Non nước Việt Nam

Khánh Sơn ( Khánh Hòa): Để các di tích cách mạng phát huy giá trị

Cập nhật: 28/03/2022 09:56:07
Số lần đọc: 920
Được hình thành trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, căn cứ cách mạng Tô Hạp (huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa) mang nhiều giá trị lịch sử to lớn. Điều đáng tiếc là việc phát huy những giá trị này trong cuộc sống hôm nay vẫn chưa xứng tầm.


Những địa chỉ đỏ về nguồn

Di tích lịch sử căn cứ cách mạng Tô Hạp được xếp hạng di tích cấp tỉnh vào năm 2008, với 3 địa điểm di tích hợp thành gồm: Khu vực Suối Giá (xã Ba Cụm Bắc), khu vực Tô Hạp (thị trấn Tô Hạp), khu vực Xóm Cỏ (xã Sơn Bình). Căn cứ vào những tài liệu lịch sử,  cùng thông tin do các nhân chứng đã từng chiến đấu, công tác ở những khu vực này cung cấp, đây là những địa điểm di tích có giá trị, ý nghĩa to lớn đối với địa phương. Khu vực Suối Giá từng là đại bản doanh của các cơ quan thuộc Huyện ủy Khánh Sơn những năm 1959-1962. Nơi đây diễn ra nhiều sự kiện lớn của tỉnh và huyện như: Hội nghị mở rộng toàn tỉnh của Tỉnh ủy Khánh Hòa (năm 1957) để đánh giá tình hình thực hiện chủ trương chuyển cán bộ, đảng viên ra sống hợp pháp, đấu tranh với thủ đoạn dồn dân của địch; hội nghị của Huyện ủy Khánh Sơn quán triệt và bàn các biện pháp thực hiện các nghị quyết cấp trên (năm 1955); Đại hội dân tộc huyện (năm 1961); thành lập Huyện đội Khánh Sơn (ngày 24-9-1961); Đại hội Đảng bộ huyện Khánh Sơn lần thứ nhất (tháng 2-1962)... Năm 1963, trước sự càn quét ác liệt của quân địch, các cơ quan của Huyện ủy Khánh Sơn ở khu vực Suối Giá chuyển về khu vực Tô Hạp.

Khu vực hang Tỉnh ủy ở địa điểm di tích lịch sử Xóm Cỏ.

Thung lũng Tô Hạp được bao quanh bởi nhiều ngọn núi lớn như: Dốc Gạo, La Bin, Hòn Gầm, Hòn Hầm, Gia Uy, Đá Trào, Lỗ Hang… và có nhiều suối đá nên thuận lợi cho các cơ quan, lực lượng vũ trang hoạt động, cũng như chống các đợt càn quét của địch. Còn khu vực Xóm Cỏ là nơi tập trung nhiều cơ quan của Tỉnh ủy Khánh Hòa; các lực lượng vũ trang của Khu V và của tỉnh như Tiểu đoàn 120, Đại đội 254… đóng chân ở đây. “Với vị trí thuận lợi nằm trên trục đường giao thông liên lạc quan trọng của Liên khu V, đối diện với căn cứ quân sự Cam Ranh nên liên tỉnh Bình Thuận - Ninh Thuận - Khánh Hòa, Liên khu V và tỉnh Khánh Hòa đã chọn Khánh Sơn để xây dựng căn cứ cách mạng hoàn chỉnh. Từ đây, làm chỗ dựa để mở rộng phong trào cách mạng, chống Mỹ - ngụy trên địa bàn Nam Trung Bộ. Chính vì thế, các điểm di tích lịch sử cách mạng Suối Giá, Tô Hạp, Xóm Cỏ thực sự là những địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, phục vụ nhu cầu tham quan của người dân và du khách”, ông Mấu Thái Cư - Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn cho biết.

Cần sớm tháo gỡ vướng mắc

Theo ông Cao Minh Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, hiện các điểm di tích thuộc căn cứ cách mạng Tô Hạp được giao cho các xã, thị trấn có di tích quản lý. Mỗi địa phương thành lập 1 tổ quản lý, bảo vệ di tích. Trong đó, ở khu vực Tô Hạp và Xóm Cỏ đã có bia di tích được xây dựng năm 1999 và trùng tu năm 2017. Còn khu vực Suối Giá, đến nay vẫn chưa được xây dựng bia di tích. Hoạt động phát huy giá trị di tích mới chỉ dừng lại ở một số cuộc ngoại khóa của học sinh trên địa bàn huyện, một số buổi nói chuyện truyền thống cho đoàn viên, thanh niên nhân các ngày lễ, ngày kỷ niệm.

Mới đây, trong chuyến khảo sát thực tế 3 địa điểm di tích lịch sử cách mạng Suối Giá, Tô Hạp, Xóm Cỏ do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức, các thành viên trong đoàn nhận thấy các địa điểm này tuy cùng nằm trong di tích đã được xếp hạng nhưng lại ở vị trí quá xa nhau. Bia di tích ở khu vực Tô Hạp, Xóm Cỏ được đặt ở những vị trí có diện tích nhỏ hẹp, khuôn viên chưa được đầu tư xây dựng phù hợp để phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu di tích. Thực tế đó đã gây khó khăn cho công tác quản lý, phát huy giá trị di tích. Chính vì thế, lãnh đạo huyện Khánh Sơn mong muốn được tách di tích căn cứ cách mạng Tô Hạp và tiến hành lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích cấp tỉnh cho riêng từng di tích Suối Giá, Tô Hạp, Xóm Cỏ; thực hiện đầu tư xây dựng các bia di tích và khuôn viên lưu niệm ở những vị trí mới thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động tham quan, giáo dục truyền thống.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh cho biết, đến nay, việc cắm cột mốc khoanh vùng bảo vệ di tích căn cứ cách mạng Tô Hạp vẫn chưa được triển khai vì diện tích quá lớn. Vậy nên, cần xác lập lại bản đồ vị trí từng khu vực theo hệ tọa độ VN 2000 một cách cụ thể mới tiến hành cắm mốc được. Trung tâm sẽ phối hợp với huyện trong vấn đề này để sớm xác định được vị trí, diện tích phù hợp trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích, nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế của người dân địa phương. Ngoài ra, trung tâm tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với địa phương để ngày càng có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần phát huy giá trị di tích.

Ông Trần Mộng Điệp - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Huyện Khánh Sơn cần thực hiện việc khảo sát, xác định cụ thể vị trí để xây dựng các bia giới thiệu di tích một cách phù hợp để từ đó có cơ sở sớm đầu tư xây dựng các bia, không gian khuôn viên lưu niệm xứng tầm với di tích, tiến hành được việc cắm mốc bảo vệ di tích. Việc tách di tích căn cứ cách mạng Tô Hạp như đề xuất của huyện cũng cần thiết và phù hợp với thực tế của địa phương, không làm thay đổi tính chất của di tích đã được xếp hạng trước đó. Mục đích của việc làm này là tạo thuận lợi cho công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị của di tích tại mỗi địa phương.

Giang Đình

 

Nguồn: Báo Khánh Hòa - baokhanhhoa.vn - Ngày đăng 28/3/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT