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; đồng thời còn có nguồn nước nóng phục vụ hoạt động du lịch trải nghiệm. Đây cũng là địa bàn sản xuất lúa nếp tan co giàng nổi tiếng về độ dẻo thơm ngon. Người dân trong bản vẫn giữ gìn được những giá trị truyền thống dân tộc như: chế biến cá nướng, thịt chua, thịt sấy, duy trì luyện tập, biểu diễn các điệu múa trong những ngày lễ, hội.

Với 90,3% đường giao thông nông thôn, đường nội đồng; 75% nhà ở dân cư đạt chuẩn, hiện nay người dân bản Nà Ún có thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 5,79%; tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo, trẻ 6 tuổi đi học đạt 100%; 53,8% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục đi học THPT, học bổ túc và học nghề; tỷ lệ lao động được đào tạo 50%; đạt bản văn hóa; cơ bản đạt các tiêu chí về môi trường; an ninh, trật tự xã hội được đảm bảo. Xây dựng NTM nâng cao gắn với phát triển du lịch sẽ huy động được nhiều nguồn lực, đặc biệt là nội lực của Nhân dân, khai thác có hiệu quả kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất hiện có, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và mức sống của người dân nông thôn, phát huy được bản sắc văn hóa, quảng bá hình ảnh xã Pắc Ta nói riêng, huyện Tân Uyên nói chung đến với vùng, miền khác.

Anh Lê Việt Vương - Chủ tịch UBND xã Pắc Ta cho biết: Thực hiện nghị quyết của HĐND huyện, cấp ủy, chính quyền địa phương đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trước một số khó khăn ở bản Nà Ún như: người dân sinh sống dựa vào rừng là chủ yếu, đất ruộng ít, một số gia đình còn lấn đất bản thành đất ở khiến đường giao thông càng chật hẹp. Sau nhiều lần họp bản tuyên truyền, vận động, nhắc nhở đến nay trên 80% hộ dân dọc 2 bên đường đã nhất trí hiến đất mở rộng đường nội bản. Về lâu dài, thực hiện xã hội hóa và vận động Nhân dân hiến đất xây dựng các công trình hạ tầng như: cổng bản, ngõ hộ gia đình, hệ thống điện chiếu sáng; xây dựng điểm nước nóng Nà Ún, chỉnh trang nhà cửa, nơi công cộng. Thu gom xử lý rác thải theo quy định, trồng và chăm sóc cây xanh, cây cảnh tạo cảnh quan; duy trì hoạt động của tổ sản xuất lúa nếp tan co giàng, nâng cao chất lượng gạo thành sản phẩm OCOP; phát triển du lịch sinh thái đồi thông…

Giai đoạn 2021-2025, theo kế hoạch Nà Ún được Nhà nước đầu tư hỗ trợ hệ thống cấp nước sinh hoạt, đường sản xuất, bãi đỗ xe, điểm dừng chân khu vực suối nước nóng, xây dựng nhà vệ sinh nơi công cộng, hộ gia đình, chuồng trại chăn nuôi gia súc, nâng cấp nhà văn hóa bản gắn với nhà trưng bày sản phẩm… Trước tiềm năng, cơ hội đề án mang lại, người dân bản Nà Ún rất vui mừng phấn khởi, các hộ gia đình đóng góp công sức tôn tạo nhà văn hóa bản, trồng các loại hoa tô điểm thêm vẻ đẹp cho bản. Tự nguyện góp tiền mua thêm 30 cột điện, đường dây, bóng thắp sáng với số tiền hơn 30 triệu đồng.
Thời điểm chúng tôi đến nắng nóng gay gắt nhưng với sự nhiệt tình tham gia xây dựng bản, các hộ dân không ngại vất vả đào hố dựng cột điện cho kịp tiến độ.

Anh Lù Văn Thương (ở bản Nà Ún) chia sẻ: Bản được chọn xây dựng bản NTM nâng cao gắn với phát triển du lịch, bà con vui lắm! Chúng tôi cùng động viên nhau nuôi, trồng sản phẩm an toàn, sạch để phục vụ nhu cầu khách đến bản tham quan. Phần đất nương của gia đình tôi có mạch nước nóng chảy qua, mấy năm trước tôi làm bể tắm nước nóng nhưng quy mô nhỏ chưa khai thác hết tiềm năng. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng nay gia đình tôi mạnh dạn đầu tư 300 triệu đồng để nâng cấp bể tắm nước nóng đáp ứng nhu cầu du lịch, công trình đang trong quá trình thi công.

Xã còn chú trọng tuyên truyền bà con chỉnh trang nhà cửa, cải tạo vườn tạp, trồng hoa bên đường nội bản và những vị trí thuận lợi. Đưa các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: mít, bưởi da xanh, hồng xiêm, nhãn… vào trồng, định hướng nếp ăn nếp ở cho bà con. Cùng với đó, nâng cao nhận thức về y tế, giáo dục, quốc phòng an ninh, tạo sự đồng thuận đoàn kết trong các tầng lớp Nhân dân. Thành lập đội văn nghệ bản duy trì bản sắc văn hóa dân tộc Thái.

Tin rằng với sự chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương, đề án như một “luồng gió mới” giúp người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, bản Nà Ún sẽ khoác lên mình diện mạo mới, trở thành điểm du lịch lý tưởng./.

Hoài Thương

Nguồn: Báo Lai Châu

Cùng chuyên mục