Non nước Việt Nam

Huyền thoại Thất Sơn

Cập nhật: 16/08/2021 08:42:12
Số lần đọc: 696
Giữa mênh mông đồng đất bằng phẳng được sông Cửu Long bồi tụ, những ngọn núi lớn nhỏ mọc lên rải rác theo hình cánh cung, tạo nên một vùng bán sơn địa Thất Sơn đặc sắc, như một điểm nhấn ở miền biên thùy Tây Nam Tổ quốc. Nơi đây nổi tiếng không chỉ là nơi có cảnh sắc “đệ nhất miền Tây”, mà còn là vùng đất có truyền thống cách mạng hào hùng.

Thất Sơn hay Bảy Núi là một vùng đất núi đồi xen lẫn đồng bằng, bao gồm 4 huyện, thành phố: Châu Đốc, Tịnh Biên, Tri Tôn và Thoại Sơn, thuộc tỉnh An Giang. Các ngọn núi lớn nhỏ do quá trình vận động hình thành địa chất bề mặt vỏ trái đất tạo nên một dãy cánh cung dài gần 100km, bắt đầu từ vùng đất tương đối cao ở xã Phú Hữu (huyện An Phú) kéo dài qua xã Vĩnh Tế (TP Châu Đốc) và nối tiếp qua gần như hầu hết hai huyện Tịnh Biên, Tri Tôn rồi kết thúc tại những ngọn núi nhỏ ở huyện Thoại Sơn.

Theo khảo sát của những nhà nghiên cứu sử địa, ghi lại trong nhiều tư liệu cho rằng, toàn bộ vùng Thất Sơn có đến 37 ngọn núi, đồi lớn nhỏ rải rác với độ cao trung bình từ 50 đến 710m. Tuy nhiên sách sử cũng như trong dân gian lấy 7 ngọn núi để chọn làm đại diện tiêu biểu cho cả vùng bán sơn địa, bao gồm: núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), núi Tượng (Liên Hoa Sơn), núi Dài (Ngọa Long Sơn), núi Dài Năm Giếng hay núi Dài nhỏ (Ngũ Hồ Sơn), núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn), núi Két (Anh Vũ Sơn) và núi Nước (Thủy Đài Sơn).


Mùa nước nổi dưới chân dãy Thất Sơn.Ảnh: Trần Kim Luận

Trong đó, núi Cấm là ngọn núi cao nhất, được mệnh danh là “nóc nhà của miền Tây” và được xem là trái tim của vùng Bảy Núi. Có lẽ từ xa xưa nơi đây ẩn chứa nhiều trầm tích lịch sử, văn hóa. Người ta tương truyền rằng, rừng núi của Thiên Cấm Sơn cũng như cả vùng Thất Sơn thuở xưa còn rất hoang sơ, đầy rẫy thú dữ, sơn lam chướng khí. Tuy nhiên, đây là nơi có yếu tố địa lý hết sức thuận lợi cho việc ẩn dật và xây dựng căn cứ. Bản thân núi Cấm có nhiều hang động, ghềnh thác, suối và giếng nước ngầm. Trong lòng rừng ven sườn núi ẩn chứa rất nhiều loại thảo mộc quý và Nam dược, cây ăn trái cũng như các loại cây, củ tinh bột có thể nuôi con người tồn tại lâu dài trong điều kiện bị cô lập. Núi Cấm có dốc thoải đến đồng ruộng với những phum sóc của người Khmer nằm xen lẫn bên rặng thốt nốt dày như rừng. Bên cạnh đó, từ núi Cấm len lỏi theo dải Thất Sơn không xa là đến kênh Vĩnh Tế, nối nơi "yết hầu" đầu nguồn Cửu Long trên sông Hậu tại Châu Đốc với cửa biển Hà Tiên. Qua kênh Vĩnh Tế độ chừng vài cây số là đến biên giới giữa nước ta với Campuchia. Do đó, nhiều chí sĩ yêu nước, thủ lĩnh các phong trào Cần Vương và những cuộc kháng chiến đã chọn nơi đây làm căn cứ. Thất Sơn từ đó gắn liền với các tên tuổi lừng lẫy như: Trương Công Định, Ngô Lợi, Trần Văn Thành, Thủ khoa Huân, Phan Xích Long...

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân dân ta đã bám trụ chiến đấu dựa vào địa thế Thất Sơn và sự đùm bọc của đồng bào ở các xóm làng phum sóc từ biên giới trải dài về đến chân các ngọn núi. Núi Dài, núi Tượng, núi Két, núi Cấm hay đồi Ma Thiên Lãnh, Ô Tà Sóc... đều có dấu tích những hang đá mà bộ đội ta chọn làm nơi chôn cất vũ khí, ẩn nấp và chiến đấu.

Đế quốc Mỹ tập trung những khí tài hiện đại nhất đổ vào dãy Thất Sơn, đặc biệt là đồi Tức Dụp. Đây là một ngọn đồi nhỏ với diện tích hơn 2ha, cao chừng 300m được thiên nhiên tạo dựng, kết cấu đặc biệt bởi những hòn đá lớn nhỏ xếp chồng lên nhau chẳng khác gì hòn non bộ. Các ngách vách đá đã hình thành một hệ thống hang đá với những đường ngoằn ngoèo thông nhau với những con suối tự nhiên ngày đêm róc rách. Dựa vào địa thế đó, Tỉnh ủy An Giang, Huyện ủy Tri Tôn đã chọn đồi Tức Dụp làm căn cứ. Đây còn là cầu nối trung gian quan trọng của bộ đội trong tuyến đường từ Bắc vào Nam theo hành lang biên giới Campuchia vào miền Tây Nam Bộ. Chính vì thế, đế quốc Mỹ đã huy động lực lượng gần 18.000 quân với các vũ khí hiện đại, trong đó có cả máy bay ném bom B-57, F-4 và "pháo đài bay" B-52 tấn công vào đây trong suốt 128 ngày đêm, với ước tính hao tổn gần 2 triệu USD. Tuy nhiên, cuộc oanh tạc quy mô ấy vẫn không lay chuyển được căn cứ của quân dân ta, đặc biệt là thế trận lòng dân nơi này.

Vùng Bảy Núi còn gắn liền với những dấu mốc lịch sử quan trọng của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, đặc biệt là núi Tượng, nơi ghi dấu cuộc thảm sát hơn 3.000 thường dân do bọn diệt chủng Pol Pot gây ra. Núi Tượng đau thương, nhưng núi Tượng cũng anh hùng với những chiến tích các trận đánh không chỉ từ thời chống Mỹ như trận Cầu Sắt Vĩnh Thông mà đến cả thời kỳ truy quét tàn quân Pol Pot như trận Phú Cường, Lạc Qưới, Vĩnh Gia... Bên cạnh đó, những ngọn núi Sam, núi Đất cũng ghi dấu những trận đánh bảo vệ biên cương với những chiến tích oai hùng.

Theo chiều dài thời gian, vùng đất Bảy Núi trải qua những thăng trầm với những tầng văn hóa lịch sử, để rồi ngày nay Bảy Núi khoác lên mình một chiếc áo mới trong phông nền non sông gấm vóc vừa anh hùng mà cũng vừa tươi đẹp. Các ngọn núi trong vùng mang trên mình những di tích, chùa miếu và lăng tẩm được giữ gìn, tôn tạo trở thành điểm đến của nhiều du khách. Núi Sam với cụm di tích miếu Bà Chúa xứ, lăng Thoại Ngọc Hầu và chùa Tây An đã trở thành quần thể di tích văn hóa danh lam thắng cảnh được công nhận cấp quốc gia. Lễ hội vía Bà Chúa xứ núi Sam trở thành lễ hội văn hóa cấp quốc gia được tổ chức hằng năm. Người ta đến Thất Sơn không chỉ đi vía Bà Chúa xứ mà còn đi “vãn núi”, đến các chùa chiền khác trong dãy Thất Sơn, xem hội đua bò... tạo thành một chuỗi hành hương từ núi Sam qua núi Tượng, núi Két, núi Cấm rồi vòng qua núi Dài, núi Cô Tô, về lại núi Sập.

Du lịch đã đem về một diện mạo mới cho vùng đất cũng như cư dân nơi đây. Bên những rặng thốt nốt dưới chân dãy Thất Sơn mây treo đỉnh đầu là những nông dân Khmer cần mẫn, gánh nước thốt nốt nấu đường. Bên những cánh đồng ngập nước tới tận chân núi mùa nước nổi, là những đàn trâu len và những chiếc xuồng câu dệt nên bức tranh hào sảng mà bình dị của một miền đất biên thùy ẩn chứa trong lòng trầm tích văn hóa và những ký ức một thời khói lửa nhưng rất đỗi hào hùng.

Ngày nay, Bảy Núi non xanh nước biếc, phong cảnh hữu tình, không còn hùm beo hung hăng đêm ra bắt người như lời đồn năm xưa nữa. Khắp các ngõ ngách núi đồi, hầu như đều có nhà dân sinh sống mà vẫn giữ được màu xanh của rừng, của núi. Nhưng câu chuyện về văn hóa, lịch sử, những lời sấm truyền nhuốm màu huyền thoại về cánh cung Bảy Núi luôn bảo vệ nhân dân khỏi thiên tai, bệnh tật và giặc giã. Câu chuyện cánh cung từ hồi dân ta tụ nghĩa chống Pháp, đến nay như vẫn còn đâu đó, như niềm tự hào về “năm non bảy núi” trên mảnh đất chín rồng...

Ghi chép của Lê Quang Trạng

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT