Hoạt động của ngành

Hòa Bình phát triển kinh tế du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới

Cập nhật: 19/06/2019 14:48:47
Số lần đọc: 914
(TITC) – Với mục tiêu xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển các loại hình du lịch nông thôn nhằm thu hút du khách, khai thác tiềm năng, lợi thế, đặc thù, độc đáo hướng vào chiều sâu và phát triển bền vững, vừa qua UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch về phát triển kinh tế du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.


Mai Châu - Hòa Bình

Mục đích mà Kế hoạch hướng đến là đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), Chương trình xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Đồng thời, tăng cường khai thác tiềm năng, phát triển ngành nghề nông thôn, chú trọng khôi phục, bảo tồn các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch sinh thái; hướng đến phát triển mỗi làng một nghề; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, sản xuất sản phẩm của làng nghề, thúc đẩy phát triển sản xuất nông thôn. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư hỗ trợ và huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng phát triển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ về lĩnh vực du lịch có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh của mỗi địa phương theo chuỗi giá trị nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.

Theo kế hoạch đề ra, tỉnh Hòa Bình sẽ thực hiện chuyển dịch cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn thông qua loại hình du lịch cộng đồng; du lịch sinh thái gắn với nông - lâm - ngư nghiệp có tiềm năng, lợi thế nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đến năm 2020, Hòa Bình tập trung xây dựng 10 làng, bản du lịch cộng đồng; 12 sản phẩm hàng Lưu niệm - Nội thất - Trang trí về lĩnh vực du lịch theo tiêu chuẩn bán hàng OCOP có giá trị về lịch sử văn hóa các dân tộc, cảnh quan thiên nhiên độc đáo, hấp dẫn; từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, hình thành, kết nối mở rộng bán các nhóm sản phẩm giữa nội vùng, liên vùng và xuất khẩu.

Mục tiêu đến năm 2030, tập trung xây dựng 20 làng, bản du lịch cộng đồng; 30 sản phẩm hàng lưu niệm - nội thất - trang trí về lĩnh vực du lịch theo tiêu chuẩn bán hàng OCOP có giá trị về lịch sử văn hóa các dân tộc, cảnh quan thiên nhiên độc đáo, hấp dẫn; từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, hình thành, kết nối mở rộng bán các nhóm sản phẩm giữa nội vùng, liên vùng và xuất khẩu.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Kế hoạch nêu rõ 5 nội dung trọng tâm, gồm: Tổ chức lựa chọn các điểm du lịch cộng đồng, các sản phẩm dịch vụ hiện có đáp ứng yêu cầu về chất lượng và số lượng mục tiêu đề ra; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với đào tạo nghề; Triển khai hỗ trợ xây dựng nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng OCOP; Triển khai hỗ trợ phát triển nhóm sản phẩm lưu niệm - nội thất - trang trí về lĩnh vực du lịch; Định kỳ đánh giá xếp hạng sản phẩm, dịch vụ du lịch theo tiêu chuẩn OCOP.

Hồng Thủy

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục